Tái chế bao bì: Vẹn toàn lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường

Sơn Phạm - 11:14, 09/07/2020

TheLEADERÁp dụng mô hình Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) trên lĩnh vực bao bì không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn gia tăng hiệu quả phát triển kinh tế và ổn định xã hội.

Nhiều năm thực hiện tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế nhưng cho đến nay, nền kinh tế của Việt Nam vẫn chưa thực sự bền vững, do sự thâm dụng vốn tự nhiên và hủy hoại môi trường.

Trước thực trạng trên, hướng tới một Việt Nam xanh – sạch – đẹp, Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và môi trường, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) Việt Nam cùng nhiều cơ quan, tổ chức khác cam kết thúc đẩy quá trình phân loại, thu gom, tái chế rác thải rắn thông qua công cụ chính sách EPR, trước hết là trên lĩnh vực bao bì.

EPR là một hướng tiếp cận mới về vấn đề rác thải khi đặt trách nhiệm lên nhà sản xuất về việc xử lý ô nhiễm do sản phẩm sau khi thải bỏ gây ra, tạo động lực thay đổi hành vi sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của toàn bộ chuỗi cung ứng.

Fanny QuertampCố vấn quốc gia tại Việt Nam thuộc Dự án Suy nghĩ lại về nhựa – giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải đại đương cho biết, áp dụng đúng cách công cụ chính sách EPR cho lĩnh vực bao bì không chỉ giải quyết vấn đề về môi trường, mà còn giúp ích rất lớn cho phát triển kinh tế và ổn định xã hội.

Tái chế bao bì: Vẹn toàn lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường
Bà Fanny Quertamp – Cố vấn quốc gia tại Việt Nam thuộc Dự án Suy nghĩ lại về nhựa – giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải đại đương.

Cụ thể, về môi trường, công cụ EPR đảm bảo tăng tỷ lệ phân loại, thu gom, tái chế rác thải rắn, qua đó làm giảm sự xả thải bừa bãi ra nguồn nước, đất đai hay xử lý bằng cách đốt hoặc chôn lấp gây hậu quả nặng nề cho môi trường.

Trong dài hạn, nhằm giảm chi phí phải chịu do xử lý chất thải, các nhà sản xuất cũng sẽ có động lực ứng dụng khoa học công nghệ trong việc cải tiến mẫu mã, thiết kế bao bì dễ dàng thu gom, tái chế, sử dụng ít nguyên liệu và thân thiện hơn với môi trường.

Bên cạnh đó, quá trình tái chế sẽ biến rác thải trở thành nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, qua đó giúp giảm lượng tài nguyên khai thác, giảm thâm dụng vốn tự nhiên.

Về kinh tế, công cụ EPR tạo ra một cơ chế chung, minh bạch và rõ ràng cho các bên liên quan tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng sản phẩm. Ngoài ra, lĩnh vực tái chế và xử lý rác thải cũng được định hình một cách bền vững, thu hút các cá nhân, tổ chức tham gia đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh, không chỉ góp phần kích thích nền kinh tế mà còn tạo ra công ăn việc làm, giải quyết tình trạng thất nghiệp.

Ngành công nghiệp tái chế và xử lý chất thải phát triển cũng tạo ra nguồn cung ứng cũng như thị trường cho nguyên vật liệu thứ cấp – nguyên vật liệu được sản xuất từ chất thải. Với giá thành rẻ và chất lượng cao, nguyên vật liệu thứ cấp hứa hẹn sẽ đảm bảo nguồn cung thay thế cho nhiều ngành nghề sản xuất kinh doanh khác.

Môi trường và cảnh quan thiên nhiên được bảo vệ còn góp phần tối ưu hóa tiềm năng du lịch của Việt Nam, đem lại nguồn lợi kinh tế cao và lâu dài.

Về mặt xã hội, công cụ EPR hướng tới mục tiêu dài hạn bao gồm việc nâng cao nhận thức cho mỗi người về trách nhiệm và hình thành thói quen thu gom, phân loại và tái chế chất thải.

Ô nhiễm môi trường được giải quyết, ý thức của người dân cũng như trách nhiệm của doanh nghiệp được nâng cao còn là nền tảng để giải quyết nhiều vấn nạn tồn đọng trong xã hội: khói bụi, nguồn nước không đảm bảo vệ sinh, thực phẩm bẩn… để tạo ra cuộc sống an lành, khỏe mạnh hơn.

Tái chế bao bì: Vẹn toàn lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường 1
Hình ảnh đau lòng về những người sống bằng nghề thu gom rác mà không có một đồ dùng bảo hộ như thế này sẽ sớm biến mất nếu quá trình thực thi công cụ EPR đạt được hiệu quả cao. Ảnh: Báo quốc tế.

Cùng với sự phát triển của lĩnh vực thu gom, tái chế, xử lý rác thải, những lao động đang làm việc trong ngành này, bao gồm công nhân vệ sinh, người lao công, thu gom đồng nát… không những được công nhận sâu sắc hơn vai trò của mình, mà còn có cơ hội cải thiện điều kiện làm việc và mức thu nhập tương xứng với những đóng góp cho xã hội.

Bên cạnh đó, quá trình áp đặt trách nhiệm lên nhà sản xuất sẽ tạo ra một mối gắn kết vô hình giữa mọi thành phần trong chuỗi cung ứng, từ nhà cung ứng ban đầu cho tới người tiêu dùng. Như vậy, thông tin về sản phẩm, thị trường sẽ luôn đảm bảo tính minh bạch, giữ gìn quyền lợi của tất cả các bên.

Đồng ý với quan điểm của bà Quertamp, các đại diện của Vụ Pháp chế Bộ Tài nguyên và môi trường cũng như Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam cũng đề xuất quá trình thực thi EPR cần phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, phân rõ trách nhiệm của các bên, tìm ra mô hình phù hợp và có chế tài quản lý, xử phạt những cá nhân, tổ chức vi phạm.