Tasco kinh doanh thua lỗ vì xả trạm BOT

Trần Anh - 14:50, 14/02/2019

TheLEADERNguồn doanh thu chủ lực của Tasco từ hoạt động thu phí giao thông chỉ đóng góp hơn 70 tỷ đồng trong, giảm 53% so với cùng kỳ khiến công ty lần đầu báo lỗ trong quý 4 vừa qua.

Công ty cổ phần Tasco từng được xem là "ông trùm" BOT một thời với hàng loạt dự án trên các tuyến đường giao thông phía Bắc. Công ty đang là chủ đầu tư các dự án BOT với các trạm thu phí để hoàn vốn cho dự án như Quốc Lộ 10, Quốc lộ 21, Quốc lộ 1 đoạn qua Quảng Bình, Quốc lộ 10 đi Hải Phòng.

Công ty cũng là chủ đầu tư Dự án Thu phí không dừng toàn quốc (theo hình thức BOO). Dự án có quy mô hơn 1.500 tỷ đồng và được áp dụng trên 28 trạm thu phí BOT trong giaii đoạn 1.

Trong quá khứ, việc đầu tư vào các dự án BOT đã đem lại cho công ty này một khoản lợi nhuận lớn cho Tasco, đỉnh điểm là năm 2016 khi công ty đạt lợi nhuận 406 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, theo thời gian, mô hình kinh doanh BOT đã bộc lộ rất nhiều điểm yếu trong quá trình vận hành. Những thông tin kém tích cực liên quan đến việc xây dựng, quản lý, vận hành các dự án BOT liên tục xuất hiện. Kéo theo là hàng loạt vụ “xả” trạm BOT, kiến nghị tạm dừng các dự án BOT khiến đây không còn là mảng kinh doanh giàu tiềm năng.

Với Tasco, hoạt động kinh doanh của công ty cũng bị ảnh hưởng rất lớn. Năm 2018, công ty đạt doanh thu 1.147 tỷ đồng, giảm 48% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 65 tỷ đồng, giảm gần 80%.

Chỉ tính riêng trong quý 4 năm qua, doanh thu của công ty chỉ đạt 382 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ. Hoạt động thu phí, từng là mảng chủ lực của Tasco, chỉ đóng góp 70 tỷ đồng trong quý 4, giảm 53%.

Tasco kinh doanh thua lỗ vì xả trạm BOT
Trạm thu phí Tiên Cựu trên Quốc lộ 10 đoạn Hải Phòng - Thái Bình của Tasco

Phía Tasco cho biết, hoạt động thu phí giảm mạnh do dự án BOT đoạn từ Cầu La Uyên đến cầu Tân Đệ tạm dừng thu phí từ tháng 6/2018, dự án BOT Mỹ Lộc tạm dừng thu phí từ tháng 7/2018 đã ảnh hưởng lớn tới doanh thu. Trong khi doanh thu giảm, chi phí của các dự án BOT vẫn ở mức cao. 

Doanh thu trong giai đoạn đầu của dự án thu phí tự động không dừng trên quốc lộ 1 và 14 đang ở mức thấp trong khi chi phí ban đầu lớn đẩy chi phí khấu hao, chi phí vận hành tăng. Kết quả, Tasco đã báo lỗ 14,8 tỷ đồng trong quý vừa qua. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2008, công ty báo cáo kết quả kinh doanh theo quý thua lỗ. 

Những năm gần đây, Tasco chuyển sang tập trung nguồn lực vào bất động sản theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng giao thông (BT). Công ty hiện là chủ đầu tư của dự án Foresa Villa (khu nhà ở sinh thái Xuân Phương rộng 38ha), dự án văn phòng cho thuê và chung cư cao cấp 48 Trần Duy Hưng, dự án South Building - Pháp Vân, dự án Xuân Phương Residence, dự án nhà ở cho CBVN Bộ Ngoại giao.

Dù vậy, Tasco lại tiếp tục “vấp” khi các dự án BT liên tục bị siết chặt và chính thức tạm dừng từ đầu năm 2018 chờ quy định về nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công. Mất gần một năm sau, một Nghị quyết về việc này đã được Chính phủ ban hành.

Trong khi đó, Tasco tiếp tục đối mặt với áp lực tài chính lớn khi phải duy trì quy mô nợ vay khoảng 6.000 tỷ đồng, chiếm gần 60% tổng nguồn vốn của công ty. Năm 2018, công ty đã phải trả 139 tỷ đồng lãi vay cho các khoản vay ngắn và dài hạn.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu Tasco (HUT), từng một thời hấp dẫn các quỹ đầu tư ngoại, đã lao dốc không phanh. Năm 2017, VinCapital cùng các quỹ liên quan đã mua vào 30 triệu cổ phiếu được Tasco phát hành riêng lẻ. Mức giá được VinaCapital mua là 10.500 đồng/cổ phiếu, tương đương với việc quỹ này đã chi ra 315 tỷ đồng.

Một quỹ đầu tư khác của VinaCapital là VOF đã đầu tư 11 triệu USD vào Tasco trong đợt huy động trị giá 23 triệu USD, tương đương 21% cổ phần của Tasco từ một nhóm các nhà đầu tư bao gồm lãnh đạo công ty, quỹ VOF và các nhà đầu tư khác. Giá của đợt huy động cũng là 10.500 đồng/ cổ phần.

Mặc dù vậy, chỉ hơn 1 năm sau, các quỹ đầu tư của VinaCapital đã chịu lỗ lớn khi cổ phiếu Tasco về đáy 5 năm. Từ mức giá gần 12.000 đồng/cổ phiếu, Tasco giảm đến 70% và hiện đã về mức 3.600 đồng/cổ phiếu.

Các quỹ của VinaCapital cũng tỏ ra không còn gắn bó với khoản đầu tư tại Tasco. Ngày 11/9, Quỹ đầu tư Hưng Thịnh VinaWealth đã bán ra 450.000 cổ phần Tasco để giảm số lượng cổ phần nắm giữ xuống 3.004.526 cổ phần, tương đương 1,2% vốn điều lệ. Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital cũng bán 479.600 cổ phần.

Thống kê giao dịch của Tasco 2 tháng cuối năm cho thấy, quỹ ngoại đã bán ròng khoảng 4 triệu cổ phiếu, với mức giá giao dịch chỉ quanh mốc 4.000 đồng. Bên cạnh VinCapital, một quỹ ngoại khác đang là cổ đông lớn tại Tasco là PYN Elite Fund cũng âm thầm giảm tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp này.