Thống đốc Lê Minh Hưng: Không yêu cầu tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá

Minh An - 15:12, 16/11/2017

TheLEADERThống đốc Ngân hành Nhà nước Lê Minh Hưng trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc Hội.

Báo cáo nhanh tại Quốc hội trước khi bước vào phần chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, từ đầu năm đến nay, ngân hàng đã mua vào hơn 7 tỷ USD, góp phần làm tăng dự trữ ngoại hối lên 46 tỷ USD.

Theo Ngân hàng Nhà nước, trong hơn 10 tháng đã qua, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, cùng sự quyết liệt của NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ và sự nỗ lực của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong vấn đề giảm lãi suất, hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh và triển khai tích cực công tác tái cơ cấu hệ thống ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu... đã góp phần vào tăng trưởng GDP quý III, cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam, đồng thời nâng triển vọng, uy tín hệ thống ngân hàng Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 13, hôm nay đại biểu Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Sau Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng nhà nước dự kiến sẽ trả lời chất vấn về việc điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo hỗ trợ sản xuất kinh doanh và tăng trưởng tín dụng hợp lý.

Đặc biệt là các vấn đề về hoạt động của các ngân hàng yếu kém đã được xử lý và giải pháp đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng. 

Có 48 đại biểu Quốc hội đã đăng ký chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng.

Các đại biểu Hà Thị Minh Tâm (Hà Nam); Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang); Trần Công Thuật (Quảng Bình); Đinh Duy Vượt (Gia Lai); Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn); Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh); Lê Công Nhường (Bình Định); Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa);... đặt câu hỏi chất vấn về các nội dung: Giải pháp mới trong xử lý nợ xấu; giải pháp đảm bảo tốc độ tăng trưởng tín dụng phục vụ tăng trưởng GDP; đầu tư vốn cho lĩnh vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch; giải pháp đột phá, tiến độ cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý ngân hàng yếu kém; việc hợp nhất, sáp nhập một số tổ chức tín dụng, mua ngân hàng với giá 0 đồng; giải pháp giảm lãi suất cho vay thương mại; giải pháp huy động vàng, ngoại tệ trong dân; mua bán nợ theo giá thị trường;...

 Tăng trưởng tín dụng không gây áp lực lên kinh tế vĩ mô

Trả lời câu hỏi của đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) về mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18% trong năm nay, Thống đốc cho biết, căn cứ vào kịch bản tăng trưởng kinh tế, mục tiêu là 18% có điều chỉnh tùy theo tình hình. Đến tháng 10, tín dụng đã đạt khoảng 13%, tăng nhẹ so với năm ngoái.

“Quan điểm của NHNN là tăng trưởng tín dụng đi kèm với chất lượng và hiệu quả, hướng vào sản xuất kinh doanh”, Thống đốc nói.

Theo báo cáo của NHNN, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đến cuối tháng 10/2017 tăng 19,0%, chiếm tỷ trọng 21% tổng dư nợ cho vay nền đối với kinh tế; tín dụng cho lĩnh vực xuất khẩu đến cuối tháng 8/2017 tăng 8,14%; cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 25,12% so với năm 2016; với lĩnh vực công nghiệp ưu tiên phát triển tăng 18,90%; với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 7,49% và chiếm tỷ trọng 20,89% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Theo Thống đốc, điều hành của Chính phủ và NHNN đảm bảo mục tiêu tín dụng tăng trưởng không gây áp lực lên kinh tế vĩ mô, đặc biệt là lạm phát.

Từ nay đến cuối năm tín dụng sẽ đạt được mức tăng trưởng tín dụng như định hướng với mục tiêu kiểm soát chất lượng và hiệu quả, đưa vào đúng lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế.

Cho vay nông nghiệp công nghệ cao đã đạt 36 ngàn tỷ

Theo thống đốc, sau 6 tháng triển khai, tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch đạt 36 ngàn tỷ (trong gói 100 ngàn tỷ) với kỳ hạn dài chiếm khoảng 60%. Số lượng đạt hơn 6.400 khách hàng với doanh nghiệp hơn 6.000 cá nhân.

Trong thời gian ngắn, gói tín dụng đạt quy mô như vậy là khá cao”, Thống đốc cho biết.

Một số lý do khách hàng khó tiếp cận được vốn do số lượng doanh nghiệp được chứng nhận công nghệ cao còn hạn chế dẫn đến ngân hàng thận trọng cho vay.

Đặc biệt thị trường tiêu thụ sản phẩm, vấn đề quyết định khi ngân hàng xem xét cho vay đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.

Người dân, doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư công nghệ cao nhưng chứng nhận tài sản trên đất để vay vốn ngân hàng còn những vướng mắc nhất định.

Nhiều giải pháp góp phần giảm lãi suất cho vay

Theo Thống đốc, giảm chi phí cho doanh nghiệp và cho nền kinh tế là nhiệm vụ hàng đầu trong điều hành của NHNN.

Tuy nhiên lãi suất tùy thuộc vào cung cầu vốn trên thị trường, tình hình kinh tế vĩ mô; chính sách tỷ giá và điều hành chính sách tiền tệ của NHNN.

