Thẩm định hai quy hoạch tỉnh đầu tiên theo Luật Quy hoạch

Quỳnh Chi - 09:30, 24/03/2021

TheLEADERHà Tĩnh và Bắc Giang là hai địa phương đi đầu trong cả nước về việc xây dựng bản quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch, theo phương pháp "đúng dần"

Thẩm định hai quy hoạch tỉnh đầu tiên theo Luật Quy hoạch
Bí thư Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng

Hà Tĩnh trong mười năm trở lại đây đã dành sự quan tâm rất lớn đến công tác quy hoạch. Địa phương này là một trong số 61/63 tỉnh thành đã được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch và đang tiến hành xây dựng quy hoạch. 

Trong nhiệm kỳ vừa qua, Hà Tĩnh đạt mức tăng trưởng rất cao nhưng lại đang chững lại, đòi hỏi thay đổi, lựa chọn ngành nghề phát triển, bố trí lại không gian phát triển để có động lực bứt phá trong thời gian tới.

Sáng 23/3, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã chủ trì cuộc họp thẩm định quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trước đó, vào ngày 22/3 cũng đã diễn ra cuộc họp tương tự với quy hoạch tỉnh Bắc Giang.

Đây là những buổi họp thẩm định quy hoạch tỉnh đầu tiên trong cả nước trong điều kiện chưa có nhiều kinh nghiệm, với nhiều điểm mới theo quy định của Luật Quy hoạch.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc lập quy hoạch thời kỳ này tiếp cận theo phương pháp mới mà Luật Quy hoạch đã quy định. Tất cả ngành, lĩnh vực và lãnh thổ phải được tích hợp trong một bản quy hoạch tổng thể có tính đa ngành trên không gian phát triển của toàn tỉnh.

Tuy nhiên, để thể hiện tất cả nội dung tích hợp của các ngành trong đó là rất khó, phải đảm bảo quản lý quy hoạch chặt chẽ, không tùy tiện nhưng không bó cứng, nhất là phải đòi hỏi tính linh hoạt, chặt chẽ cao. Trong khi đó, quy hoạch tỉnh nằm trong hệ thống quy hoạch cả nước, cấp dưới của quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng nhưng các quy hoạch này lại chưa được làm, trừ quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Để giải quyết vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho phép làm đồng thời các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia và quy trình thực hiện theo phương pháp “đúng dần”; đồng thời, khi quy hoạch cấp trên được phê duyệt thì quy hoạch cấp dưới khi có mâu thuẫn, xung đột với quy hoạch cấp trên thì phải điều chỉnh theo quy hoạch cấp trên. 

Thời kỳ quy hoạch thống nhất với tất cả các địa phương là thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để đảm bảo các quy hoạch thống nhất với nhau.

Thẩm định hai quy hoạch tỉnh đầu tiên theo Luật Quy hoạch
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Hà Tĩnh đặc biệt quan tâm phát triển bền vững từ sự cố Formosa

Theo báo cáo quy hoạch, Hà Tĩnh đặc biệt hiểu rõ tầm quan trọng của phát triển bền vững bởi địa phương từng chứng kiến hậu quả nghiêm trọng từ sự cố môi trường, do đó, Quy hoạch được xây dựng theo hướng biến kinh nghiệm này thành yếu tố tích cực và xem đó như là lợi thế cạnh tranh thực sự của tỉnh. Bối cảnh hiện tại đòi hỏi một quy hoạch xác định hướng phát triển dài hạn và phù hợp với các điều kiện mới.

Bên cạnh những yếu tố bất lợi như kinh tế nhỏ lẻ và phân mảnh, nguồn lực con người còn hạn chế, xa các cụm công nghiệp lớn trong nước…, tỉnh xác định một số lợi thế thúc đẩy khác như mạng lưới nhân tài gốc Hà Tĩnh; vị trí và các cảng chiến lược; vẻ đẹp tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên.

Bí thư Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng khẳng định, quy hoạch được xây dựng nghiêm túc, bài bản nhưng còn rất nhiều nội dung cần bổ sung, làm sao để phát huy được tiềm năng địa phương, thích nghi, ứng phó với thiên tai.

Tỉnh ưu tiên phát triển bốn lĩnh vực kinh tế trọng điểm gồm công nghiệp luyện thép, chế biến và chế tạo năng lượng; nông, lâm, thủy, sản; thương mại, dịch vụ, logistics; du lịch. Quy hoạch cũng xác định ba trung tâm đô thị, ba hành lang kinh tế và một trung tâm động lực là khu kinh tế Vũng Áng.

Tỉnh đặt mục tiêu năm 2025, GRDP bình quân đầu người cao hơn các tỉnh Bắc Trung Bộ và năm 2030, trở thành tỉnh khá của cả nước với GRDP bình quân gần 7.000 USD, nâng lên 17.700 USD vào năm 2045 và 26.000 USD vào năm 2050. Cũng theo tầm nhìn 2050, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 70%.

Báo cáo của tỉnh Hà Tĩnh đề cập ba phương án tăng trưởng cho giai đoạn 2021-2030. Một là tăng trưởng bình thường (không phát huy được tất cả tiềm năng của tỉnh để trở thành một cực kinh tế quan trọng của cả nước). Hai là tăng trưởng cao theo hướng công nghiệp hóa nặng (không bền vững vì tạo áp lực lớn về môi trường). Ba là tăng trưởng Hà Tĩnh xanh. Trong cả ba phương án, mỏ sắt Thạch Khê đều đóng tạm thời ít nhất 50 năm.

