Thật đáng sợ nếu thành phố cực kỳ hiện đại mà con người lãnh đạm như băng giá

TS. Nguyễn Minh Hòa - 06:55, 03/02/2019

TheLEADERVẫn phải đô thị hoá, vẫn phải hiện đại, nhưng đừng quá nóng vội, quá hấp tấp, cần cẩn trọng cho mỗi bước đi, nếu không đến khi cả dải đất hình chữ S này chỉ còn thế giới nhân tạo.

Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Cách nay 60 năm, tôi đã nghe câu nói này từ cha tôi, và cha tôi cũng nhập tâm nó từ ông nội tôi. Vậy là cái quan niệm này có từ ngày xửa, ngày xưa. Cách nay vài trăm năm, cha ông mình đã hiểu con người sống trong môi trường thế nào thì sẽ tạo ra vóc dáng hình hài nhân cách như thế ấy, mà khi đó thì làm gì có thành có phố mà chỉ là làng mạc đơn sơ và thiên nhiên nguyên thuỷ. Tài thật.

Từ nửa sau thế kỷ 18, cuộc cách mạng công nghiệp đã tạo ra những trung tâm công nghiệp khổng lồ, và đó cũng chính là các đô thị rộng lớn. Bắt đầu từ thời điểm đó, con người đã tạo ra một môi trường sống mới, trước đó hàng triệu năm không hề có là môi trường nhân tạo. Nhìn trên bản đồ thế giới, các thành phố lớn nhỏ đã phủ kín gần hết bề mặt của trái đất, đến cuối thế kỷ 21 này dự báo có cơ sở rằng 82% dân toàn thế giới sẽ sống ở đô thị. Môi trường đô thị đó đã làm thay đổi gần như toàn bộ đời sống con người.

Le Corbusier, nhà quy hoạch và kiến trúc sư người Thụy Sĩ danh tiếng nhất thế giới, người tạo ra diện mạo kiến trúc của thế kỷ 20 từng nói “kiến trúc tạo nên con người” và “kiến trúc tạo nên trật tự thế giới”. Trong tác phẩm “Trò chuyện cùng sinh viên, ông nói thêm rằng: “Con người đô thị là sản phẩm của các thành phố”. Cho dù không tuyệt đối hóa nhân tố cấu thành vật chất để coi nó như là “quyết định luận”, nhưng phải thừa nhận điều đó là sự thật hiển nhiên.

Trong một ý nghĩa tương tự, nhưng mang hàm ý rộng hơn và thâm thúy hơn theo kiểu phương Đông, người Việt Nam có câu “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, câu này được hiểu là khi mà chúng ta tạo ra một môi trường sống như thế nào thì con người được nhào nặn ra hình hài và diện mạo với văn hóa và lối sống như thế. Hiển nhiên là con người thể hiện ra các hành vi, hành động, cách ứng xử và cả quan niệm sống khác nhau trong các môi trường sống có cấu trúc vật chất và tổ chức không gian sống khác nhau như đô thị và nông thôn chẳng hạn.

'Thật đáng sợ nếu thành phố cực kỳ hiện đại mà con người lãnh đạm như băng giá'
Con người gần gũi thiên nhiên càng nhiều thì sống càng giản dị

Không gian sống nông thôn là sự hoà quyện giữa con người và tự nhiên, những mái nhà nho nhỏ ẩn khuất sau luỹ tre làng, dưới những hàng dừa xanh, chỗ nào cũng màu xanh của cây cỏ và sống nước. Tất cả là một môi trường mở theo cả nghĩa không gian sống vật lý lẫn tâm thế con người. Các cổng làng, cổng nhà, hàng rào mồng tơi chỉ mang nghĩa ước lệ, do vậy người nông dân sống với nhau thật thà, thân thiện, cởi mở. Chỉ có ở nông thôn giá trị của tình làng nghĩa xóm, của “bán anh xa mua láng giềng gần”, của “quê ta bánh đa bánh đúc”.

