Thu phí bảo hiểm tiền gửi đạt 5.866 tỷ

Minh An - 10:16, 17/01/2018

TheLEADERTheo Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam năm 2017 nguồn thu phí bảo hiểm tiền gửi tăng thêm 970 tỷ đồng so với năm 2016.

Nguồn thu này góp phần phát triển nguồn vốn và nâng cao năng lực tài chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Đến cuối năm 2017, tổng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi đã đầu tư đạt 38.372 tỷ đồng (tăng 22,4% so với năm 2016). Số tiền được đầu tư chủ yếu vào trái phiếu Chính phủ.

Hiện nay có có 1.275 tổ chức tín dụng được cấp Chứng nhận tham gia Bảo hiểm tiền gửi, bao gồm 93 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1 ngân hàng hợp tác xã và 1.177 quỹ tín dụng nhân dân và 4 tổ chức tài chính vi mô.

Năm 2017, hạn mức trả tiền bảo hiểm được nâng lên tối đa 75 triệu đồng kể từ ngày 05/8/2017. Số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi). Trước đó, mức bảo hiểm tiền gửi tối đa là 50 triệu đồng.

Theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng vừa được Quốc hội thông qua, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được giao thêm các chức năng, nhiệm vụ: cho vay đặc biệt, mua trái phiếu dài hạn của tổ chức tín dụng hỗ trợ, tham gia kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng.

Cơ quan này cho biết đang nghiên cứu phương án mua trái phiếu dài hạn của các tổ chức tín dụng, bao gồm các quy trình, thủ tục, điều kiện tham gia mua trái phiếu, tham gia giám sát các tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt theo quy định của Luật. Đây là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của Bảo hiểm tiền gửi trong năm 2018.

Ngoài ra, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ triển khai thực hiện kế hoạch giám sát tài chính năm 2018 trong đó, tập trung vào những vấn đề, nguy cơ tác động tới tài chính, hiệu quả sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn, tài sản Nhà nước.