Sáng kiến chung Việt - Nhật trong ký ức của người đồng hành

Kiều Mai - 09:54, 21/01/2020

TheLEADERTrong tiến trình hội nhập sâu rộng của Việt Nam, sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản đã tạo ra những tác động tích cực tới môi trường đầu tư kinh doanh, giúp Việt Nam trở thành địa điểm hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư Nhật Bản cũng như các nước khác.

Sáng kiến chung Việt - Nhật trong ký ức của người đồng hành
Cầu Nhật Tân là minh chứng cho mối quan hệ chặt chẽ Việt - Nhật. Ảnh: Cổng thông tin TP. Hà Nội.

Sáng kiến vì một Việt Nam cạnh tranh hơn

Những ngày đầu tháng 12/2019, Việt Nam và Nhật Bản đã tổ chức đánh giá cuối kỳ Sáng kiến chung giai đoạn VII được triển khai từ tháng 7/2018 với tổng cộng 52 kế hoạch hành động.

Nhiều cuộc đối thoại chính sách giữa các cơ quan của hai bên đã được tổ chức nhằm trao đổi, thảo luận để đưa ra các khuyến nghị chính sách, hoàn thiện pháp luật.

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam ông Kunio Umeda nhấn mạnh, quá trình thực hiện các nội dung của Sáng kiến đã góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác song phương. Nhiều nội dung, lĩnh vực đã mang lại kết quả thiết thực như triển khai các dự án ODA, các viện trợ không hoàn lại về phát triển cơ sở hạ tầng.

Ông đánh giá cao vai trò mà khuôn khổ hợp tác Sáng kiến chung đã đạt được, mong muốn tiếp tục giải quyết các vấn đề khác nhau thông qua việc trao đổi ý kiến tích cực giữa các thành viên có liên quan của trong khuôn khổ hợp tác này.

Thông qua Sáng kiến, Nhật Bản mong muốn được đóng góp, hỗ trợ vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, góp phần thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.

Sáng kiến này có mục đích tăng cường sức cạnh tranh về kinh tế của Việt Nam thông qua xúc tiến đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Mục tiêu cụ thể của Sáng kiến là chia sẻ, áp dụng các chính sách, biện pháp đặc biệt và ưu tiên, với phương châm phát huy triệt để sự tham gia và cam kết một cách tích cực của chính phủ hai nước.

Ký ức người đồng hành

Trong tâm trí những người đồng hành từ những ngày đầu và nhiều năm sau này như ông Đặng Xuân Quang, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, nguyên Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Sáng kiến chung Việt – Nhật không chỉ là sự gắn kết, hợp tác giữa hai quốc gia mà còn là cả những năm tháng tuổi trẻ.

Đó là những ngày làm việc với cường độ cực kỳ căng thẳng. Mỗi lần họp liên quan đến Sáng kiến, từ khi xây dựng văn kiện cho đến khi đánh giá, là mỗi lần làm việc kéo dài từ 9 giờ sáng đến 9 - 10 giờ đêm và kéo dài trong suốt tiến trình làm việc 10 – 15 ngày.

Trong ký ức của ông, rất nhiều vấn đề được nêu ra trong giai đoạn I, giai đoạn II, cho thấy những vướng mắc xuất hiện mọi nơi trong con mắt của các nhà đầu tư Nhật Bản. Kể cả những vấn đề rất nhỏ và cụ thể cũng được các doanh nghiệp tổng hợp và đưa vào Sáng kiến.

“Càng về sau, phạm vi các vấn đề được thu hẹp lại, vấn đề nhỏ, lặt vặt được giảm bớt, có nghĩa là có sự ghi nhận Việt Nam đã thực hiện các cải thiện rất tốt”, ông Quang chia sẻ.

Những ngày đầu làm việc chung là những ngày vất vả, không chỉ bởi cường độ làm việc mà còn bởi sự chưa hiểu nhau giữa hai bên. Phải mất một thời gian, giữa các bộ, ngành Việt Nam cùng phía Nhật Bản, đặc biệt là đại sứ quán, cộng đồng doanh nghiệp mới tìm được tiếng nói chung nhiều hơn.

“Cùng một vấn đề nhưng trong giai đoạn đầu, cách nhìn nhận của hai bên rất khác nhau. Ví dụ Việt Nam cho rằng thực hiện như vậy là đã đạt được yêu cầu hoặc đánh giá một vấn đề là bình thường nhưng trong cách nhìn của Nhật Bản, mọi thứ lại ngược lại”.

Càng về sau, đối thoại giữa cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan của Chính phủ Việt Nam diễn ra ngày càng có hiệu quả khi nhiều vấn đề trong giai đoạn đầu được tổng hợp trong đề xuất cuối cùng thì nay đã được giải quyết ở ngay cấp chuyên viên.

Hành trang quý giá mà những người đồng hành cùng Sáng kiến như ông Quang mang theo mình không chỉ là kỹ năng, kinh nghiệm mà còn là những người bạn từ đất nước mặt trời mọc.

Mỗi một giai đoạn diễn ra trong 2 năm cũng là mỗi lần ngồi cùng nhau, làm việc cùng nhau trong suốt tiến trình. Mối quan hệ từ đó được xây dựng, vun đắp và thậm chí, những người từ đất nước xa lạ giờ đây đã trở thành tri kỷ, tiếp tục sát cánh bên nhau trong các vai trò khác sau này.

Sáng kiến chung Việt - Nhật trong ký ức của người đồng hành
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng đội ngũ chuyên gia Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản.