Còn ở thành phố, nhất là thành phố lớn thì con người phải sống và hành động trong một không gian khác. Đó là một không gian bị chia cắt ra hàng triệu mảnh bởi đường xá, dãy phố, vách tường, nhôm kính. Cả thành phố là một tập hợp của hàng triệu những cái hộp đóng kín. Cuộc sống của con người đô thị hiện nay thực chất là quá trình mà toàn bộ hành động của họ từ cư trú, làm việc, đến di chuyển là diễn ra trong những cái hộp lớn nhỏ khác nhau. 

Bạn qua đêm trong một cái hộp ngủ, sáng ra chui vào những cái hộp di động như ô tô, xe bus, tầu điện ngầm, rồi làm việc trong những cái hộp ở cơ quan, nhà xưởng, sau khi làm việc xong lại đến những cái hộp mua sắm,…cuối cùng vội vã trở về nhà, tự nhốt mình trong những căn phòng bé như hộp diêm. Những vách ngăn, những cái hộp ấy làm cho con người trở nên cô đơn, lạnh lùng và khép kín. Chưa kể con người hiện đại có xu hướng giam toàn bộ cuộc sống tinh thần của mình trong cái hộp bé xíu nhưng được gọi là thông minh (Smart phone).

Dù muốn hay không con người đô thị cũng phải “lướt qua nhau” bởi tất cả đang sống trong một xã hội “tốc độ”. Đi nhanh, ăn nhanh, nói nhanh, suy nghĩ nhanh, quyết định nhanh. Làm sao bạn có thể chậm được khi mà công việc thì nhiều mà quĩ thời gian thì ngắn, chậm một chút là lỡ chuyến bay, chậm một chút là mất một hợp đồng, chậm một chút là bị trừ lương, lỡ một cuộc hẹn. Do vậy mà con người thị thành dường như “gặp nhau lần nào cũng vội”.

Cấu trúc không gian sống của đô thị hiện đại buộc con người phải thay đổi và từ bỏ quá nhiều thứ truyền thống để tiếp nhận những cái mới. Chả ai nghĩ được rằng một ngày nào đó chúng ta di chuyển từ phương ngang sang di chuyển theo phương thẳng đứng trong một cái hộp được gọi là thang máy với một tốc độ chóng mặt. 

Con người vốn là động vật sống bầy đàn, mọi chuyện trong cuộc sống luôn phải “ba mặt, một nhời” thế mà nay tất tần tật mọi chuyện từ mua bán, thủ tục hành chính, đến tâm sự riêng tư, tỏ tình, ly hôn, thậm chí khủng bố cũng gián tiếp qua mạng. Ai cũng có thể biết được chuyện xảy ra tức thì ở một nơi nào đó rất xa, nhưng không hề biết chuyện gì xảy ra bên nhà hàng xóm. Cuộc sống nơi đô thị làm cho chúng ta giao tiếp gián tiếp nhiều hơn và gặp gỡ ít hơn, các trạng thái biểu cảm của việc mặt đối mặt giảm hẳn đi khiến cho người ta sống trong một xã hội ngày một ít cảm xúc.

Cuộc sống nơi đô thị làm cho chúng ta giao tiếp gián tiếp nhiều hơn và gặp gỡ ít hơn, các trạng thái biểu cảm của việc mặt đối mặt giảm hẳn đi khiến cho người ta sống trong một xã hội ngày một ít cảm xúc.

Hiểu được câu chuyện này, chúng ta mới không ngạc nhiên khi thấy trong bối cảnh “tấc đất tấc vàng” ở các thành phố, mà chính quyền vẫn phải dành rất nhiều đất để làm công viên, vườn dạo, vườn hoa. Một vườn dạo cho người già gặp nhau lúc xế chiều, một công viên nhỏ với vài đu quay, cầu trượt, bập bênh giữa hai khối nhà chung cư là nơi cho con trẻ chơi và chính chúng là cầu nối giữa những người lớn, những ghế đá dọc đại lộ là nơi trò chuyện của những người khách bộ hành mỏi hành khi mỏi chân. Các tường cao, rào ngăn cách nơi công sở, viện bảo tàng, nhà ở dân dụng với không gian công cộng phải được phá bỏ tạo ra một không gian chan hoà tính cộng đồng. 

