'Tam giác đều' của Chủ tịch Thiên Long Cô Gia Thọ

Đặng Hoa - 18:04, 22/09/2021

TheLEADERĐầu tư vào các xu hướng cần thiết và đầu tư tới nơi tới chốn nhưng ông Cô Gia Thọ rất căn cơ trong việc chấp nhận “chặt bớt một cánh tay” khi có rủi ro để giữ được định hướng phát triển bền vững đã đặt ra ngay từ ban đầu.

'Tam giác đều' của Chủ tịch Thiên Long Cô Gia Thọ

Những khủng hoảng lớn trong đời làm kinh doanh

Trải qua bốn mươi năm thành lập, đại dịch Covid-19 không phải là cuộc khủng hoảng lớn duy nhất mà Tập đoàn Thiên Long phải đối mặt. Khởi nghiệp với hai chỉ vàng và một chiếc xe đạp cà tàng năm 1981, ông Cô Gia Thọ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Long đã trải qua hết tất cả khó khăn và gian truân dọc theo ngần ấy năm phát triển của kinh tế đất nước.

Nhớ về những khủng hoảng lớn trong đời làm kinh doanh, nhà sáng lập Thiên Long cho biết đã trải qua ba lần “sóng gió”. Cuộc khủng hoảng đầu tiên diễn ra vào những năm 1990 nhưng do Thiên Long vẫn còn chưa lớn vào thời điểm đó nên sự ảnh hưởng không nhiều.

Đáng nhớ nhất, năm 2006 khi đã trở thành công ty cổ phần, sắp trở thành công ty đại chúng, Thiên Long đã đầu tư thêm một nhà máy ở Hà Nam và một nhà máy ở Long Thành (Đồng Nai) để mở rộng sản xuất.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng hai nhà máy này, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 - 2009 nổ ra. Lãi suất ngân hàng đã tăng cao lên hơn 20% - một con số được ông Thọ mô tả là “ghê gớm, không nhớ nổi”. Nếu duy trì cả hai nhà máy, Thiên Long sẽ gặp khó vì phải vay thêm 200 tỷ đồng để hoàn thành dự án.

Sau quá trình trao đổi với các cổ đông, ông Thọ Quyết định chỉ giữ lại nhà máy ở Long Thành và thanh lý toàn bộ những gì đã đầu tư cho nhà máy ở Hà Nam nhằm bảo toàn nguồn lực và duy trì mục tiêu phát triển bền vững.

Quyết định này đã khiến Thiên Long lỗ hơn 10 tỷ đồng, một con số tương đối lớn vào lúc đó. Phải 5 năm kể từ ngày đầu tư, nhà máy ở Long Thành mới đến điểm hoà vốn. Nhưng nghiệm lại, ông Thọ cho rằng, nếu giữ lại cả hai nhà máy thì sẽ phải chịu nhiều áp lực, cũng không biết thành bại ra sao.

Cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra hiện nay lại khác hoàn toàn so với những trải nghiệm trước đây của ông Thọ và các doanh chủ cùng thời. Nếu trước đây chủ yếu khủng hoảng về mặt tài chính thì “sóng gió” lần này ảnh hưởng đến cả hệ sinh thái, ảnh hưởng đến từng cá nhân, gia đình.

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ luôn có sự chuẩn bị về nguyên vật liệu mà Thiên Long vẫn tự chủ được nguyên vật liệu, không bị đứt gãy chuỗi cung ứng dù dịch bệnh đã kéo dài hai năm. Công ty này cũng tận dùng thời điểm để đầu tư mạnh vào chuyển đổi số toàn diện.

Ông Thọ cho biết, ở từng thời kỳ, từng lần đối mặt với khó khăn, Thiên Long luôn biết cách thay đổi để khắc phục khó khăn và đón đầu cơ hội.

“Nếu không có sự thay đổi để thích ứng qua từng thời kỳ thì Thiên Long cũng không có được sự phát triển như ngày hôm nay. Làm gì thì làm, Thiên Long phải có một định hướng rõ ràng qua bốn mươi năm là trở thành doanh nghiệp phát triển bền vững, dù nhiều khó khăn và nhiều thay đổi”, ông Thọ nói trong sự kiện "Tổ chức đồng lòng - ngược dòng đại dịch" do JCI Hà Nội tổ chức.

Cách vượt bão của ông chủ Thiên Long
Thiên Long đầu tư vào tự động hoá và chuyển đổi số

Cách vượt bão của chủ tịch Thiên Long

Với ông chủ Thiên Long, cuộc đời con người có ba điểm quan trọng cần phải cân bằng: cá nhân, gia đình và sự nghiệp. Thiếu sự cần bằng thì chính doanh nghiệp cũng sẽ không thể phát triển bền vững như mục tiêu đã đặt ra từ ban đầu.

Ba chân kiềng của tam giác phải vững mạnh, tuỳ từng thời điểm để quyết định đỉnh nào của tam giác sẽ được xoay hướng lên trên.

“Ví dụ tôi đang hơn 60 tuổi thì tôi nghĩ cá nhân tôi quan trọng hơn những cái khác. Sự bền vững không có, sự cân bằng không có thì không thể yên lòng. Làm gì thì làm, nằm xuống là phải ngủ cho ngon giấc”, ông Thọ chia sẻ.

Tam giác này cũng được ông áp dụng trong quản trị doanh nghiệp. Mùa dịch, Thiên Long không chỉ lo cho toàn bộ nhân sự trong đội ngũ mà còn quan tâm cả gia đình của họ để nhân viên an tâm làm việc.

