TÁO QUÂN và nỗi trăn trở của người xem

Ngô Trọng Thanh* - 11:00, 11/02/2019

TheLEADERTiếng cười từ Táo thật khó mang lại cảm xúc trọn vẹn, khó mang lại niềm vui tột độ, do kiểu ‘tắm từ vai’- mọi sự phê bình chỉ dừng lại với các Táo, Nam Tào hay Bắc Đẩu.

Táo Quân - chương trình đặc sắc của VTV đã từng là phần được mong chờ nhất trong cả năm của mọi người, từ 16 năm qua. Tiếng cười của nó, từng phần nào lấp đầy khoảng trống của khoảnh khắc giao thừa, từ khi pháo nổ bị cấm.

Táo đã từng có đủ lợi thế riêng, và đủ thông minh để tạo sự khác biệt đến độc quyền. Chỉ có Táo - chương trình giải trí duy nhất có đặc ân lên sóng vào giờ phút thiêng liêng nhất của năm, khi mọi kênh truyền hình được nhập làm một. Táo cũng là sản phẩm của VTV, mà thế giới ngày nay ít lắm những kênh được khoác áo truyền hình quốc gia. Và Táo, với những hình tượng dân gian - Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, và ông Táo - lại càng thân thương hơn với người Việt.

Sau 1 năm vất vả bộn bề, những cảm xúc trái chiều chất chứa trong lòng, mà thật khó để mỗi người dân có thể biểu đạt, ngoài trang facebook cá nhân, thì Táo như 1 bản tổng kết để xả hơi những cảm xúc đó. Người dân thấy mỗi tình tiết Táo Quân như nói hộ lòng mình, và những chất chứa trong lòng như được xả hơi theo cách biểu đạt duyên dáng của các nghệ sỹ hài.

Có thể khẳng định, khó có một chương trình nào, dù giải trí hay chính luận, mà khán giả tìm được tiếng nói có nhiều nét đồng cảm như Táo!

TÁO QUÂN và nỗi trăn trở của người xem
Chương trình Táo quân 2019 đã nhận được khá nhiều ý kiến phản biện về nội dung

Trong suốt quá trình tư vấn chiến lược marketing cho các doanh nghiệp, tôi đã ngạc nhiên và bật cười thích thú, khi một doanh nghiệp tư nhân có doanh thu nghìn tỷ, chỉ chi đúng 2 tỷ đồng mỗi năm cho quảng cáo, và toàn bộ ngân sách này được chi vào chương trình Táo Quân. Người chủ doanh nghiệp tin rằng, đó là sự lựa chọn khôn ngoan và hiệu quả! Gần như không có chương trình nào, ngoài Táo, có thể đặt giá tới tiền tỷ cho mỗi quảng cáo 30 giây. Con số này đủ để khẳng định vị thế của Táo trong lòng khán giả và giới doanh nhân.

Nhưng rồi vài ba năm gần đây, tiếng cười Táo như nhạt dần, ngược chiều với những phản ứng tiêu cực ngày một lớn trên mạng xã hội. Không ít người thậm chí còn quá khích, khi kêu gọi Táo tự biết điểm dừng trước khi quá muộn.

Đã đành, Táo nhạt là do Táo, nhưng câu chuyện không chỉ đơn giản như vậy, ngọt hay chua, mặn hay nhạt đâu chỉ là cây Táo, mà còn cả chuyện đất trồng.

Táo nhạt, vì năm nay Táo đã PR cho một số thương hiệu quá sống sượng, để người xem cảm thấy bị thiếu tôn trọng. Khi xem "đài truyền hình quốc gia", khán giả mong chờ sự chính trực từ Táo, và khó chấp nhận để đồng tiền lên tiếng! Vẫn biết rằng, ngân sách VTV không thể đủ dồi dào, và quảng cáo là cứu cánh để bù đắp phần thiếu hụt. Nhưng Táo hãy đường hoàng thu từ những phát quảng cáo trong thời lượng cho phép. Mỗi chi tiết PR khiên cưỡng trong chương trình, sẽ mài mòn thêm lòng tin nhưng tăng thêm cái cười nhếch mép của khán giả.

Táo nhạt, bởi những câu chuyện muôn năm cũ chưa được giải quyết. Chỉ sau Táo 2 ngày, trên thông điệp liên bang của Donald Trump, mọi người sửng sốt với khối lượng công việc mà Trump đã làm được chỉ sau 2 năm ngắn ngủi. Ngay sau đó, đã có 1 clip trên mạng xã hội khẳng định Trump là Tổng thống Mỹ trung thực nhất lịch sử, dựa trên những lời hứa khi tranh cử đã được thực hiện. 

Ở chiều ngược lại, những vấn đề xã hội của chúng ta vẫn còn đó, từ tiêu cực học đường, đến những bất cập trong y tế, từ chuyện ngập lụt, đến kẹt xe đô thị. Con người không thể tắm 2 lần trên cùng 1 dòng sông, và Táo khó có thể mới, khi mọi chuyện vẫn như cũ.

Táo nhạt, bởi Táo không có giải pháp, mà chỉ nêu vấn đề và để lại khoảng lặng vô hình sau đó. Có thể Táo và nhiều người nghĩ rằng, chỉ là 1 chương trình xả hơi cuối năm, nên giải pháp không hẳn cần thiết. Điều này không hẳn đúng, dù trong câu chuyện cười, hay truyền thuyết dân gian, mọi vấn đề luôn có cách giải quyết, dù có cực đoan như cách mà Tấm dành cho mẹ con nhà Cám, hay 10 ngón tay vẽ giun của Trạng Quỳnh. 

Sau mỗi tiếng cười, người xem có quyền đỏi hỏi giải pháp cho những vấn đề xã hội mà họ phải đối mặt hằng ngày. Lời phán của Ngọc Hoàng, phần nào có thể xoa dịu được nỗi bức xúc, nhưng thực tế cho thấy là không thể, và sẽ không bao giờ là giải pháp đối với người xem cũng như là cái thực mong chờ của công chúng.

Và Táo nhạt, vì mọi sự phê bình, chỉ trích chỉ dừng lại ở các Táo, mà chẳng thấy trách nhiệm của Ngọc Hoàng và thiếu sự trừng phạt trước những lỗi lầm! Tiếng cười từ Táo thật khó mang lại cảm xúc trọn vẹn, khó mang lại niềm vui tột độ, do kiểu ‘tắm từ vai’- mọi sự phê bình chỉ dừng lại với các Táo, Nam Tào hay Bắc Đẩu. Đã qua rồi thời mà mọi thông tin chỉ gói gọn trong lời rao của anh mõ làng, khán giả biết được trách nhiệm giải trình và sự trừng phạt ‘không có vùng cấm’ như một đòi hỏi tất yếu.

Đừng dừng lại, Táo! Táo vẫn là phần tất yếu trong mỗi chương trình đón Xuân, vẫn được khán giả mong đợi cùng tiếng cười đón chào năm mới. Táo sẽ đậm đà hơn nếu Táo giữ được nét chính trực, và sự dũng cảm cần thiết khi phản ánh hiện thực xã hội. Không chỉ là nụ cười, Táo còn giúp mỗi người xả đi những bức xúc dồn nén suốt 1 năm trong bộn bề cuộc sống, để đón chào năm mới với những điều rất mới!

(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả: Ông Ngô Trọng Thanh, Chuyên gia tư vấn chiến lược marketing, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn thị trường Mancom