Tập đoàn Thái Bình Dương gặp khó ở Bình Thuận

Nguyễn Cảnh - 09:23, 14/08/2021

TheLEADERĐề xuất của Tập đoàn Thái Bình Dương về đầu tư dự án trung tâm logistics tại Bình Thuận vẫn gặp nhiều khó khăn.

Tập đoàn Thái Bình Dương gặp khó ở Bình Thuận
Dự án chỉ được Bình Thuận chấp thuận quy hoạch ở cấp tỉnh

Trung tâm logistics Bình Thuận được xây dựng tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, xếp hạng là trung tâm logistics hạng II. Dự án có công suất hàng hóa thông qua 3,5 đến 4,5 triệu tấn/năm, phục vụ giao nhận, xếp dỡ hàng hóa, lưu trữ hàng hóa (lưu kho CFS, kho ngoại quan, kho hàng nguy hiểm) và là đầu mối giao thông đa phương thức quan trọng của tỉnh.

Diện tích đất dự án khoảng 16,5ha (thuộc quản lý của Công ty TNHH MTV BĐS Thái Bình Dương – đơn vị thành viên của Tập đoàn Thái Bình Dương) và 6,68ha trước đây tỉnh cho Công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1 thuê có thời hạn đến 10/10/2020 (đã được tỉnh đồng ý chủ trương giao làm logistics từ tháng 4/2020).

Với tổng mức đầu tư khoảng 653,5 tỷ đồng, dự án dự kiến đầu tư xây dựng từ quý III/2021 - quý IV/2024, khai thác vào quý I/2025. Theo tính toán, thời gian hoàn vốn của dự án là 11 năm. Từ năm 2028 (tức sau 3 năm đi vào khai thác), dự án bắt đầu có lợi nhuận đều đặn vài chục tỷ đồng mỗi năm cho tới năm 2043.

Nhà đầu tư Công ty CP Tập đoàn Thái Bình Dương (Tập đoàn Thái Bình Dương) đề nghị tỉnh Bình Thuận xem xét bổ sung quy hoạch trung tâm logistics Bình Thuận vào quy hoạch hệ thống trung tâm logistics quốc gia.

Đối với đề xuất của nhà đầu tư, tỉnh Bình Thuận cho rằng, trước mắt thành lập trung tâm logistics cấp tỉnh để phục vụ lưu thông và phân phối hàng hóa, phục vụ sản xuất, tiêu dùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, kết nối, khai thác có hiệu quả các hạng mục hạ tầng phục vụ logistics đã hình thành tại khu vực cảng quốc tế Vĩnh Tân...

Sau khi trung tâm này hoạt động ổn định, phấn đấu nâng công suất và hiệu quả khai thác cao hơn đảm bảo phù hợp, không chồng lấn với các dịch vụ trong lưu thông và phân phối hàng hóa của các trung tâm logistics nằm trong quy hoạch đã phê duyệt theo Quyết định 1012/QĐ-TTg ngày 3/7/2015. 

Trong thời gian hoạt động, nếu có thay đổi về phương án quy hoạch các trung tâm logistics tại Quyết định 1012/QĐ-TTg, tỉnh sẽ tiếp tục căn cứ vào thực tế, xem xét hoàn chỉnh hồ sơ trên cơ sở góp ý của các bộ, ngành, địa phương để trình Bộ Công thương thẩm định, báo cáo Thủ tướng bổ sung nâng cấp thành trung tâm logistics hạng II, phạm vi hoạt động cấp vùng.

Từ đây, Sở Công thương Bình Thuận đề nghị Tập đoàn Thái Bình Dương: nghiên cứu ý kiến của Bộ Công thương (tại công văn hồi tháng 4/2021 với ý kiến tham gia của các bộ ngành liên quan) và công văn của Sở Công thương về việc báo cáo, đề xuất việc bổ sung quy hoạch dự án để giải trình, làm rõ (đối với nội dung sở đã báo cáo, đề xuất UBND tỉnh).

