Thủ tướng khẳng định với APEC: Việt Nam sẽ có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020

09:03, 08/11/2017

TheLEADERThủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trong bài viết có nhan đề "Việt Nam năng động, hội nhập và phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương" nhân dịp Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.

Thủ tướng khẳng định với APEC: Việt Nam sẽ có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân phúc phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017

Chúng tôi tin tưởng sẽ hiện thực hóa mục tiêu 01 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 và đưa kinh tế tư nhân Việt Nam, cùng với các thành phần kinh tế khác phát triển lên một tầm cao mới, có sức cạnh tranh và khả năng hội nhập trên bình diện khu vực và thế giới”, Thủ tướng viết.

Nhấn mạnh về vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, Thủ tướng cho biết, trong mọi hoạch định chiến lược phát triển của đất nước, Việt Nam luôn khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế. Theo đó, Chính phủ kiến tạo các yếu tố tạo lợi thế cạnh tranh như thể chế - chính sách, cơ sở hạ tầng, phát triển lành mạnh hệ thống tài chính, cải cách giáo dục, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, đầu tư cho nghiên cứu cơ bản…

Bên cạnh việc khẳng định vị trí quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế, Thủ tướng cũng nêu rõ quan điểm, chiến lược phát triển bền vững gắn với đổi mới, sáng tạo, hội nhập và xu thế.

“Chúng tôi xác định những cải cách, đổi mới, phát huy nội lực trong nước là quan trọng nhất cho sự phát triển thịnh vượng của quốc gia. Trong bối cảnh của toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thức 4, Chính phủ kiến tạo phát triển của Việt Nam rất coi trọng việc xây dựng các cơ chế quản lý linh hoạt, hỗ trợ tiếp cận thị trường minh bạch, duy trì chuẩn mực lao động tiên tiến, bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo không ngừng”, Thủ tướng cho biết.

Thủ tướng nhấn mạnh, nguyên tắc xuyên suốt của Việt Nam là các chính sách phải bắt nhịp với yêu cầu của thực tiễn sinh động, xu thế của công nghệ và toàn cầu hóa, thích nghi tốt với những mô hình kinh doanh mới, giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, đạt được những lợi thế so sánh hiệu quả trên thị trường khu vực và thế giới.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chủ động tìm kiếm giải pháp của mình để ứng phó với những yếu tố gây cản trở quá trình hội nhập quốc tế như vấn nạn trốn thuế, chuyển giá, công nghệ lạc hậu, chủ nghĩa bảo hộ, khủng bố…; đồng thời tích cực triển khai các thỏa thuận toàn cầu về phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, đóng góp thiết thực vào việc xây dựng và định hình các thể chế đa phương, nhất là các cơ chế hợp tác khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Có một xu hướng sẽ được nhận thấy ở Việt Nam trong thập niên tới là sự dịch chuyển từ mô hình tăng trưởng đặt trọng tâm vào GDP sang tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, tăng trưởng bao trùm và bền vững. Đặc biệt, Việt Nam xem việc theo đuổi các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) và cam kết COP-21 Paris về hạn chế phát thải, bảo vệ môi trường vừa là thước đo, vừa là động lực phát triển trong những thập niên tới.

Đề cập đến về vai trò của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Thủ tướng cho rằng, trong không khí cải cách đang lan tỏa khắp vành đai Thái Bình Dương và với quy mô và vai trò của mình, các nền kinh tế thành viên APEC sẽ góp phần định hình nên những thành tựu phát triển mới trong thế kỷ 21. Theo đó, một tầm nhìn mới cho khuôn khổ APEC trong tương lai cần được xây dựng ngay từ hôm nay.

Theo Thủ tướng, các khuôn khổ hợp tác kinh tế cần được xem xét, có thể dần được mở rộng sang các lĩnh vực phi kinh tế như văn hóa, môi trường, khoa học công nghệ và giáo dục, trong đó lấy phát triển con người làm trung tâm, là động lực mang tính quyết định các khuôn khổ và cấu trúc hợp tác mới. Nói cách khác, APEC cần góp phần thiết lập khuôn khổ hợp tác kinh tế quốc tế mới với một mô thức quản trị mới, một chương trình nghị sự mới và một kiến trúc hợp tác mới.

“Trong khuôn khổ APEC, sự trỗi dậy của một số nền kinh tế không nên là sự đe dọa mà nên là những cơ hội cho xây dựng quan hệ đối tác tốt đẹp, là tấm gương sáng, bài học kinh nghiệm hay cho các quốc gia và nền kinh tế khác trên con đường dẫn tới thành công”, Thủ tướng nêu quan điểm. “Chúng tôi hy vọng, nhân dịp này, bằng sự thông tuệ và tầm nhìn của mình, các nhà Lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên APEC sẽ đưa ra những giải pháp tối ưu để cùng nhau "tạo động lực mới, vun đắp tương lai chung".

Hôm qua, 7/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân phúc đã tham dự và phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Cũng tại hội nghị này, Thủ tướng đã trực tiếp trả lời nhiều câu hỏi của các doanh nhân, nhà đầu tư đến từ các nền kinh tế APEC.

Tối cùng ngày, Thủ tướng đã đi thị sát phố cổ Hội An để chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ lụt nhằm ổn định đời sống người dân và phục vụ tốt Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.