Quan điểm xuyên suốt trong điều hành hiện nay là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giữ lạm phát ở mức thấp. “ Đây cơ sở quan trọng nhất để giảm lãi suất”, Thống đốc nói.

NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng giảm chi phí để làm cơ sở giảm lãi suất. Đồng thời đẩy nhanh xử lý nợ xấu, giảm tài sản không sinh lời, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay.

Lãi suất đã giảm rất mạnh từ năm 2011 đến 2016

Thống đốc cho biết, mặt bằng lãi suất đã giảm rất mạnh từ năm 2011 đến 2016, lãi suất huy động giảm 7% - 10%, lãi suất cho vay giảm 10% - 11%.

Hiện nay cho vay các lĩnh vực ưu tiên là 8%, bình thường là 9% - 10% cho vay trung dài hạn. Cá biệt các lĩnh vực rủi ro cao và kỳ hạn dài lãi suất cao hơn.

Bitcoin không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp

Liên quan đến tiền điện tử (bitcoin), Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định, “đây không phải vấn đề của Việt Nam, mà còn của nhiều quốc gia khác trên thế giới và nhiều quốc gia đang nghiên cứu về điều chỉnh, quản lý đồng tiền này như thế nào”.

Trên thế giới có nhiều kinh nghiệm, có nước cấm không sử dụng, nhưng có nước khuyến cáo rủi ro liên quan đến giao dịch bitcoin, có nước cho phép sử dụng, song số liệu này không nhiều.

Ở Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã có ý kiến nhiều lần, theo quy định pháp luật hiện hành, bitcoin không phải đồng tiền mặt, không phải phương tiện thanh toán hợp pháp, nên các giao dịch sử dụng đồng tiền này là giao dịch không hợp pháp.

Hiện nay, nếu nhìn nhận bitcoin là tài sản, là hàng hóa, thì vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết thêm.

Chính phủ giao các bộ, ngành, trong đó Bộ Tư pháp chủ trì, nghiên cứu Đề án khuôn khổ pháp lý quản lý hàng hóa ảo, trong đó có bitcoin. Ngân hàng Nhà nước với giác độ quản lý tiền tệ sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng cơ sở pháp lý. “Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là trong xu thế phát triển hiện nay của thế giới cần có cơ sở để quản lý đồng tiền ảo, trong đó có bitcoin".

NHNN không yêu cầu tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá

“Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21% không phải là chỉ đạo của Chính phủ” Thống đốc khẳng định trước Quốc hội

Đến tháng 6 do tăng trưởng GDP thấp, các nguồn vốn đầu tư cho nền kinh tế còn thấp. Vì vậy Chính phủ đề nghị hệ thống ngân hàng tăng trưởng tín dụng cao hơn so với mục tiêu đầu năm. Đây không phải là mục tiêu bắt buộc hệ thống ngân hàng phải thực hiện.

Quan điểm của Chính phủ là tăng trưởng tín dụng đi kèm với chất lượng và hiệu quả.

Sau khi xem xét ngân hàng nào có thể tăng trưởng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh phục vụ tăng trưởng thì NHNN có thể cho phép tăng thêm. Theo Thống đốc, NHNN không yêu cầu ngân hàng tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng năm nay có thể xung quanh mức 18% và có thể cao hơn nhưng sẽ không gây bất ổn. “Chúng tôi ý thức sâu sắc việc tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro sẽ tiềm ẩn nguy cơ bất ổn cho nền kinh tế trong trung và dài hạn”, Thống đốc nói thêm.

Thực trạng ngân hàng 0 đồng

Kết quả tài chính của các ngân hành 0 đồng đúng như báo cáo của Kiểm toán Nhà nước. Việc quan trọng là ổn định tâm lý người gửi tiền, tránh nguy cơ mất an toàn hệ thống.

Sau khi mua lại, NHNN đã đưa nhân sự từ Vietcombank, Vietinbank sang để điều hành, bên cạnh tăng cường đảm bảo an toàn, đẩy mạnh giảm chi phí, nhờ đó giảm lỗ lũy kế. Nhưng do các tài sản không sinh lời chiếm tỷ trọng lớn nên các ngân hàng này gặp nhiều khó khăn, chi phí lớn. Mới đây Chính phủ đã có Nghị quyết để có các giải pháp cụ thể đối với các ngân hàng này.

“Thực tế khó khăn là chưa có khuôn khổ pháp lý đầy đủ để xử lý các ngân hàng này”, Thống đốc nói. Vì vậy, trong Luật Tổ chức tín dụng được sửa đổi lần này, có nội dung quan trọng là công cụng xử lý và hỗ trợ quá trình tài cơ cấu các ngân hàng.

Mục tiêu ưu tiên của Chính phủ là để tìm kiếm các nhà đầu tư mới, có năng lực tài chính và quản trị, đặc biệt nước ngoài. Có ngân hàng đã có nhà đầu tư vào để thống nhất phương án, có ngân hàng đang đàm phán.

Đang cập nhật...