Startup Nhật tuyển ứng viên bằng cách … đi câu cá với CEO

Lan Hương - 10:01, 22/08/2017

TheLEADERMột công ty khởi nghiệp tại Nhật Bản đang cố gắng thu hút tài năng bằng cách tổ chức các hoạt động ngoại khóa như câu cá.

Tuyển dụng được những tài năng trẻ là khá khó đối với các công ty khởi nghiệp mới. Vì vậy, CyberBuzz, một startup truyền thông ở Tokyo, đã nghĩ ra một cách mới lạ nhằm tiếp cận với các sinh viên tiềm năng trước khi họ nộp đơn vào các công ty lớn.

Lịch trình một ngày của chương trình dã ngoại do CEO công ty CyberBuzz khởi xướng. Ảnh: Nikkei Asia

Vào một buổi sáng tháng 11 năm ngoái, ba sinh viên đại học tụ tập tại trạm Motomachi - Chukagai ở Yokohama, phía nam Tokyo. Sau đó, tại cảng gần đó, họ lên thuyền và đi câu cá tại các điểm đánh cá tại vịnh Tokyo - đây là ý tưởng được khởi xướng bởi Akinori Takamura, giám đốc điều hành của doanh nghiệp này.

Chuyến đi câu cá là một phần trong chương trình thực tập kéo dài hai ngày, được gọi là "Dã ngoại với CEO" của công ty CyberBuzz. Công ty cho biết việc dành thời gian tham gia các hoạt động ngoài trời với ông chủ cho phép sinh viên biết những gì người chủ của mình nghĩ và cách anh ta sử dụng thời gian của mình. Chương trình này cũng nhằm mục đích làm sâu sắc thêm hiểu biết của sinh viên về công ty và làm cho họ muốn làm việc và cống hiến cho công ty hơn.

"Bằng cách nói chuyện với CEO, tôi cảm thấy rằng anh ấy suy nghĩ rất nhiều về mỗi nhân viên của mình", một trong những sinh viên nói.

Tại Nhật Bản, sinh viên đang được hưởng lợi rất nhiều từ những bên tuyển dụng (head hunter). Vì vậy, các công ty nhỏ và vừa ngày càng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sinh viên tốt nghiệp tiềm năng. Một cách để tránh cạnh tranh với các công ty tuyển dụng nổi tiếng là phải thu hút những sinh viên sắp tốt nghiệp trước tháng 6, thời điểm hầu hết các công ty lớn bắt đầu tuyển dụng.

Những ý tưởng như của Takamura, nhằm tăng cường tiếp xúc giữa sinh viên với nhân viên là một trong số những ý tưởng rất được yêu thích. Mọi người nghĩ rằng tạo ra những hoạt động tương tự như của Takamura - như câu cá, leo núi, hay tập thể hình - một phần của chương trình thực tập sẽ là cách thú vị để CEO kết nối với sinh viên. 

"Thông qua chương trình, chúng tôi cũng có thể tìm hiểu nhiều hơn về tính cách của các sinh viên", ông Ogawara, phụ trách nhân sự tại CyberBuzz nói. Chẳng hạn, đánh bắt cá cho phép CEO biết được liệu các thực tập sinh có đến đúng giờ vào lúc sáng sớm hay cách họ phản ứng với tình trạng khó khăn, như việc không được cá cắn câu hàng giờ liền. 

Việc tập thể hình có thể thể hiện quyết tâm của các sinh viên để đạt được đến giới hạn của mình như thế nào. Tuy nhiên, điểm quan trọng nhất của các chương trình thực tập này là để Giám đốc điều hành có được cảm giác liệu anh ta có muốn một trong những sinh viên đó vào làm việc tại công ty của mình hay không, bất kể kỹ năng làm việc thực tế của họ như thế nào.

Tuy nhiên, một trở ngại cho các chương trình này là cha mẹ của những em sinh viên. Khi chương trình bắt đầu được tổ chức vào năm ngoái, Công ty đã rất vui mừng vì sau chuyến đi đã tuyển dụng được tới 4 sinh viên. Tuy nhiên, một nữ sinh viên, người quan tâm đến việc gia nhập Công ty, đã phải từ bỏ đề nghị vì bố mẹ cô muốn cô làm việc tại một công ty lớn ổn định chứ không phải là một công ty mới khởi nghiệp.

Sau một thời gian suy nghĩ, CyberBuzz đã đưa ra một giải pháp. Đó là, bắt đầu từ năm nay, cha mẹ của các bạn sinh viên cũng được hoan nghênh tham gia hoạt động câu cá.