Sếp Lenovo Việt Nam bật mí lời giải bài toán 'thay đổi hay là chết'

Quỳnh Như - 09:44, 09/06/2018

TheLEADERTrước sự thay đổi như vũ bão của ngành phần mềm và hệ thống ICT, những công ty chuyên về phần cứng lâu đời như Lenovo đang phải chạy theo khá vất vả và đứng trước sức ép rất lớn.

Sếp Lenovo Việt Nam bật mí lời giải bài toán 'thay đổi hay là chết'
Ông Nguyễn Văn Giáp, tân Giám đốc Lenovo Việt Nam

Trong thời buổi thế giới phẳng như hiện tại, chẳng có điều gì là luôn luôn đúng, trên thương trường, nhiều tập đoàn có lịch sử lâu đời, tưởng sẽ trường tồn với thời gian nhưng chỉ cần có một chút lơ là với thời cuộc, sẽ lập tức bị xã hội đào thải.

Ở lĩnh vực công nghệ, sự cạnh tranh càng khốc liệt, chúng ta có thể thấy sự biến mất dần của những tên tuổi đình đám một thời như Nokia, Netscape, Kodak, Compaq và mới đây nhất là Vertu, thương hiệu điện thoại từng được biết đến như là biểu tượng tượng trưng cho giới nhà giàu.

Vào năm 2020, nơi làm việc sẽ thay đổi cơ bản, thế hệ Millenial (những người sinh từ năm 1980 trở đi) sẽ chiếm hơn 50% lượng nhân sự và 59% tổng số lao động trong thế hệ này nói rằng, việc ông chủ cung cấp thiết bị công nghệ hiện đại như thế nào rất quan trọng trong khi họ cân nhắc có nhận việc hay không.

“Nơi làm việc đã thay đổi liên tục, kể từ năm 2010, không gian làm việc/mỗi nhân viên giảm trên 30%/năm, 20% cuộc họp quá tải vì các vấn đề về thiết bị, nhiều công ty nhỏ không có bàn làm việc cố định.

Tương lai, nhân viên có xu hướng hay mang thiết bị cá nhân mình vào làm việc và bài toán được đặt ra là làm sao có thể tích hợp chúng chung với hệ thống”, ông Nguyễn Văn Giáp, tân Giám đốc Lenovo Việt Nam nhận xét trong sự kiện Vietnam Mobile Day vừa diễn ra 8/6 vừa qua.

Trong 5 năm tới, hệ thống ICT gồm bộ điều chỉnh và nền tảng công nghệ sẽ tiến tới giai đoạn 3 với sự thống trị của các thiết bị di động, trung tâm lưu trữ dữ liệu đám mây, dữ liệu lớn/phân tích (big data/analytics), kinh doanh trên mạng xã hội; cùng những công nghệ mới hiện tại sẽ trở nên phổ biến là robotic, giao diện người dùng tự nhiên, in 3D, IoT, hệ thống nhận thức – cognitive system, thế hệ bảo mật mới.

“Năm 2020, sẽ có trên 20% doanh nghiệp sử dụng AR và VR để xây dựng các chương trình hay mô hình kinh doanh. Hiện nay, đã có không ít công ty sử dụng công nghệ AR vào các sản phẩm giáo dục, chatbot. Cũng trong năm 2020, sẽ có 40% các công ty suy nghĩ đến việc dùng IoT cho các công việc kinh doanh, phục vụ khách hàng; 15% sử dụng các nền tảng mở”, cựu quản lý Microsoft dự đoán.

Những sự dịch chuyển nói trên sẽ quyết định xu hướng phát triển của các doanh nghiệp phần cứng, tập trung đúng đối tượng khách hàng khi phát triển sản phẩm cũng như đề ra chiến lược kinh doanh.

Một cuộc khảo sát vừa công bố, có 88% công ty lớn có kế hoạch đầu tư ngang bằng hoặc hơn thời điểm hiện tại vào nền tảng di động trong 12 đến 18 tháng tới. 55% các doanh nghiệp lớn trong quá trình khảo sát đang triển khai thiết bị máy tính bảng, có ý định chuyển đổi để bắt kịp xu hướng kinh doanh linh động, dễ dàng mang theo khi ra thực địa hoặc đi bán hàng.

Theo đó, "di động" đang là chiến lược ưu tiên trong kinh doanh của nhiều công ty phần cứng trên khắp thế giới, tuy nhiên ‘trải nghiệm người dùng và tích hợp hiệu suất’ là yếu tố quan trọng hàng đầu thúc đẩy chiến lược di động của doanh nghiệp.

Để không dẫm lên vết xe đổ của những tên tuổi nói trên, chiến lược của Lenovo - một công ty công nghệ nổi tiếng thế giới của Trung Quốc - cả trong phát triển sản phẩm cũng như kinh doanh đều bắt nguồn từ những đợt nghiên cứu sâu sát và bài bản về thị trường, xu hướng – nguồn lực lao động.

Ông Giáp cho biết, hiện các công ty phần cứng đều đưa ra và cung cấp giải pháp phần cứng được xây dựng sẵn (device services), có thể chạy nhiều loại phần mềm khác nhau, giúp doanh nghiệp không phải cập nhật thêm các cấu hình mạnh mẽ hơn khi tích hợp thêm phần mềm mới.

Để phần cứng của mình có thể chạy bất cứ phần mềm – chương trình nào, Lenovo đã bắt tay với các ông lớn về phần mềm như Fujitsu, Microsoft... Trong tương lai, các nhà cung cấp phần cứng phải gắn kết chặt chẽ với các nhà cung cấp phần mềm để giúp người dùng dễ dàng sử dụng những công nghệ như đám mây – cloud, hệ thống IoT.

“Danh mục chiến lược cụ thể của Lenovo là lấy khách hàng làm trung tâm, đổi mới phù hợp với phong cách làm việc cá nhân của mỗi nhân viên và thiết kế phù hợp cho không gian làm việc mới.

Tức là, các sản phẩm của Lenovo có hình dáng và thiết kế dễ dàng tuỳ chỉnh theo sở thích cá nhân, tập trung vào khách hàng có chuyên môn vẽ và đồ họa. Chú tâm tới những thay đổi trong không gian làm việc, đưa ra các giải pháp hoàn chỉnh, tối ưu hoá các giải pháp cho từng loại thị trường”, ông Giáp tiết lộ.

Lenovo sẽ tập trung vào khách hàng đầu cuối, các sản phẩm di động mỏng nhẹ và có tính bảo mật cao, ngoài ra, còn phải quan tâm tới trải nghiệm của người dùng và những phản hồi từ khách hàng.

Hiện tại, mỗi năm, Lenovo có doanh thu 45 tỷ USD, có 25.000 nhân viên làm việc trên 160 quốc gia. Công tác R&D được doanh nghiệp này cực kỳ chú trọng, mỗi năm đầu tư khoảng 1 tỷ USD. Hiện tại, ngoài những sản phẩm truyền thống như latop, ổ cứng, tablet, CPU… Lenovo còn sản xuất những thiết bị dành cho nhà thông minh, văn phòng thông minh.