OPEC và Nga trên đường kéo dài thỏa thuận cắt giảm cung dầu

Thùy Dung - 07:30, 01/12/2017

TheLEADERTổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga dường như sẽ đạt được thỏa thuận về việc kéo dài thời gian cắt giảm lượng cung dầu cho đến cuối năm 2018 nhưng mối quan ngại về thị trường có thể khiến cho các cuộc thương thảo rơi vào tình thế không thể báo trước.

OPEC và Nga trên đường kéo dài thỏa thuận cắt giảm cung dầu
Bộ trưởng Năng lượng Nga và người đồng cấp của Saudi Arabia tại một cuộc họp OPEC tháng 12 năm ngoái. Ảnh: LinkedIn

Trước đó, Nga, 14 nước thành viên OPEC và 9 quốc gia khác đã đạt được thỏa thuận về việc cắt giảm sản lượng 1,8 triệu thùng dầu mỗi ngày cho tới tháng Ba năm 2018.

Các vị bộ trưởng liên quan tới dầu mỏ của các nước này đã có buổi làm việc tại Vienna, Áo nhằm thảo luận về việc gia hạn thỏa thuận này.

Các chuyên gia phân tích trong ngành vẫn kỳ vọng OPEC sẽ kéo dài thời gian cắt giảm nguồn cung tới cuối năm 2018. Tuy nhiên, trong khi các nỗ lực nhằm giải quyết tình trạng dư thừa cung dầu toàn cầu dự kiến sẽ được tiếp tục, thoả thuận trên có thể chỉ được kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn như ba hoặc sáu tháng thay vì dài hơn.

Ông Jabar al-Luaibi - Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq nói rằng, bất kỳ sự dự báo nào hiện giờ cũng trở nên không cần thiết. Ông cũng cho biết thêm, thỏa thuận hiện tại có hiệu lực tới cuối tháng Ba năm tới cùng với việc dự kiến kéo dài thêm 9 tháng có nghĩa là thỏa thuận cắt giảm nguồn cung có khả năng sẽ kết thúc vào cuối năm 2018 nếu đạt được sự đồng thuận.

Những vướng mắc trong việc đạt được thỏa thuận tại cuộc họp giữa các quốc gia hôm nay cũng đã phơi bày một số vết nứt của trật tự dầu thế giới khi mà Saudi Arabia và Nga đều sử dụng ảnh hưởng của mình để tác động lên giá dầu cũng như sản lượng cung toàn thế giới. Và một trong những nguyên nhân tạo ra sự rạn nứt trong cung dầu chính là sự xuất hiện dầu đá phiến từ Mỹ.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Năng lượng Nigeria Emmanuel Ibe Kachikwu cho biết, giữa OPEC và Nga không hề có nguy cơ đổ vỡ và khẳng định "tất cả chúng tôi đều đoàn kết".

Sáng nay, dầu Brent được giao dịch quang mức 63,43 USD một thùng, tăng 0,51% còn dầu thô của Mỹ ở mức 57,42 USD, tăng 0,21%.

Tháng 6 năm 2014, giá dầu sụt giảm mạnh từ mức gần 120 USD một thùng do nhu cầu yếu đi, đồng đô la mạnh lên và sản lượng đá phiến Mỹ bùng nổ. Sự miễn cưỡng của OPEC trong việc cắt giảm sản lượng cũng được coi là một lý do chính đằng sau sự sụp đổ này.