Tản mạn về nghề báo, nhà báo

Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch Lửa Việt Tours - 08:15, 21/06/2019

TheLEADERNhà báo dù chuyên hay không, trước hết phải là công dân bình thường, có trách nhiệm với cuộc sống và nghĩa vụ với xã hội. Họ sẽ dùng ngòi bút làm vũ khí bảo vệ cuộc sống tốt đẹp và làm cho xã hội ngày mỗi phát triển.

Gọi là không chuyên chỉ đơn giản là không có thẻ nghề nghiệp và không viết riêng cho tờ nào cả. Cũng chẳng viết riêng cho “báo của mình” như blog, facebook hay zalo. Tôi chỉ viết về những trăn trở, suy tư, cảm nhận và hiểu biết của tôi để chia sẻ với bạn đọc. Từ bạn đọc rất hay – những người bạn đọc bài của mình. Thỉnh thoảng cũng có “thù đọc” – những người mà bài viết đụng chạm, cả cố ý lẫn vô tình.

Hồi nhỏ, tôi rất mê làm báo, hình như người Việt ai cũng vậy? Nhưng từ mê hay mơ đến thực tế là chuyện dài nhiều tập, nhiều lúc không có hồi kết. Ban đầu là báo tường (phải gọi là bích báo mới chính xác). Bài của mình được đăng cho bao nhiêu người đọc, dù chỉ là bích báo cũng sướng rên. Nhà báo vừa oai, vừa giỏi. Không giỏi sao viết ra báo được, nói lúc nào cũng dễ hơn viết, làm mới khó. Trẻ con, đứa nào cũng học nói rồi mới học viết.

Tản mạn về nghề báo, nhà báo
Ông Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch Lửa Việt Tours

Thời bao cấp nhà báo cực oai. Đi đâu, làm gì cũng được ưu tiên, kể cả cua bồ. Gặp ai cũng lấp ló thẻ nhà báo cho đối phương khoái chơi. Có gì oan ức hoặc bức xúc, cứ đưa nhà báo ra hù, kiểu ông Ba Bị dọa con nít. Lắm người yếu bóng vía, cứ nghe đến “báo” là hoảng, kiểu "báo cô", "báo đời", báo hại, báo động… Còn báo cáo, bẩm báo, báo cáo sếp… thì vô tư. 

Những quan tham và đại gia được bảo kê, chống lưng thì "chấp cả bố nhà báo", không khéo mất thẻ, có khi còn mất việc, tha phương.

Nghề báo được gọi là nhà báo rất trang trọng. Nhà là chốn nương thân, là tổ ấm của mỗi người. Nhà thì to hơn lều, gác, phòng. Thời xưa, nghề báo chọn lọc khe khắt đủ thứ. Mơ không thành hiện thực thì lân la kết bạn, làm quen, gần gũi với nhà báo để được oai lây và thơm lây. Thỉnh thoảng cũng bị vạ lây khi nhà báo bị pháp luật sờ gáy vì nhà báo cũng là công dân bình thường, có người này người khác. Chơi với nhà báo thật cũng phải cẩn trọng.

Nhà báo là hàng hiếm, có định mức chứ không đại trà nên phát sinh nhà báo giả. Giả toàn tập và giả từng phần. Giả toàn tập dễ nhìn thấy còn giả từng phần thì rất khó. Đó là những nhà báo bán rẻ lương tâm, đánh mất đạo đức và thiên chức cao quí của nghề báo để trục lợi. Nhẹ thì o ép quảng cáo hoặc giữ thái độ “im lặng là vàng” trước tiêu cực. Nặng hơn thì viết bài tâng bốc hoặc hù dọa và cả tống tiền. Nghe đâu số này hơi bị nhiều, chỉ là chưa bị lộ. Dư luận xã hội tháng trước từng dậy sóng vụ nhà báo quốc tế dỏm ở Hà Tĩnh. Mấy “nhà báo” kiểu này phải gọi đích danh là “Nhà Láo”.

Nhờ trời, internet phát triển, mạng xã hội phổ cập nên ai cũng có thể trở thành nhà báo không chuyên với ngôn ngữ và cách viết đặc trưng như một thứ ngoại ngữ thời đại. Tha hồ bình phẩm, khen chê và ném đá tùy thích với những anh hùng bàn phím. Thế giới bây giờ ai cũng có thể trở thành nhà báo, nếu thích và muốn. Có người đang đề nghị, danh xưng “Nhà báo” chỉ dành cho báo chí truyền thống, còn làm báo trên mạng xã hội chỉ được gọi là “Phòng” hoặc “Lều báo” chứ không thể gọi là nhà báo được.

Ai cũng tưởng làm nhà báo chuyên nghiệp sướng: Được đi đó, đi đây, quen biết và gặp gỡ đủ hạng người, nhất là quan chức và đại gia. Được mọi người quí trọng và sợ. Tôi nghĩ mình rất may mắn vì không phải là nhà báo chuyên nghiệp. Nghề gì cũng có hai mặt. Cuộc sống là vậy. Có ở trong chăn, mới biết chăn có rận. Nhà báo cực kỳ vất vả và cả nguy hiểm. Nhà báo phải chạy đua với thời gian để có tin bài nóng, chính xác. Phải kiếm những đề tài mới, không đụng hàng. Với nhà báo, không có khái niệm “giờ hành chánh”.

