Thêm một tập đoàn Nhật thừa nhận làm giả dữ liệu

Linh Lan - 12:49, 24/11/2017

TheLEADERVụ việc của Mitsubishi đã kéo dài danh sách các vụ bê bối của các doanh nghiệp Nhật Bản, vốn đang làm tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng của ngành sản xuất nước này.

Thêm một tập đoàn Nhật thừa nhận làm giả dữ liệu
Mitsubishi Materials là cái tên mới nhất vướng scandal. Ảnh: Nikkei Asia

Tập đoàn Mitsubishi Materials thừa nhận vào hôm thứ Năm (23/11) rằng họ đã giả mạo dữ liệu của nhiều sản phẩm - bao gồm các linh kiện được sử dụng trong ô tô và máy bay của nhiều hãng trong hơn một năm qua.

Ít nhất hai trong số các công ty con của Mitsubishi đã giả mạo dữ liệu để đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật do khách hàng đặt ra.

Mitsubishi Cable Industries đã trình bày sai dữ liệu về chất trám kín cao su dùng trong ô tô và máy bay. Dữ liệu đã bị làm giả cho khoảng 270 triệu đơn vị được bán từ tháng 4/2015 đến tháng 9/2017 cho tổng cộng 229 khách hàng.

Một công ty con khác, Mitsubishi Shindoh, đã làm giả dữ liệu về một số sản phẩm kim loại trong ít nhất một năm qua, bao gồm cả các sản phẩm đồng và mạ đồng được sử dụng trong ngành công nghiệp ô tô và điện tử. Ít nhất 29 công ty được cho là đã mua các sản phẩm đang được điều tra.

"Hiện tại chúng tôi chưa xác định được bất kỳ trường hợp nào có hành vi trái pháp luật hoặc những quan ngại về an toàn tại công ty con", Mitsubishi Materials cho biết. Công ty này là một bộ phận của tập đoàn Mitsubishi (MSBHY).

Công ty cho biết không thể ước tính mức thiệt hại tài chính vào lúc này. Các thị trường Nhật Bản đã đóng cửa vào thứ Năm để nghỉ lễ.

Các doanh nghiệp của Nhật Bản, vốn nổi danh thế giới về chất lượng sản phẩm của mình, đã phải vật lộn với một loạt những vụ bê bối giả dữ liệu trong thời gian vừa qua.

Một tháng trước, tập đoàn sản xuất thép Kobe Steel thừa nhận đã giả mạo dữ liệu về các sản phẩm bán cho các khách hàng lớn như Boeing (BA) và Toyota (TM), khiến cổ phiếu của hãng sụt giảm hơn 40%.

Mitsubishi là một trong số nhiều công ty bị ảnh hưởng bởi vụ bê bối thép Kobe, do sử dụng các bộ phận kim loại được sản xuất sai dữ liệu trong máy bay của mình. Hai công ty cũng có một liên doanh sản xuất trục đồng.

Ngay sau khi vụ bê bối Kobe Steel vỡ lở, các nhà sản xuất ô tô hàng đầu như Nissan và Subaru cũng đã thừa nhận họ đã cho phép các công nhân không được chứng nhận kiểm tra xe. Theo đó, họ đã phải thu hồi hàng ngàn chiếc xe hơi.

Sự việc chấn động khác là của Takata. Vào hồi tháng 6, Tập đoàn sản xuất túi khí dùng trong xe ô tô này đã đệ đơn phá sản sau khi phải triệu hồi hàng triệu chiếc xe có dùng túi khí của Takata. Các sản phẩm bị thu hồi để sửa gồm Honda, BMW, Toyota Motor và nhiều hãng khác.

Trong khi đó, Toshiba (TOSBF) lại phải vật lộn với một vụ bê bối về làm giả kế toán và những vấn đề xoay quanh kinh doanh điện hạt nhân.

Đây không phải là vụ bê bối đầu tiên mà công ty Mitsubishi phải đối mặt. Mitsubishi Motors, công ty con của tập đoàn Mitsubishi, vào năm ngoái đã thừa nhận gian lận trong các đợt kiểm tra hiệu quả nhiên liệu.