Phá bỏ rào cản vật lý và rào cản tâm lý có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, con người trở nên thân thiện hơn khi các bức tường dày, cao cắm đầy mảnh chai, chằng chịt dây thép gai ngang dọc được gỡ bỏ và thay vào đó là những hàng rào thưa bằng cây xanh thông thoáng mang tính thẩm mỹ và nhân văn cao. Tất cả thành phố từ con người đến cảnh quan phải tan vào bầu không khí thân thiện. Không khí trong lành, vẻ đẹp cảnh quan, niềm vui hay nỗi buồn cần phải được chia sẻ. Thật đáng sợ nếu thành phố cực kỳ hiện đại, con người sống trong kỷ nguyên kỹ thuật cao mà lại lãnh đạm và thờ ơ như băng giá.

Ở các nước châu Âu đang có một trào lưu phát triển cực kỳ mạnh mẽ và họ đang hiện thức hoá thành công. Trào lưu đó được gọi là “trở về cội nguồn”. Họ xây dựng các thành phố nhỏ, thậm chí rất nhỏ chỉ vài ngàn dân, nhà thấp tầng đa phần làm bằng gỗ, tràn ngập mầu xanh. Chúng được gọi với một loạt những tên mới như “đô thị làng”, “thành phố vườn”, “thành phố sinh thái” “thị trấn nông thôn”. Người ta không biết nên gọi chúng là “thành phố trong rừng” hay “rừng trong thành phố” cho đúng nữa. 

Những thành phố nhỏ này không chỉ là nơi có môi trường tự nhiên lý tưởng mà còn được coi là nơi ấm áp quan hệ con người với nhau bởi không gian sống tràn ngập văn hóa cộng đồng theo kiểu thôn làng xưa được phục hồi sau hàng trăm năm tưởng đã vĩnh viễn chia tay. Ở những thành phố làng như thế kiểu quản lý đô thị bằng luật được thay thế dần bằng hình thức tự quản cộng đồng, uy tín của người lớn tuổi được đề cao, các qui tắc cộng đồng được tôn trọng, các giá trị xã hội được đồng thuận, việc trừng phạt trở nên hiếm hoi, mọi người ý thức về sự tự quản chính mình. 

Họ cùng nhau chia sẻ mọi nỗi buồn vui trong cuộc sống cộng đồng. Các loại hình văn hóa dân gian, lễ hội truyền thống, lễ hội tôn giáo, lễ hội nghề nghiệp được phục hồi và phát triển mạnh mẽ theo đúng tính thần khởi nguyên của nó. Mọi người thích đi bộ, đi xe đạp, thích tự trồng rau, không sử dụng loại thức ăn, nước uống có hoá chất, thích mặc quần áo được làm từ sợi bông. Vậy là sự phát triển đô thị một khi đạt đến đỉnh cao nhất của nó thì lại quay trở về với kiểu đô thị giản dị của xã hội nông nghiệp truyền thống. Một kiểu đô thị “chân quê” đang được phục hồi trong xã hội hiện đại. Để đi đến giai đoạn này châu Âu phải mất hơn 300 năm.

Sự mô tả này khiến cho chúng ta suy nghĩ rằng trong khi châu Âu đang giảm bớt những những áp lực của một thế giới nhân tạo “đông đặc” để quay trở về với thế giới tràn ngập tự nhiên thì dường như các nước đang phát triển châu Á lại hứng khởi với những gì mà các đô thị phát triển cao đã đi qua cách này vài chục năm, đến vài trăm năm. Vậy câu hỏi đặt ra là chúng ta có nên cất công để đi lại những chặng đường mà họ đã đi qua hay không? 

