Tại sao 'Black Friday' được gọi là 'Black Friday'?

Linh Lan - 12:33, 24/11/2017

TheLEADERTừ 'black' - 'đen' trước một ngày nào đó hầu như không bao giờ có ý nghĩa tốt.

Tại sao 'Black Friday' được gọi là 'Black Friday'?
Ảnh: Chelsea Purgahn/Tyler Morning Telegraph/Associated Press

'Black Thursday' - 'Thứ Năm đen tối' - là ngày mà giới tài chính đặt cho ngày 24/10/1929, ngày diễn ra cuộc đại suy thoái ở phố Wall khi giá cổ phiếu sụt thảm hại trên thị trường chứng khoán New York NYSE. 

'Black Monday' - 'Thứ Hai đen tối' là ngày 19/10/1987 đã đi vào lịch sử nước Mỹ khi thị trường chứng khoán nước này chứng kiến sự sụt giá chứng khoán trong ngày tính theo điểm phần trăm lớn nhất đến lúc đó.

'Black Wednesday' - 'Thứ Tư đen tối' được dùng để đặt cho ngày thứ tư, 16/9/1992 khi chính quyền Đảng Bảo thủ Anh đã buộc phải quyết định rút đồng bảng Anh khỏi Cơ chế tỷ giá hối đoái châu Âu (ERM).

'Black Thursday' - 'Thứ Năm đen tối' còn được sử dụng để chỉ những ngày diễn ra thảm hoạ như đánh bom và các sự kiện tiêu cực khác.

Vậy cụm từ 'Black Friday' tại sao lại trở thành thuật ngữ phổ biến, gợi đến những giao dịch vui vẻ và lợi nhuận lớn khi mọi người đi mua sắm sau Lễ Tạ ơn?

Black Friday không phải lúc nào cũng được hiểu theo cách này. Lần đầu tiên tờ New York Times sử dụng thuật ngữ 'Black Friday' vào một bài báo năm 1870 để chỉ ngày mà thị trường vàng sụp đổ vào năm trước đó.

Ben Zimmer, nhà sản xuất của Vocabulary.com, người đã nghiên cứu và viết về thuật ngữ này, cho biết ngày thứ Sáu đen chỉ bắt đầu liên quan đến việc mua sắm vào sau dịp Lễ Tạ ơn ở Philadelphia vào những năm 1960.

Cảnh sát địa phương đã gọi đây là ngày Thứ Sáu Đen vì họ phải đối phó với tình trạng giao thông tồi tệ và những vụ tai nạn liên quan đến đám đông những người mua sắm đang đi đến các cửa hàng.

Sau đó, việc sử dụng từ 'Black Friday' không được các nhà bán lẻ địa phương chấp nhận. Họ đã cố gắng, theo ông Zimmer, để gắn cho ngày này một cái tên tích cực hơn: Big Friday.

Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra. Cuối cùng, các nhà bán lẻ ở Philadelphia và nhiều nơi khác đã xoay xở một ý nghĩa mới: Sổ sách bán lẻ trong ngày này đã chuyển từ màu mực đỏ sang màu mực đen.

Trong tiếng Anh có thuật ngữ "In The Black" chỉ tình trạng doanh nghiệp làm ăn có lợi nhuận. Tương phản với "In The Black" là "In The Red" chỉ tình trạng kinh doanh thua lỗ, buôn bán thất bát.

Trong quá khứ, để tiện phân biệt và theo dõi sổ sách, kế toán thường ghi số lợi nhuận bằng mực đen, số lỗ bằng mực đỏ. Từ đó, người ta đặt tên ngày mua sắm lớn nhất trong năm là Black Friday, ngụ ý rằng đây là ngày ăn nên làm ra của các doanh nghiệp.

Hầu hết người tiêu dùng không biết - và không quan tâm - đến điều này. Tất cả họ muốn là những giao dịch với giá hời.

Việc gán thương hiệu cho ngày này thành Black Friday đã thành công đến nỗi những hãng bán lẻ ở các bang khác cũng cố gắng nhân rộng ngày này vì mua sắm mùa lễ ngày càng cạnh tranh hơn.

Năm 2005, 'Cyber Monday' - 'Thứ Hai điện tử' đã được giới thiệu là ngày bán lẻ trực tuyến, giúp người tiết kiệm hơn khi mua sắm cho kỳ nghỉ lễ. Trong năm 2010, American Express đã tung ra ngày 'Small Business Saturday' - 'Thứ Bảy mua sắm thông minh' để khuyến khích mọi người mua sắm tại các doanh nghiệp địa phương độc lập vào ngày sau Black Friday.

Theo đó, các nhà bán lẻ đã bắt đầu chương trình khuyến mãi của họ ngày càng sớm hơn, thậm chí đã có những nỗ lực để thay đổi tên của ngày trước ngày 'Thứ Sáu đen' sang 'Thứ Năm xám, nâu hoặc đen'.