Phát triển bền vững trong các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới

Phạm Sơn - 09:00, 09/03/2021

TheLEADERNhững hiệp định tự do thương mại thế hệ mới đang mở rộng phạm vi cam kết sang các mục tiêu bền vững, tiến bộ thay vì chỉ tập trung vào mở cửa thị trường.

Phát triển bền vững trong các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới
Yếu tố bền vững đang trở thành một phần quan trọng trong các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới. Ảnh: TTXVN.

Tháng 8/2020, Hiệp định tự do thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức đi vào hiệu lực, trở thành một trong những điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn.

EVFTA được đánh giá là hiệp định tự do thương mại tiềm năng nhất mà Việt Nam từng tham gia., nhờ vào không chỉ những yếu tố như thị trường rộng lớn, đối tác không có mối quan hệ cạnh tranh trực tiếp, cam kết sâu rộng về thương mại mà còn nằm ở những quy định, nguyên tắc liên quan đến phát triển bền vững.

Cụ thể, chương 13 của EVFTA quy định về những vấn đề phát triển bền vững với thương mại song phương, với tiền đề là các hiệp định, hiệp ước được ký kết và chấp thuận bởi phần đông thế giới như Chương trình nghị sự 21 về môi trường và phát triển, Hội nghị Liên hợp quốc về phát triển bền vững…

Trong đó, các quy định chủ yếu xoay quanh vấn đề về bảo vệ môi trường và bảo vệ quyền lợi của người lao động, với những trách nhiệm rõ ràng của cả hai bên, nhằm mục tiêu đảm bảo phát triển thương mại một cách bền vững nhất.

Đối với vấn đề lao động, EVFTA cam kết thực thi hiệu quả những tiêu chuẩn quan trọng trong khuôn khổ Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), bao gồm những tiêu chuẩn đã được phê chuẩn, tiến tới đẩy nhanh phê chuẩn những công ước, tiêu chuẩn mới.

Đối với vấn đề môi trường, EVFTA cũng cam kết thực thi những hiệp ước trong khuôn khổ của Liên hợp quốc về cắt giảm phát thải gây ra hiệu ứng nhà kính. Bên cạnh đó, việc sử dụng vật liệu thay thế và giảm thiểu rác thải cũng được chú trọng.

Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, EVFTA là minh chứng cho thấy sự “cân bằng giữa hiệp định thương mại tự do và phát triển bền vững”.

Trước EVFTA, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng được đánh giá là một hiệp định tự do thương mại tiêu chuẩn cao, với các yếu tố phát triển bền vững được quy định hầu như tương tự như EVFTA nhưng mức độ cam kết có phần thấp hơn.

Cơ hội cho những doanh nghiệp bền vững, tuần hoàn

Theo các chuyên gia VCCI, phát triển bền vững là phương án hữu hiệu giúp các doanh nghiệp tận dụng lợi thế từ những hiệp định tự do thương mại thế hệ mới như EVFTA và CPTPP.

Cụ thể, để đáp ứng được những thị trường khó tính, cạnh tranh với những đối thủ sở hữu tiềm lực mạnh, kinh nghiệm lâu năm, doanh nghiệp cần không ngừng nỗ lực chuyển đổi, cải tiến hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm sao để tối giản chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, những nỗ lực này cần được tiến hành một cách lành mạnh, tuân thủ theo các điều kiện, cam kết về phát triển bền vững thay vì những “cuộc đua xuống đáy”, cố tình hạ thấp tiêu chuẩn để thúc đẩy thương mại, đầu tư, tìm kiếm lợi nhuận.

Phát triển bền vững cũng đang dần trở thành tiêu chuẩn mới của thị trường, khi nhận thức và ý thức của người tiêu dùng ngày càng được nâng cao. Theo khảo sát của tổ chức GlobeScan, 47% người tiêu dùng Việt Nam cho biết đã lựa chọn sử dụng sản phẩm, dịch vụ của các công ty thực hiện tốt trách nhiệm xã hội trong năm 2020, trong đó yếu tố sức khỏe và bảo vệ môi trường được đặt lên hàng đầu.

Thực tế, trong những năm gần đây, doanh nghiệp hoạt động tại thị trường Việt Nam đã có nhiều hoạt động thể hiện trách nhiệm với công cuộc phát triển bền vững của đất nước, trên cả 3 yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường.

Đặc biệt, mô hình kinh tế tuần hoàn mới đây cũng đã trở thành chủ đề quen thuộc của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, được nhắc tới như một giải pháp chiến lược giải quyết mâu thuẫn giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế.

TS. Nguyễn Tuấn Hoa, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam nhận xét, kinh tế tuần hoàn, cùng với kinh tế số sẽ là phương án vẹn toàn để doanh nghiệp có thể đáp ứng được những yêu cầu đặt ra khi giao thương với EU.

Phát triển bền vững trong các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới
Vòng tuần hoàn đối với bao bì của PRO Việt Nam. Ảnh: PRO Việt Nam.

Các sáng kiến xoay quanh mô hình kinh tế tuần hoàn có thể kể đến như dự án Không phát thải ra thiên nhiên của VCCI nhằm hạn chế tác động tới môi trường trong quá trình sản xuất và tiêu dùng, dự án Xây dựng thị trường vật liệu để mở đường cho nguyên vật liệu thứ cấp tạo ra giá trị.

Năm 2019, các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) đã bắt tay thành lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam). Đến nay, đã có 14 doanh nghiệp trở thành thành viên của PRO Việt Nam, cùng nhau đưa ra những giải pháp cải thiện hiệu quả thu gom, xử lý rác thải.

Sáng kiến tương tự PRO Việt Nam được ghi nhận đem lại hiệu quả cao tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Mexico, sau 15 năm hoạt động, mô hình này nâng cao tỷ lệ tái chế rác thải bao bì từ 15% lên tới 60%.

Được biết, kinh tế tuần hoàn cũng là nội dung trọng tâm được ưu tiên tại những đối tác thương mại của Việt Nam, đặc biệt là EU. Thông qua các cam kết hỗ trợ lẫn nhau trong các hiệp định tự do thương mại, doanh nghiệp sẽ có cơ hội giao lưu, trao đổi, tiếp thu kinh nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị.

Với những lợi thế mà các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới đem lại, đại diện PRO Việt Nam hy vọng rằng sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia vào sáng kiến thiết lập kinh tế tuần hoàn cho bao bì cũng như nhiều sản phẩm khác để tạo nền tảng phát triển bền vững kinh tế nước nhà.