Nhà báo là nghề nguy hiểm, có thể nói là nguy hiểm nhất! Vào hang mới bắt được cọp. Có khi chưa thấy mặt cọp đã bị thương, thậm chí chết. Phải nhập vai, đóng giả để thâm nhập thực tế, lấy thông tin và số liệu. Giữa tứ bề hiểm nguy và mưu mô rình rập, nhà báo chỉ có cây viết làm vũ khí và lương tâm chính trực làm đuốc soi đường. Khen sai có khi còn được thưởng, chê sai thì chỉ có bị thương và chết. Chữ nghĩa phải cân đong từng từ. Nghề báo là nghề học hỏi được nhiều nhất. Nếu không làm báo chuyên nghiệp thì có thể làm bất cứ ngành nghề gì, nhất là các nghề liên quan tới lĩnh vực mà mình từng viết.

Nhà báo không chỉ nguy hiểm, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng mà còn là nghề rất khổ. Viết thì phải lách vì không phải cứ nghĩ sao viết vậy theo ý của mình. Mỗi tờ báo có qui ước riêng, rồi qui chuẩn của nhà nước. Những định tính luôn ám ảnh như án treo lơ lửng, buộc mình lắm khi cẩn trọng quá mức. Thiên hạ bảo “Nhà văn nói láo, nhà báo nói thêm”. Nhà văn hay tưởng tượng nên bị kết là nói láo. Còn nhà báo thì cảm nhận vụ việc theo cách nhìn của người viết và của tờ báo thì bị tố là nói thêm. Làm báo chuyên nghiệp thời @ còn khó hơn cả kinh doanh. Đã qua thời ăn rồi chỉ lo viết theo định hướng. Qui luật thị trường nghiệt ngã không chừa nghề báo.

Nhưng khổ nhất của nhà báo là phải chạy theo định mức, cả đề tài lẫn bài viết. Không có đề tài thì nghĩ cho ra đề tài. Không có hứng cũng phải viết theo định mức vì đó là cơm áo gạo tiền của nhà báo. Tương tự như việc phải yêu người mà mình không yêu. Chán lắm! Việc gì cũng dần quen, dù không có hứng thú nhưng còn nghĩa vụ. Các cao nhân sẽ biến nghĩa vụ thành hứng thú. Viết rồi còn phải kết theo quan điểm của tờ báo. Làm sao cho cách nghĩ của nhà báo và tờ báo luôn gặp nhau là việc không đơn giản.

Càng ngày tôi càng ngẫm ra, làm báo không chuyên là sướng nhất. Không phải viết theo định mức hay cơm áo gạo tiền. Không thích, không hứng thì không viết. Báo này không hợp thì gởi báo khác. “Lời nói (và cả chữ viết) chẳng mất tiền”, “Nói (viết) phải củ cải cũng nghe”. Cái khó là viết thế nào để người đọc “tâm phục, khẩu phục”. Nghề gì cũng vậy, viết riết quen tay. Không nhất thiết phải học trường lớp chính quy, học trường đời là tốt nhất. Cứ đọc nhiều vào, thử viết theo cảm nhận đề tài nào mình tâm đắc. Ban đầu viết ngắn rồi tăng dần lên, các biên tập sẽ sửa lại hoàn chỉnh.

Tôi làm du lịch, ngoài quản lý còn đi dạy và làm hướng dẫn viên. Đi nhiều, biết nhiều nên không sợ hết chuyện viết, chỉ sợ không có đủ thời gian để viết vì còn làm nhiều việc khác. Từ cảnh quan đến thời sự du lịch, từ kinh tế, môi trường, thời sự xã hội đến nhân tình thế thái… chuyện gì cũng viết được. Viết báo với tôi vừa để tự học, vừa tập thể thao trí tuệ, vừa để giảm stress (mấy chuyện thời sự), vừa có thêm bạn bè (bạn đọc). Thu nhập không thể làm giàu nhưng cũng đủ để nạp năng lượng và viết tiếp. Viết nhiều càng phải đọc nhiều.

Biết nhiều cũng khổ. Nhiều chuyện khổ mà thiên hạ cứ ào ào nhào vô. Yêu chẳng hạn. Tôi cũng hay được mấy tòa soạn nhờ viết gấp chuyện thời sự, có khi là chữa cháy: kiểu chiều kêu, tối nộp. Đang trên tour thì rất cực, phải tranh thủ và thức viết để nộp bài đúng hẹn, có khi phải xin thêm vài giờ. Được đặt bài gấp cực mà cũng thích vì được tin cậy, cũng là động lực để rèn tay nghề. Thời đại điện tử, có bài chỉ sau hơn giờ là có ngay đường link.

Gặp chuyện bất bình, không viết là bứt rứt trằn trọc. Thấy điểm du lịch nào hay là phải viết ngay để chia sẻ. Nhà báo dù chuyên hay không, trước hết phải là công dân bình thường, có trách nhiệm với cuộc sống và nghĩa vụ với xã hội. Họ sẽ dùng ngòi bút làm vũ khí bảo vệ cuộc sống tốt đẹp và làm cho xã hội ngày mỗi phát triển như tuyên ngôn mà cụ Nguyễn Đình Chiểu từng khẳng định:

“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm

Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.

(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch Lửa Việt Tours