Nếu đề xuất thành lập trung tâm logistics cấp tỉnh, đề nghị Tập đoàn Thái Bình Dương xây dựng phương án đề xuất trước mắt thành lập trung tâm logistics cấp tỉnh (làm rõ năng lực của doanh nghiệp, quy mô, địa điểm thực hiện dự án, lợi ích mang lại cho địa phương khi dự án đi vào hoạt động) và có phương án cụ thể sau khi trung tâm này hoạt động ổn định, hoàn chỉnh hồ sơ trên cơ sở góp ý của các bộ, ngành, địa phương để trình bổ sung nâng cấp thành trung tâm logistics hạng II.

Trước đó, theo ý kiến của một số bộ, ngành, đã xuất hiện một số vấn đề hạn chế về việc bổ sung trung tâm logistics Bình Thuận (là trung tâm logistics hạng II) vào quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics cả nước.

Điển hình, trung tâm logistics Bình Thuận được đề xuất quy mô là trung tâm logistics hạng II, công suất hàng hóa thông qua 3,5 đến 4,5 triệu tấn. Tuy nhiên, báo cáo hàng hóa luân chuyển của Công ty CP Cảng quốc tế Vĩnh Tân cho biết, hàng hóa vận chuyển qua cảng này năm 2020 chỉ đạt 811.770 tấn, 5 tháng đầu năm 2021 đạt 430.440 tấn, chưa đảm bảo cho trung tâm logistics hạng II. 

Hàng hóa từ các KCN, cụm công nghiệp đang hoạt động, xây dựng trên địa bàn tỉnh chưa nhiều để có cơ sở đánh giá tính hiệu quả và phát triển lợi thế so sánh của dự án.

Do vậy, cần có đánh giá lượng hàng dự báo thông qua bến tổng hợp Vĩnh Tân trong thời gian tới, lượng hàng nội vùng, cập nhật kết quả dự báo hàng hóa cảng biển Bình Thuận tại quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cơ sở xác định khả năng thu hút của trung tâm logistics Bình Thuận đối với các khu công nghiệp tính đến 2030; làm rõ cơ sở xác định tổng khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, nội địa vận chuyển của tỉnh đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 và tỷ trọng thu hút của trung tâm logistics Bình Thuận đối với hệ thống kho bãi trong khu vực để tính toán. Cần làm rõ tiến độ triển khai việc bổ sung cụm cảng Vĩnh Tân vào các quy hoạch liên quan, từ đó làm cơ sở cho việc đề xuất bổ sung trung tâm logistics Bình Thuận vào quy hoạch hệ thống trung tâm logistics cả nước đến 2020, định hướng 2030.

Trung tâm logistics Bình Thuận (trung tâm logistisc hạng II) có thể dẫn tới chồng lấn thu hút dịch vụ trong lưu thông và phân phối hàng hóa của các trung tâm logistics nằm trong quy hoạch đã được phê duyệt trước đó. Do vậy, cần tính toán cụ thể, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh của các trung tâm logistics trong khu vực.

Đối chiếu 5 tiêu chí phân hạng trung tâm logistics hạng II cấp vùng, tiểu vùng và hành lang kinh tế của Bộ Công thương, trung tâm logistics Bình Thuận còn nhiều hạn chế để đảm bảo tiêu chí “có vị trí giao thông thuận tiện, nằm ở các trung tâm kinh tế, thị trường tiêu thụ lớn, các vùng sản xuất tập trung”.

Với tiêu chí này, hiện kết cấu hạ tầng giao thông vận tải của tỉnh chưa tạo ra hành lang vận tải đa phương thức. Đồng thời, hệ thống giao thông đường bộ kết nối khu vực Tây Nguyên còn hạn chế về quy mô, chất lượng; hệ thống giao thông kết nối với các tỉnh, thành phố khác trong khu vực Đông Nam bộ, Tây Nguyên cần có thời gian đầu tư để đảm bảo khả năng đáp ứng của hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống giao thông đường bộ.

Ngoài ra, vị trí dự án tại xã Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong), hiện khu vực này chưa phải là trung tâm kinh tế, thị trường tiêu thụ lớn, các vùng sản xuất tập trung; do đó, đây là hạn chế để có lượng hàng hóa đảm bảo thông qua 3,5-4,5 triệu tấn như đề án đề ra.