Ra mắt cổng hỗ trợ thanh toán quốc gia

Quỳnh Chi - 10:37, 26/07/2020

TheLEADERCổng thanh toán quốc gia (PayGov) là một trong các giải pháp chủ yếu nhằm tháo gỡ nút thắt về tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 còn chưa cao.

Ra mắt cổng hỗ trợ thanh toán quốc gia
Ra mắt cổng hỗ trợ thanh toán quốc gia (PayGov)

Bộ Thông tin và truyền thông vừa ra mắt cổng hỗ trợ thanh toán quốc gia (PayGov), cung cấp cho người dân và doanh nghiệp công cụ hỗ trợ thanh toán dịch vụ công một cách thuận lợi, minh bạch, tin cậy. Đây là tiền đề để thúc đẩy xây dựng chính phủ số, phát triển nền kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam.

Việc phát triển, sớm đưa vào sử dụng cổng PayGov sẽ giúp các bộ, ngành, địa phương thực hiện kết nối, sử dụng PayGov hoàn thành chỉ tiêu về dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong năm 2020 và giúp người dân thanh toán dễ dàng, thuận tiện khi sử dụng dịch vụ công.

Theo Bộ Thông tin và truyền thông, cổng PayGov được phát triển không làm chức năng thanh toán trực tuyến mà thực hiện chức năng tạo lập nền tảng hỗ trợ cho các cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử của bộ, ngành, địa phương kết nối với các hệ thống trung gian thanh toán. 

Hệ thống được thiết kế để giải quyết ba vấn đề chính. Một là giải quyết vấn đề về kết nối. Cổng dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành địa phương chỉ cần kết nối với cổng PayGov với một giao điện thống nhất là có thể sử dụng các tiện ích của tất cả các trung gian thanh toán. 

Đồng thời, các trung gian thanh toán chỉ cần kết nối đến cổng PayGov là có thể tiếp cận, cung cấp dịch vụ cho tất cả các bộ, ngành, địa phương.

Hai là giải quyết vấn đề về tra soát, đối soát, quyết toán. Cổng PayGov cung cấp công cụ hỗ trợ giải quyết vấn đề về tra soát, đối soát, quyết toán giữa các bên liên quan; đặc biệt là hỗ trợ đối soát, quyết toán một cách tự động với kho bạc.

Ba là giải quyết vấn đề về một địa chỉ thanh toán thống nhất. Cổng PayGov không chỉ đáp ứng nhu cầu thanh toán cho dịch vụ công trực tuyến mà còn có thể mở rộng đáp ứng nhu cầu thanh toán trực tuyến của người dân đối với dịch vụ, tiện ích khác như: y tế, giáo dục, điện, nước,…

Cổng PayGov sẽ giúp hiện thực hóa mục tiêu ến năm 2025, tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%; đến năm 2030 tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%.

Hện tại Cổng PayGov đã triển khai hợp tác và kết nối với 9 trung gian thanh toán gồm: Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS); Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel - chi nhánh Tập đoàn công nghiệp - viễn thông quân đội (VIETTEL DIGITAL); Công ty CP Giải pháp thanh toán Việt Nam (VNPAY); Công ty CP Dịch vụ di động trực tuyến (M_SERVICE).

Ngoài ra còn có Công ty CP dịch vụ trực tuyến cộng đồng Việt (VIETUNION); Tổng công ty truyền thông đa phương tiện – Công ty TNHH 1TV (VTC); Công ty CP Ngân lượng; Công ty CP Dịch vụ nền di động Việt Nam (VIMASS); Công ty CP Viễn thông FPT (FPT TELECOM).

Cổng PayGov sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi kết nối, hướng đến sẽ kết nối với tất cả các trung gian thanh toán tại Việt Nam.

Theo Bộ Thông tin và truyền thông, cổng PayGov hiện đã hoàn thành kết nối thử nghiệm với cổng dịch vụ công của Bộ Thông tin và truyền thông; Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, UBND tỉnh Quảng Ninh và sẵn sàng để đưa vào sử dụng chính thức. 

Hiện cũng đang thực hiện kết nối thử nghiệm với cổng dịch vụ công các tỉnh như Sóc Trăng, Cà Mau, Long An, Thừa Thiên Huế, Hà Giang, Hà Nội…