Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chạm đáy gần 3 thập kỷ

Hoàng Linh - 16:24, 15/07/2019

TheLEADERChiến tranh thương mại ngày càng phủ bóng sâu, rộng lên nền kinh tế Trung Quốc.

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chạm đáy gần 3 thập kỷ
Các doanh nghiệp vẫn hoài nghi về việc hai quốc gia có thể đạt được một thỏa thuận thương mại rộng lớn hơn và nhận ra rằng căng thẳng thương mại có thể leo thang trở lại. Ảnh: CNBC

Theo thông báo mới nhất của Cơ quan Thống kê Trung Quốc, tăng trưởng GDP của nền kinh tế này đạt 6,2% trong quý II/2019, mức thấp nhất kể từ quý đầu năm 1992.

Mức tăng trưởng của 3 tháng đầu năm nay đạt 6,4%, đưa trung bình nửa năm 2019 đạt 6,3%. GDP Trung Quốc hiện ước tính đạt hơn 45.000 tỷ Nhân dân tệ.

Cơ quan thống kê của Trung Quốc đánh giá nền kinh tế này diễn biến trong phạm vi hợp lý 6 tháng đầu năm và duy trì được đà tiến bộ trong sự ổn định chung.

"Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các điều kiện kinh tế vẫn còn khắc nghiệt cả trong và ngoài nước. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại, những bất ổn và sự không chắc chắn bên ngoài đang gia tăng, sự phát triển không cân đối và không đầy đủ ở trong nước vẫn còn gay gắt và nền kinh tế đang phải chịu dưới áp lực giảm mới".

Chiến tranh thương mại kéo dài nhiều tháng qua giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp tục đề nặng lên Bắc Kinh.

Ông Tom Rafferty, chuyên gia kinh tế về Trung Quốc tại The Economist Intelligence Unit cho biết bất ổn định gây ra bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là một yếu tố quan trọng và nhận định điều này sẽ còn tồn tại dù được tạm dừng mới đây.

"Các doanh nghiệp vẫn hoài nghi về việc hai quốc gia có thể đạt được một thỏa thuận thương mại rộng lớn hơn và nhận ra rằng căng thẳng thương mại có thể leo thang trở lại", CNBC đưa tin.

Ngoài Trung Quốc, nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á là Singapore cũng cho thấy sự sụt giảm mạnh mẽ trong quý vừa qua giữa bối cảnh chiến tranh thương mại kéo dài.

Theo số liệu dẫn bởi Bloomberg, GDP Singapore giảm 3,4% trong quý II so với 3 tháng đầu năm, trái ngược so với dự báo tăng trưởng khoảng 0,5%.

Ông Rob Subbaraman, trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô toàn cầu của Nomura Holdings, nhận định "sự giảm mạnh của GDP Singapore không phải là điềm báo tốt cho phần còn lại của châu Á".

Cuối tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đạt được đồng thuận nối lại đàm phán thương mại tại cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản sau một loạt động thái trước đó khiến căng thẳng dâng cao.

Thông tin từ Reuters cho biết ông Trump sẽ không dỡ bỏ mức thuế nhập khẩu hiện tại nhưng sẽ không gia tăng thuế đối với 300 tỷ USD giá trị hàng xuất khẩu của Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong tuyên bố cũng cho biết Mỹ sẽ không gia tăng thuế mới đối với xuất khẩu của nước này. Bên cạnh đó, các nhà đàm phán của hai nước sẽ tiếp tục thảo luận về các vấn đề cụ thể.

Tuy nhiên, hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy hai bên sẽ nhượng bộ nhằm sớm đạt được thỏa thuận.

Trong khi ông Trump gần đây tuyên bố không vội đạt thỏa thuận và một thỏa thuận nếu có phải có lợi hơn cho Mỹ, Trung Quốc lại liên tục cảnh báo sẽ "chiến đấu đến cùng".