Theo tỉnh Hà Tĩnh, phương án “tăng trưởng xanh” tạo sự đồng bộ giữa nâng cao sản lượng thép với phát triển hạ tầng, bảo vệ môi trường, tạo dư địa để chuyển đổi sang các ngành khác, giảm sự phụ thuộc vào nhà máy Formosa. Theo phương án này, Hà Tĩnh dự kiến tăng trưởng kinh tế đạt trên 9% trong mười năm tới.

Bắc Giang chú trọng phát triển nhanh và bền vững

Trong khi đó, quy hoạch tỉnh Bắc Giang triển khai theo Luật Quy hoạch có những đổi mới, được xây dựng trên một số nguyên tắc. Một là phát triển nhanh và bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình thực hiện quy hoạch. Hai là tổ chức không gian hợp lý. Ba là huy động, sử dụng có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của tỉnh, bên ngoài để phát triển. 

Bốn là coi chuyển đổi số là động lực và nguồn lực cho phát triển. Năm là phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển. Sáu là kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh. 

Thẩm định hai quy hoạch tỉnh đầu tiên theo Luật Quy hoạch 1
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương

Với quan điểm đó, cùng với tiềm năng lợi thế, cơ hội, thách thức, quy hoạch đưa ra mục tiêu đến năm 2030, Bắc Giang trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô GRDP đứng trong nhóm 15 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước.

Trong phát triển thời gian tới, Bắc Giang lấy công nghiệp là động lực chính cho sự phát triển, với định hướng phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, thân thiện môi trường. Tỉnh sẽ tập trung phát triển đô thị thông minh, phù hợp với điều kiện tự nhiên gắn với trung tâm đầu mối phát triển công nghiệp. Bên cạnh đó, tập trung phát triển hạ tầng để đi trước một bước nhằm tạo nền tảng cho sự phát triển nhanh, ổn định, bền vững. 

Địa phương này ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, khu, cụm công nghiệp, đô thị, cấp thoát nước, mạng lưới cấp điện; các hạ tầng xã hội; các khu vực xử lý chất thải, nước thải... Khoanh vùng quản lý, bảo tồn hợp lý các di sản văn hóa, tín ngưỡng quan trọng... 

Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sau khi được phê duyệt là công cụ định hướng quan trọng hàng đầu cho địa phương trong quản lý và triển khai thực hiện, giúp tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả tiết kiệm bền vững tài nguyên nước, đất đai và tài nguyên thiên nhiên khác, tạo cơ sở cho việc xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, thúc đẩy sự phát triển của tỉnh cũng như tổ chức triển khai các chương trình dự án đầu tư hạ tầng có hiệu quả, mang lại sự thịnh vượng cho tỉnh.

Một số lưu ý

Qua tổng hợp các ý kiến, Thường trực của Hội đồng thẩm định chỉ ra một số nội dung cần tiếp tục hoàn thiện, làm rõ thêm đối với quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh. Trong đó có việc đánh giá tác động, ảnh hưởng của thiên tai, tác động của biến đổi khí hậu.

“Báo cáo quy hoạch lựa chọn phương án phát triển ở mức cao, 9% trong giai đoạn 2021-2030, nhưng cần bổ sung thêm luận cứ và cơ sở khoa học của việc đề xuất các mục tiêu quy hoạch bảo đảm khả thi và là cơ sở chuẩn xác cho các tính toán về cân đối nguồn lực liên quan”, ông Đinh Trọng Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch và đầu tư) nói.

Đi vào cụ thể, báo cáo thẩm định đề nghị tỉnh Hà Tĩnh làm rõ nhiều nội dung khác như tính khả thi của phương án tăng công suất sản lượng thép của dự án Formosa lên 15 triệu tấn/năm; xác định rõ nhu cầu và khả năng cân đối phụ tải điện trên địa bàn khi nhu cầu điện rất lớn… Báo cáo cũng chưa làm rõ được sự cần thiết và luận cứ của việc đề xuất xây dựng sân bay và tuyến đường bộ cao tốc Vũng Áng – Cha Lo.

Số lượng dự án ưu tiên trong quy hoạch cũng rất lớn, đề nghị bổ sung làm rõ hơn cơ sở đề xuất tiêu chí xác định dự án ưu tiên đầu tư. Ngoài ra, Hội đồng thẩm định và các ý kiến chuyên gia phản biện cũng đề nghị tỉnh cần quan tâm hơn các giải pháp cụ thể phát triển kinh tế số, đổi mới sáng tạo, quản lý số và khả năng thu hút, nuôi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với công nghệ.

Với tỉnh Bắc Giang, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị tỉnh trong phát triển nông nghiệp cần chú trọng nông nghiệp hiệu quả cao, không cần quá chú trọng vào sản lượng mà là giá trị trên diện tích đất canh tác. Trong quy hoạch của tỉnh, việc chủ trương giảm diện tích lúa không hiệu quả để chuyển sang phục vụ phát triển những loại hình khác là phù hợp nhưng tỉnh phải thường xuyên chú trọng sử dụng đất tiết kiệm.

Bộ Kế hoạch và đầu tư, Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh sẽ cân nhắc việc công tác thẩm định với các quy trình, thủ tục và nội dung của hai bản quy hoạch này sẽ trở thành hình mẫu để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương tiếp theo trong cả nước xây dựng quy hoạch tỉnh một cách chất lượng nhất, đảm bảo tiến độ nhanh nhất để đáp ứng yêu cầu triển khai Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và kế hoạch 5 năm 2021-2025 hiệu quả.