SCB tìm cách tăng trưởng thu nhập ngoài lãi vượt 30%

Minh An - 10:00, 30/05/2018

TheLEADERSau nhiều năm tái cơ cấu, Ngân hàng Sài Gòn (SCB) đang chuyển đổi cơ cấu tài chính với trọng tâm là mô hình kinh doanh theo hướng tăng thu ngoài lãi.

Cuối năm 2011, ngành ngân hàng Việt Nam diễn ra vụ hợp nhất các ngân hàng Đệ Nhất (FicomBank) và ngân hàng Tín Nghĩa vào ngân hàng Sài Gòn (SCB) mở đầu cho giai đoạn tái cấu trúc toàn ngành ngân hàng.

Sau hợp nhất, hoạt động của SCB gặp rất nhiều khó khăn khi tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng lúc đó rất cao và thanh khoản suy giảm mạnh. SCB phải nhờ đến các khoản vay tái cấp vốn từ phía NHNN, phụ thuộc vào tiền huy động trên thị trường liên ngân hàng. Đồng thời chất lượng tài sản của ngân hàng khi đó cũng gặp nhiều vấn đề với tỷ lệ tài sản có khác rất cao.

Mặc dù vậy, sau giai đoạn tái cấu trúc căng thẳng, đến nay SCB đã có những bước phát triển mạnh mẽ về quy mô. Hiện tại, SCB là ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có tổng tài sản lớn nhất trong hệ thống (không tính ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước).

Từ quy mô tổng tài sản hơn 144 nghìn tỷ đồng sau hợp nhất năm 2012, đến quý I năm 2018 vừa qua, SCB báo cáo tổng tài sản đã tăng lên trên 457 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 3 lần sau 6 năm hợp nhất.

Không chỉ tăng cường về quy mô, SCB cũng luôn báo cáo có lãi từ kinh doanh trong tất cả các năm kể từ sau sáp nhập. Đặc biệt trong lĩnh vực cốt lõi là huy động – cho vay, ngân hàng luôn ghi nhận lãi thuần rất lớn. Đỉnh cao là năm 2015, thu nhập lãi thuần (chênh lệch thu nhập cho vay và chi phí huy động theo ghi nhận kế toán) của SCB lên tới hơn 4.500 tỷ đồng.

SCB tìm cách tăng trưởng thu nhập ngoài lãi vượt 30%
SCB đang thay đổi mô hình kinh doanh theo hướng tăng thu nhập ngoài lãi.

Các năm sau hợp nhất SCB đồng thời đã tái cấu trúc nhiều tài sản có vấn đề. Điển hình là năm 2012, SCB được Ngân hành Nhà nước cho phép cơ cấu lại nhiều tài sản thành khoản vay mới gồm các khoản đặt cọc môi giới chứng khoán (17.976 tỷ đồng), tiền ứng trước cho các hợp đồng mua vàng kỳ hạn (hơn 5.500 tỷ đồng), tiền repo chứng khoán (1.437 tỷ đồng).

Báo cáo của ngân hàng cũng cho thấy, số dư tiền gửi của khách hàng vào SCB đã tăng 4,4 lần trong 6 năm qua, từ 79.000 tỷ đồng năm 2012 lên 346.000 tỷ đồng năm 2017. Đồng thời trong thời gian này vốn điều lệ tăng thêm 4.300 tỷ đồng, lên gần 15.000 tỷ đồng cuối năm 2017.

Dù có nhiều cải thiện trong 6 năm qua, ngân hàng cho biết vẫn đang tích cực xử lý các khoản nợ xấu để nâng cao chất lượng tài sản. Trong đại hội cổ đông năm nay, ban lãnh đạo của ngân hàng cho biết, sẽ thu nợ quá hạn, nợ xấu và nợ vay đã bán cho VAMC là 4.300 tỷ đồng. Ngân hàng cũng sẽ chuyển đổi cơ cấu tài chính với trọng tâm là sang mô hình kinh doanh theo hướng tăng thu ngoài lãi.

Theo SCB năm 2017, thu nhập ngoài lãi của ngân hàng cũng có mức tăng trưởng mạnh mẽ, đóng góp hơn 30% tổng thu nhập từ hoạt động. Trong quý 1/2018, SCB cũng báo cáo thu ngoài lãi tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu thu nhập của ngân hàng này với tỷ lệ đóng góp gần 30% tổng thu nhập hoạt động.

Mục tiêu của ngân hàng là phát triển khách hàng cá nhân đạt con số 2 triệu khách hàng vào năm 2020, trong đó năm 2018, SCB sẽ phải phát triển 300.000 khách hàng mới.

Năm ngoái, SCB đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép thành lập mới 2 chi nhánh và 9 phòng giao dịch, giúp mạng lưới hoạt động mở rộng lên 239 điểm tại 28 tỉnh, thành trên cả nước. Còn trong 3 tháng đầu năm 2018, SCB đã đưa vào hoạt động 2 chi nhánh và 3 phòng giao dịch mới.