Quy hoạch các bến du thuyền tại Bình Thuận vẫn dang dở

Thái Bình - 08:12, 28/02/2021

TheLEADERViệc triển khai Đề án xây dựng Bình Thuận trở thành trung tâm du lịch – thể thao biển mang tầm quốc gia, giai đoạn 2017 – 2020 vẫn gặp khó.

Quy hoạch các bến du thuyền tại Bình Thuận vẫn dang dở
Dù đã quy hoạch xây dựng khá bài bản nhưng Bình Thuận vẫn chưa có bến du thuyền nào đi vào hoạt động (Ảnh: Bản đồ bố trí các bến du thuyền tại Bình Thuận)

Năm 2016, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định 1652/QĐUBND về Đề án xây dựng Bình Thuận trở thành trung tâm du lịch – thể thao biển mang tầm quốc gia và Kế hoạch 3759/KH-UBND ngày 13/10/2016 về việc tổ chức thực hiện Đề án xây dựng Bình Thuận trở thành trung tâm du lịch – thể thao biển mang tầm quốc gia, giai đoạn 2017 – 2020.

Vị trí các bến du thuyền trên địa bàn được xác định gồm: Dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp, kết hợp khu dân cư De Lagi của Công ty CP đầu tư 577, khu vực bãi biển Đồi Dương, khu vực Ngảnh Tam Tân (thị xã La Gi); khu vực cảng Phú Quý hiện hữu, khu vực Hòn Tranh, vị trí khu Bãi Phủ (huyện Phú Quý); dự án kinh doanh trên mặt nước biển cố định Rạng Đông và dự án Long Cung thuộc dự án khu đô thị du lịch biển Marina Mũi Né, dự án đầu tư ở khu du lịch Đồi Bạch Dương và Thung lũng Đại dương (thành phố Phan Thiết).

Tuy nhiên, do tình hình kinh tế khó khăn, chưa được cấp tuyến theo quy định (đối với huyện Phú Quý), các cơ quan liên quan chưa có đánh giá cụ thể về quy mô, chức năng… của các bến du thuyền nên đến nay vẫn chưa có bến du thuyền nào được thi công, đưa vào hoạt động.

Bên cạnh đó, sở, ngành địa phương đã phối hợp rà soát, quy hoạch sử dụng đất để phát triển du lịch – thể thao biển. Tuy nhiên, một số dự án chồng lấn quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản, titan nên chưa triển khai thủ tục đầu tư theo quy định.

Nhằm thu hút đầu tư, phát triển du lịch – thể thao biển, trong những năm qua, tất cả các đồ án quy hoạch đô thị có tiếp giáp biển đều được bố trí quỹ đất phát triển du lịch – thể thao biển. 

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh đã có 10 khu vực chức năng ngoài đô thị có tiếp giáp biển được phê duyệt quy hoạch chung xây dựng bao gồm: Khu vực ven biển Hòa Thắng – Hòa Phú; khu vực ven biển từ Suối Nước đến Hòa Thắng; khu vực ven biển Tân Thắng – Thắng Hải; khu vực ven biển Tân Tiến – Tân Thuận; khu vực ven biển Thuận Quý; khu vực ven biển Tân Thành; khu liên hợp công nghiệp – dịch vụ Sơn Mỹ; khu du lịch Bàu Trắng; khu du lịch Cổ Thạch – Bình Thạnh và khu đô thị mới Vĩnh Tân.

Đẩy mạnh kêu gọi xúc tiến đầu tư, bước đầu địa phương đã thu hút được một số nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch như: FLC, Novaland, TMS, TTC, Hưng Thịnh,... để triển khai các tổ hợp, khu phức hợp du lịch cao cấp, trong tương lai sẽ cung ứng cho thị trường những sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, thể thao biển cao cấp và các dịch vụ du lịch có liên quan. 

Lũy kế toàn tỉnh có 387 dự án du lịch được chấp thuận đầu tư còn hiệu lực, với tổng diện tích đất 6.249ha, tổng vốn đăng ký đầu tư 69.966 tỷ đồng. 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh quy hoạch xây dựng 19 bến du thuyền ở các khu du lịch.