Sự thay đổi trong cơ cấu dòng vốn FDI

Nhật Hạ - 10:15, 31/05/2022

TheLEADERVốn điều chỉnh và vốn góp mua cổ phần của nhà đầu nước ngoài trở thành điểm sáng trong thu hút FDI 5 tháng đầu năm nay khi vốn đăng ký mới vẫn tiếp đà sụt giảm.

Tính đến ngày 20/5/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 11,71 tỷ USD, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, tuy vốn đăng ký mới giảm 53,4%, nhưng vốn điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần tăng mạnh lần lượt là 45,4% và 51,6%, theo Bộ Kế hoạch và đầu tư.

Cụ thể, 578 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giảm 5,7% so với cùng kỳ. Tổng vốn đăng ký dự án mới đạt gần 4,12 tỷ USD, giảm 53,4% so với cùng kỳ. Đây là mức thấp nhất trong 5 năm qua. 

Đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư có 395 lượt dự án, tăng 15,5% so với cùng kỳ. Tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 5,61 tỷ USD, tăng 45,4% so với cùng kỳ.

Góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư ngoại có 1.339 lượt, giảm 5,8% so với cùng kỳ. Tổng giá trị vốn góp đạt trên 1,98 tỷ USD, tăng 51,6% so với cùng kỳ.

Sự thay đổi trong cơ cấu dòng vốn FDI
Cơ cấu đầu tư nước ngoài 5 tháng đầu năm 2022 theo thành phần vốn đầu tư

Bước sang năm 2022, cơ cấu dòng vốn FDI vào Việt Nam đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ. Thiếu đi các dự án FDI mới tỷ đô, vốn đăng ký mới ghi nhận sự sụt giảm mạnh. Một số chuyên gia gần đây cho biết việc thu hút FDI đang ngày càng khó hơn. 

Trong khi đó, vốn điều chỉnh (là phần mở rộng vốn bổ sung của nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam); vốn góp, mua cổ phần (con số này thể hiện niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với Việt Nam) đang tăng lên mạnh mẽ và trở thành trụ đỡ trong thu hút FDI những tháng đầu năm.

Sự thay đổi trong cơ cấu dòng vốn FDI 1
Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/5 các năm 2018-2022.

Theo lĩnh vực đầu tư, từ đầu năm đến nay, các nhà đầu tư ngoại đã đầu vào 18/21 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu. Kinh doanh bất động sản đứng thứ hai. Tiếp theo lần lượt là các ngành thông tin truyền thông; hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ.

Sự thay đổi trong cơ cấu dòng vốn FDI

Nếu xét về số lượng dự án mới thì bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ là các ngành thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt 29,6%, 25,6% và 17,5% tổng số dự án.

Theo đối tác đầu tư, 79 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư tại Việt Nam trong năm nay, với Singapore dẫn đầu. Theo sau là Hàn Quốc, Đan Mạch.

Sự thay đổi trong cơ cấu dòng vốn FDI 1

Xét số lượng dự án, Hàn Quốc vẫn là đối tác có nhà đầu tư quan tâm và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng dự án đầu tư và góp vốn mua cổ phần nhiều nhất trong 5 tháng qua khi chiếm 19,4% số dự án mới, 33,9% số lượt điều chỉnh và 36,7% số lượt góp vốn.

Theo địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư ngoại đã rót vốn vào 48 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó Bình Dương giữ vị trí dẫn đầu. Tiếp theo là Bắc Ninh, TP.HCM.

Sự thay đổi trong cơ cấu dòng vốn FDI 2

Nếu xét về số dự án mới, các nhà đầu tư ngoại vẫn tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu về số dự án mới (40,3%), số lượt góp vốn mua cổ phần (67,9%) và đứng thứ hai về số lượt dự án điều chỉnh vốn (sau Hà Nội).

Các dự án đầu tư nước ngoài ước tính đã giải ngân được 7,71 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong 5 tháng đầu năm 2022, bốn dự án FDI lớn đã thú hút sự chú ý gồm dự án Công ty TNHH Lego manufaturing Việt Nam (Đan Mạch), tổng vốn đầu tư gần 1,32 tỷ USD với mục tiêu sản xuất đồ chơi và thực hiện quyền xuất nhập khẩu, bán buôn bán lẻ hàng hóa tại Bình Dương (GCNĐKĐT cấp ngày 18/3/2022).

Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng khu đô thị và dịch vụ Vsip Bắc Ninh (Singapore) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm gần 941 triệu USD (cấp GCNĐKĐT điều chỉnh ngày 18/01/2022).

Dự án Công ty TNHH Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 920 triệu USD tại Thái Nguyên (cấp GCNĐKĐT điều chỉnh ngành 15/02/2022).

Dự án Nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện (Hồng Kông), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm gần 306 triệu USD tại Bắc Ninh (cấp GCNĐKĐT điều chỉnh ngành 21/01/2022).