Chẳng hạn như hình thành các đô thị cực lớn, xây nhiều nhà cao tầng, cố gắng chạy theo những tiện nghi vật chất, tạo ra thật nhiều các loại hàng hóa để thỏa mãn thú tiêu dùng để rồi đến một lúc nào đó thì lại quay trở về điểm xuất phát ban đầu như châu Âu phát triển ngày nay?. Vậy thì nên chăng các nước đang phát triển hôm nay nên mở ra con đường khác đi tới giàu mạnh, hạnh phúc mà không nhất thiết cứ phải công nghiệp hóa, đô thị hóa theo kiểu như châu Âu đã trải qua.

'Thật đáng sợ nếu thành phố cực kỳ hiện đại mà con người lãnh đạm như băng giá' 1
Đà Lạt được thiết kế theo mô hình đô thị sinh thái-nghỉ dưỡng

Tháng 12/2018 này, thành phố Đà Lạt tổ chức một cuộc hội thảo có chủ đề “Giữ gìn và phát huy phong cách người Đà Lạt hiền hòa, thanh lịch, mến khách”. Một cuộc hội thảo thật đúng lúc và ý nghĩa khi mà cả nước đang đua nhau đẩy nhanh qui mô và tốc độ của đô thị hoá. Khi người Pháp thiết kế Đà Lạt trở thành một “Paris nhỏ”, chắc chắn họ đã tính đến việc hình thành nên văn hoá, lối sống cho những người sống ở thành phố này. Mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất cực thấp, nhà nhỏ thấp tầng, cư trú phân tán, khoảng cách nhà ở giãn cách, mật độ cây xanh chiếm trên 50%, các công trình đều nằm trong và dưới cây xanh. 

Điều đặc biệt là thành phố này không có các trục đường xuyên tâm, không có các trục đường thẳng tắp, không có giao thông nhanh, tất cả các con đường đều ngắn, nhỏ, uốn lượn ngoằn nghèo tuân theo thế núi, lượn thế đồi, lượn theo hồ, thác để tạo một loại hình thái học đô thị rất riêng biệt. Đó là hình thái đô thị sinh thái - nghỉ dưỡng. Trong một thành phố như thế, bạn không cần, không nên và cũng chẳng có lý do gì để đi nhanh, nói to, để bon chen, để giành giật. Có một bài hát, tôi tin chắc ai cũng biết, cũng thuộc là “Đà Lạt Hoàng Hôn”. Ca từ của bài hát nói lên sự hoà quyện giữ con người với thiên nhiên để tạo ra sự êm đềm, thơ mộng, quyến rũ và lãng mạn.

Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ.

Màu lam tím Đà Lạt sương phủ mờ.

Từng đôi đi trên phố vắng,bước chân êm giữa không gian, hoàng hôn thua màn đêm.

Tazan, một đứa trẻ sống hoang dã trong rừng châu Phi, làm bạn với cây cỏ, muông thú, sau đó anh ta được trở về sống với xã hội loài người, nhưng nhanh chóng anh ta từ chối thế giới văn minh để trở về với thiên nhiên hoang dã. Câu chuyện có vẻ hư cấu, nhưng từ đây người ta rút ra một kết luận cực quan trọng, con người gần gũi thiên nhiên càng nhiều thì sống càng giản dị, “mộc”, thật thà, ít màu mè phù phiếm.

Nói thì nói vậy thôi, vẫn phải đô thị hoá, vẫn phải hiện đại, nhưng đừng quá nóng vội, quá hấp tấp, cần cẩn trọng cho mỗi bước đi, nếu không đến khi cả dải đất hình chữ S này chỉ còn thế giới nhân tạo, rừng sạch cây, sông hết cua, biển hết cá, đồng hết lúa thì khi đó con người sống với nhau chỉ còn là “giả tạo”. Thật đấy, không dọa đâu.

Click vào đây để xem toàn bộ Đặc San Dấu ấn & Khát vọng