Thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc

Trần Anh - 13:31, 03/02/2020

TheLEADERNhững lo ngại về sự lây lan của dịch viêm phổi do virus corona gây ra đã phủ bóng đen lên các thị trường chứng khoán Châu Á, trong đó có Việt Nam.

Thị trường Chứng khoán Việt Nam mở đầu tuần đầy tiêu cực khi áp lực bán tăng mạnh ngay từ những phút đầu mở cửa. Chỉ sau 30 phút, chỉ số VNIndex đã giảm xuống dưới mức 900 điểm, ngưỡng thấp nhất kể từ đầu năm 2019. Tại mức điểm này, vốn hóa HOSE "bay hơi" khoảng 5,4 tỷ USD. Trên sàn Hà Nội, cả chỉ số HNXIndex và UpCOM Index đều giảm sâu.

Hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn trong nhóm VN30 như BVH, FPT, GAS, MSN, VIC, VNM, VCB, SAB, MWG….đều chìm trong sắc đỏ, khiến thị trường thiếu đi lực đỡ và giảm sâu.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, nhóm dược phẩm DVN, PME, TRA, IMP, DHC, DMC,…tiếp tục thu hút dòng tiền và tăng mạnh. Đây là các cổ phiếu được cho là sẽ hưởng lợi từ dịch viêm phổi do virus corona đang gây ra.

Thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc giữa dịch corona
Hàng loạt cổ phiếu trong VN30 giảm điểm trong phiên giao dịch sáng nay

Tới thời điểm cuối phiên giao dịch sáng 3/2, VNIndex đã có sự hồi phục nhẹ và trở lại ngưỡng trên 900 điểm. Mặc dù vậy, thị trường vẫn đã mất tới 30 điểm, tương đương hơn 3%.

Kể từ thứ 5 tuần trước, khi thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ Tết, tình trạng bán tháo đã diễn ra. Những lo ngại sự lây lan của dịch cúm xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc tiếp tục phủ bóng đen lên chứng khoán Châu Á và thị trường Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Tính tổng cộng, chỉ sau chưa đầy 3 phiên giao dịch năm mới, thị trường chứng khoán Việt Nam đã mất gần 10% giá trị, tương đương vốn hóa thị trường đã giảm hơn 13 tỷ USD.

Trước tình hình dịch bệnh khó dự báo, các công ty chứng khoán trong báo cáo cuối tuần đều khuyến nghị nhà đầu tư nên thận trọng, giảm bớt tỷ trọng cổ phiếu và có thể "đừng ngoài" chờ thị trường xác nhận xu hướng.

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), VNIndex đang có chuyển biến xấu về mặt xu hướng trung hạn sau khi chỉ số xuyên thủng vùng hỗ trợ quan trọng 945-946 điểm.

BVSC dự báo áp lực điều chỉnh của thị trường có thể còn tiếp diễn trong tuần này và nếu không thể giữ được ngưỡng 936 điểm trong phiên giao dịch kế tiếp, nhiều khả năng chỉ số sẽ tiếp tục lùi về kiểm định vùng hỗ trợ 910-920 điểm.

Theo đó, BVSC khuyến nghị nhà đầu tư giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục về mức thấp 10-20%. Đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu với tỷ trọng lớn có thể tận dụng các nhịp hồi phục của thị trường để bán giảm tỷ trọng.

Còn theo Công ty chứng khoán BIDV (BSC), dựa vào dữ liệu quá khứ, các đợt dịch bệnh gần nhất, ảnh hưởng trong thời gian cao điểm trước khi khống chế được dịch bệnh là khá lớn với thị trường chứng khoán các nước tâm dịch, và phục hồi sau khi dịch bệnh tạo đỉnh, và được kiểm soát. Trung bình trong khoảng thời gian dịch bắt đầu bị kiềm chế, thị trường chứng khoán thế giới thường tăng lại mạnh.

Theo đánh giá của BSC, ngoài tác động tiêu cực rõ rệt trong ngắn hạn đến các ngành như hàng không, cảng biển, vận tải biển, bán lẻ, BSC cũng lưu ý thêm về ngành thủy sản và bất động sản có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực trong trung hạn. Đồng thời, cổ phiếu thuộc ngành dược phẩm có thể hưởng lợi trong ngắn hạn.

Không riêng Việt Nam, các thị trường chứng khoán châu Á đều trong tình trạng tương tự. Shanghai SE Composite Index giảm hơn 8% so với phiên giao dịch trước khi nghỉ Tết. Nikkei 225 Index (Nhật Bản) giảm hơn 1%, tương tự, chỉ số Kospi Index (Hàn Quốc) giảm 1,7% và HangSeng Index (Hồng Kông) giảm 2,6% trước khi phục hồi trở lại.

Với diễn biến này, thị trường chứng khoán châu Á đã đón nhận tuần giảm điểm mạnh nhất kể từ tháng 5/2019, thời điểm chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khuấy động thị trường cho tới nay.

Nhà đầu tư lo lắng về tác động lâu dài tới hoạt động sản xuất của các hệ thống cung ứng tại châu Á, cũng như ảnh hưởng dài hạn tới nền kinh tế xuất phát từ đợt dịch Vũ Hán. Hiện tại, Trung Quốc đã kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tới ngày 10/2/2020, kéo theo lo ngại đình trệ của hệ thống sản xuất toàn cầu.