Đó cũng là một trong những chiêm nghiệm và triết lý mà ông Cô Gia Thọ đã học hỏi và rút ra cho mình sau nhiều năm lăn lộn trên thương trường.

Khi nhiều người phải mất rất nhiều thời gian để đàm phán, cân đo đong đếm cho đủ 5 - 5, hai bên có lợi như nhau thì ông Thọ lại giữ cho mình triết lý 4 - 6. Nhờ vậy, mà đối phương luôn cảm nhận được sự chân thành và trao lại sự chân thành cho ông.

“Trong các mối quan hệ, tôi vẫn giữ tôi 4, người khác 6. Tôi rất an lạc với điều đó và tôi nghĩ tôi không có gì nuối tiếc", ông Thọ chia sẻ.

Ông Thọ cũng là người không ngừng học hỏi. Ông tự xem mình là cuốn sách mở để mọi người thấy toàn bộ nội dung bên trong, đánh dấu nổi bật những cái đúng và cái sai. Nhờ không sợ sai mà ông học hỏi được rất nhanh rất nhiều từ người khác.

Sự bền vững không có, sự cân bằng không có thì không thể yên lòng. Làm gì thì làm, nằm xuống là phải ngủ cho ngon giấc.
Ông Cô Gia Thọ
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Long

Kể lại trải nghiệm nhiều năm tiếp xúc, làm việc cùng ông chủ Thiên Long, ông Trần Bằng Việt, CEO Đông A Solutions cho biết, lúc nào ông Thọ cũng có một cuốn sổ trong tay. Chỉ cần thấy ý nào hay là sẽ lấy sổ ra ghi ngay mà không sợ bị “chọc quê”.

Đặc biệt, với ông Thọ, kinh doanh là phải đi theo xu hướng, mạnh dạn đầu tư tới nơi tới chốn.

Từ thời còn là một cơ sở sản xuất cuối những năm 1990, Thiên Long là một trong những đơn vị đầu tiên có mặt trong khu công nghiệp Tân Tạo, theo lời kêu gọi, khuyến khích và hỗ trợ của Nhà nước.

Trong quá trình vận hành sản xuất, bên cạnh yếu tố lợi nhuận, Thiên Long cũng chú trọng yếu tố môi trường và sức khoẻ trong đầu tư để hướng đến bền vững. Dù chi phí cho những đầu tư đó không hề thấp nhưng lãnh đạo doanh nghiệp này rất cương quyết, làm cho bằng được và đã sớm đạt được các tiêu chuẩn quốc tế.

Năm 2000, doanh nghiệp này đã đầu tư xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển, tự chế tạo thành công khuôn mẫu thay vì phải đặt mua từ Hàn Quốc, Đài Loan với chi phí rất cao cũng như tốn kém thời gian nghiệm thu. Ông Thọ tự hào, hiếm ai có thể đầu tư một bộ phận sản xuất cho đầu bút bi đòi hỏi độ chính xác rất cao. Đặc biệt, đến nay, 75% hoạt động ở nhà máy Thiên Long đã được tự động hoá.

Nhà sáng lập Thiên Long cũng nhấn mạnh, quy trình bên trong của một tổ chức thực sự cần thiết. Đi cùng với xu thế, đến nay, Thiên Long đã đầu tư rất nhiều cho phần mềm. Từ khi niêm yết năm 2010, công ty này đã đầu tư triển khai ngay hệ thống quản trị tích hợp ERP SAP, mời đơn vị tư vấn của Singapore về hỗ trợ.

Đáng chú ý, vào cuối năm ngoái, Thiên Long đã khởi động chương trình chuyển đổi số toàn diện nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Trong giai đoạn Covid, lãnh đạo Thiên Long xác định phải làm tốt tất cả quy trình sản xuất, dù khó khăn vẫn không chùn bước, vẫn tái cơ cấu, xem lại các quy trình chưa tốt để điều chỉnh.

Cách vượt bão của ông chủ Thiên Long 2
Hành trình khởi nghiệp của ông Cô Gia Thọ

Tuy nhiên, theo ông Thọ, không phải cứ có tiền là làm được mà quan trọng hơn hết là con người, cần cả một đội ngũ thực sự chuyên tâm và kiên định đồng hành cùng hướng đến mục tiêu chung của công ty để cùng gặt hái thành quả.

Xuất phát điểm ở hoàn cảnh không mấy thuận lợi nên trong quá trình kinh doanh, ông luôn có quan niệm rằng “người khác sẽ làm tốt hơn mình”, do đó, ông rất biết cách trọng dụng nhân tài.

Ngay từ khi còn là một cơ sở sản xuất, Thiên Long đã tổ chức bộ máy. Ông lựa chọn người từng làm kế toán của một hợp tác xã rất lớn, rất giỏi về quản trị để điều hành cơ sở trong khi ông Thọ tập trung vào thế mạnh của mình là tiếp thị và bán hàng.

Nhớ lại thời điểm còn gặp rất nhiều khó khăn về tài chính khi còn là một cơ sở sản xuất, nhờ có tất cả quy trình thủ tục mà Thiên Long là công ty đầu tiên nhận được khoản vay không lãi từ chính sách của Phòng Lao động thương binh và xã hội quận 6 (TP. HCM).

Ông Thọ cũng chú trọng yếu tố linh hoạt, biết tiến trong những quyết định đầu tư toàn diện và biết lùi với việc giao quyền cho các cấp lãnh đạo để họ tự quyết nhanh chóng và kịp thời trong những tình huống cấp bách. Sự tiếp sức của chủ doanh nghiệp đã giúp nhân sự có động lực, không bị lẻ loi và mệt mỏi những giai đoạn khó khăn.