Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Việt Nam muốn làm bạn với những người giỏi nhất

Hoa Anh - 17:02, 13/09/2018

TheLEADERPhát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam 2018 chiều nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam không đặt tham vọng trở thành người giỏi nhất trong chuỗi toàn cầu hoá nhưng muốn làm bạn với những người giỏi nhất.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Việt Nam muốn làm bạn với những người giỏi nhất
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện với đại biểu dự Hội nghị. Ảnh VGP/Quang Hiếu

Theo Thủ tướng, mặc dù đã tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu song xét về độ sâu thì Việt Nam còn nhiều việc phải làm bởi lẽ vẫn chỉ có 21% doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu so với mức trung bình 46% của các nước trong khu vực ASEAN; điều này rõ ràng chưa tương xứng với mục tiêu và tiềm năng của Việt Nam. 

Thủ tướng cho biết, nhiều nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra những thành công của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng nhiều doanh nghiệp Việt cũng chỉ mới tham gia ở các khâu đơn giản -những mắt xích hạ nguồn của chuỗi cung ứng và thiếu bền vững.

Giá trị đầu vào của các doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI chỉ chưa đầy 27%, còn lại là từ các doanh nghiệp FDI khác. Trước thực trạng đó, Việt Nam đặt mục tiêu nâng cấp lên cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp FDI.

Trong đó, Việt Nam xác định tự nâng cấp mình, cải thiện năng lực quản trị và độ tinh thông trong hoạt động, theo đuổi tầm nhìn dài hạn; chính phủ đồng hành. Thủ tướng cho biết Chính phủ mong muốn nhiều tập đoàn FDI mở cởi hơn trong chuỗi cung ứng của mình, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam cũng như tin tưởng hơn vào năng lực của các doanh nghiệp Việt.

"Việt Nam không đặt tham vọng trở thành người giỏi nhất trong chuỗi toàn cầu hoá nhưng muốn làm bạn với những người giỏi nhất", Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều yếu tố bất định, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn được duy trì ở mức cao và có tiến bộ rất lớn về môi trường kinh doanh, đầu tư...

Như Chủ tịch điều hành Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) Borge Brende đánh giá, Việt Nam chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế tuyệt vời mới tốc độ tăng trưởng GDP đạt kỷ lục trong vòng một thập kỷ. Trong 2 năm qua, giá trị của chứng khoán Việt Nam tăng gấp đôi, lạm phát ở mức thấp, thương mại phát triển nhanh, đầu tư nước ngoài tăng và quan trọng hơn là tỷ lệ đói nghèo ở Việt Nam đang giảm nhanh. 

'Việt Nam không tham vọng trở thành người giỏi nhất trong nền kinh tế toàn cầu hoá'
Chủ tịch điều hành Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) Borge Brende.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, càng ngày càng có nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới tìm đến Việt Nam như một môi trường đầu tư hấp dẫn và đầy tiềm năng. Việt Nam đang trở thành một trong những công xưởng của thế giới, có hơn 26 nghìn doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam với số vốn cam kết trên 331 tỷ USD từ 130 quốc gia và vùng lãnh thổ với nhiều tên tuổi lớn như Samsung, Facebook, Canon,...

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp kinh tế tư nhân cũng đang lớn mạnh. Thủ tướng đánh giá, môi trường kinh doanh ở Việt Nam có thể ươm mầm nên những tập đoàn lớn mạnh như cách mà các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam hiện nay như Vingroup, Hoà Phát, Vietjet, FPT đã làm...

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong thời gian qua nhưng theo ông Borge Brende, Việt Nam không hề tự mãn mà hơn thế nữa đang tích cực cải cách thay đổi để tiếp tục tăng trưởng trong tương lai. Trong đó, Chính phủ đã có các biện pháp kiểm soát nợ công để đảm bảo hệ thống tài chính, ngân hàng vận hành tốt và minh bạch hơn để có thể tạo nhiều tính cạnh tranh hơn; tham gia sâu rộng vào hợp tác thương mại toàn cầu, trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. 

Ngoài ra, Chính phủ đang nỗ lực cải cách doanh nghiệp nhà nước và tăng cường quản trị ở các dn còn yếu kém. Đây là lực lượng đóng góp cho 1/3 trong nền kinh tế của Việt Nam nhưng trước đây chưa được năng động và cạnh tranh như khu vực tư nhân. 

Việt Nam cũng nỗ lực để cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hoá thủ tục đầu tư cho các doanh nghiệp. 

Đáng chú ý, Chính phủ sẽ thành lập Uỷ ban quốc gia về chính phủ điện tử, trong đó Chính phủ đi đầu về xây dựng nền kinh tế số và hành chính minh bạch. 

Theo Thủ tướng, việc thứ nhất là cần xây dựng cơ chế pháp luật, luật chính phủ điện tử; thể chế rất quan trọng. Tiếp theo sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, công dân và doanh nghiệp, bước nữa sẽ là ứng dụng công nghệ 4.0 trong ứng dụng trực tuyến, bảo mật dữ liệu, cung ứng dịch vụ trực tuyến. Điều quan trọng là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hạ tầng kỹ thuật.

Như Chủ tịch điều hành WEF đã nhìn nhận, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra và việc tiếp cận công nghệ và tạo dựng nền kinh tế có thể huy động sức mạnh của toàn nền kinh tế để tận dụng cuộc cách mạng này cũng là một điều khó. 

"Dĩ nhiên Việt Nam còn nhiều điểm cần cải tiến ví dụ như tính cạnh tranh của mình. Nhiều người nghĩ cạnh tranh là xoá bỏ quan liệu, thuân lợi hoá kinh doanh... nhưng thực tế còn nhiều yếu tố khác nữa như giáo dục, hiệu quả hoạt đông của thị trường lao động" ông Borge Brende đánh giá. Theo đó, ông Borge Brende cho rằng điều quan trọng cần làm là làm chủ công nghệ.

Ngoài ra, trong bối cảnh các lĩnh vực về công nghiệp, dịch vụ, Thủ tướng cũng nhìn nhận là mỏ vàng nông nghiệp của Việt Nam còn chưa được khai thác hết; tỷ lệ đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn quá ít và việc hướng đến phát triển nông nghiệp, du lịch nông nghiệp... thông qua ứng dụng công nghệ thông tin.