Thời gian cứ trôi qua, cuốn theo bao thay đổi của cuộc đời nhưng những kỷ niệm vẫn còn đọng mãi trong ký ức của chàng trai trẻ năm xưa làm việc ở cấp phòng khi ấy. Sáng kiến chung đã trôi qua hơn 1/4 đời người, trải qua một tiến trình lịch sử của đất nước và trở thành thanh xuân của nhiều thế hệ cán bộ, lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các đại sứ Nhật Bản.

Trong tiến trình đấy, sự biến đổi không chỉ ở nội dung công việc mà còn là dòng người nối tiếp nhau đi qua. Vẫn là chiếc bàn trong văn phòng ấy, vẫn đằng sau lá cờ ấy nhưng giai đoạn tiếp theo của Sáng kiến có thể sẽ là một người khác.

Bắt đầu tham gia Sáng kiến từ giai đoạn đầu, giải quyết các công việc ở cấp chuyên viên và dần chuyển dịch lên các vị trí cao hơn, ông Quang không khỏi bồi hồi nhìn lại chặng đường dài mình đã trải qua. Và có lẽ không chỉ ông mà rất nhiều người khác cũng không khỏi nao lòng mỗi khi nhớ lại những ngày gắn kết ấy.

Một điều đặc biệt khác xuất phát từ Sáng kiến là mô hình hợp tác Japan Desk, trong đó Nhật Bản và Việt Nam thành lập một bộ phận thường trực có chuyên gia của hai nước cùng làm việc.

Mục tiêu ban đầu của mô hình này là hỗ trợ cho việc thực hiện Sáng kiến chung, kết nối cơ chế hai bên cũng như tổng hợp các vấn đề mà nhà đầu tư Nhật Bản phản ánh.

Về sau, Japan Desk không chỉ thuần túy phục vụ cho Sáng kiến mà đã được mở rộng, thúc đẩy và hỗ trợ hoạt động đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam, được triển khai tại nhiều thành phố như Hà Nội, Quảng Ninh, TP.HCM. Phương thức làm việc theo mô hình sau đó cũng được áp dụng linh hoạt ngay cả trong doanh nghiệp tư nhân.

Với mục tiêu xuyên suốt cải thiện môi trường đầu tư và tăng cường năng lực cạnh tranh, Sáng kiến chung được triển khai dựa trên cơ sở đối thoại giữa cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản và các cơ quan liên quan của Việt Nam, từ trung ương tới địa phương.

Những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình đầu tư kinh doanh sẽ được tổng hợp thành những kiến nghị, đề xuất, từ đó thông qua thảo luận với các cơ quan của Việt Nam xây dựng chương trình hành động để khắc phục những hạn chế. Những văn kiện này sẽ được tổng hợp, ký kết thành tài liệu của Sáng kiến.

Trong quá trình triển khai, Việt Nam và Nhật Bản sẽ đánh giá tiến độ thực hiện các nội dung cam kết dựa trên cơ sở văn kiện đó mỗi năm một lần.

Ông Quang đánh giá, Sáng kiến chung có tác động bổ trợ rất tích cực đến tiến trình cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường năng lực cạnh tranh của Việt Nam, đặc biệt trong những năm đầu của thế kỷ 21 khi Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập.

Thay vì phải tự tìm ra vướng mắc, hạn chế trong môi trường đầu tư kinh doanh thì Việt Nam có một cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản cùng phối hợp làm việc, giúp việc cải thiện nhanh hơn, tốt hơn, giải quyết các nhu cầu cấp bách của cả các nhà đầu tư nước ngoài khác.

Theo ông Quang, sự ra đời của Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản xuất phát từ mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước cũng như thực tế Nhật Bản là một trong những nhà tài trợ lớn về ODA và FDI. Tại thời điểm đó, do mối quan hệ và tính ưu tiên mà chính phủ hai nước quyết định cần triển khai một chương trình hành động chung.

Sau 16 năm triển khai, sự chuyển biến ngày càng rõ nét và hiệu quả ngày càng lớn hơn. Điều này là do những vấn đề được đưa vào nội dung Sáng kiến ngày càng thiết thực và xác đáng cũng như kinh nghiệm, thấu hiểu của hai bên trong quá trình làm việc chung.

Theo Khảo sát thực trạng của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại châu Á, châu Đại Dương năm tài chính 2018 của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Việt Nam bỏ xa nhiều nước ASEAN về tỷ lệ doanh nghiệp Nhật mở rộng kinh doanh với gần 70% doanh nghiệp được khảo sát.

Ngay cả đối với những doanh nghiệp thành lập trước năm 2010 cũng có 67,1% doanh nghiệp có phương châm mở rộng, cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư quan trọng.

Một số rủi ro về môi trường đầu tư được cải thiện về điểm phần trăm cũng như thứ hạng đáng kể.

Nhìn chung, môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã có sự cải thiện theo thời gian, có thể được phản ánh qua đánh giá của Ngân hàng Thế giới trong loạt Báo cáo Mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh (Doing Bussiness).

Trong 13 báo cáo Doing Business, từ 2009 đến 2020, Việt Nam có 33 cải cách được ghi nhận và trong đó, hai năm có nhiều cải cách nhất là Doing Business 2016 và Doing Business 2018 với 5 cải cách mỗi năm. Lĩnh vực nộp thuế và tiếp cận tín dụng có nhiều biện pháp cải cách được ghi nhận nhất với 8 cải cách cho mỗi lĩnh vực.

Trong thời gian tới, với những chủ trương, hành động mạnh mẽ từ các cấp lãnh đạo, môi trường kinh doanh tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ được cải thiện nhanh và rõ ràng hơn nữa.