Tín dụng tăng 8,64% sau 9 tháng

Trần Anh - 15:31, 01/10/2019

TheLEADERSáng nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị thông tin về kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng quý III/2019.

Theo đó, tính đến ngày 24/9/2019, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 8,58%, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 8,64% so với thời điểm cuối năm 2018. Đầu năm nay, NHNN định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%; tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Đại diện NHNN cho biết tín dụng đối với hầu hết các lĩnh vực ưu tiên đều tăng khá như: Tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 22,04%; Tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 13,2%; Tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 11,42%; Tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 6%; Tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 1,85%.

Các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, TTCP như cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp, cho vay khuyến khích nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, nhà ở xã hội,...cũng được các TCTD tiếp tục triển khai quyết liệt. Tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với định hướng của NHNN.

Thời gian gần đây, các NHTW thế giới liên tục cắt giảm lãi suất. Từ ngày 16/9/2019, NHNN điều chỉnh giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành để tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ nền kinh tế và thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng. Về cơ bản, mặt bằng lãi suất duy trì ổn định.

NHNN cho hay, về cơ bản, mặt bằng lãi suất duy trì ổn định. Trên thị trường ngoại tệ, tỷ giá tương đối ổn định, diễn biến linh hoạt phù hợp với sự thay đổi của điều kiện thị trường; thanh khoản thị trường được đảm bảo, các giao dịch ngoại tệ diễn ra thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. NHNN mua ròng ngoại tệ, bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Về hoạt động của các tổ chức tín dụng, NHNN cho biết, việc triển khai Chuẩn mực vốn Basel II tiếp tục được tập trung thực hiện để đáp ứng các thông lệ quốc tế về an toàn vốn. Đến nay, NHNN đã có quyết định chấp thuận đối với 11 NHTM được áp dụng Thông tư 41 trước thời hạn cuối là đầu năm 2020.

Việc triển khai Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu đã đạt được một số kết quả tích cực, lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 6/2019, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 224,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 (không bao gồm sử dụng dự phòng rủi ro). Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 6/2019 là 1,9%, tỷ lệ nợ xấu bao gồm cả nợ xấu tại VAMC và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu vào khoảng 5,2%.

Trong lĩnh vực thanh toán, bên cạnh hoàn thiện cơ sở pháp lý, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM). Đến nay, có 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cung cấp dịch vụ thanh toán qua Internet và 45 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán di động (mobile payment).

Trong 7 tháng đầu năm 2019, số lượng giao dịch tài chính qua kênh Internet đạt hơn 226 triệu giao dịch với giá trị giao dịch khoảng 10,9 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 51,8% và 18,3% so với cùng kỳ năm 2018); số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động đạt gần 202 triệu giao dịch với giá trị giao dịch hơn 2,09 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 104,9% và 155,3% so với cùng kỳ năm 2018).

Về định hướng điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng trong thời gian tới, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu bình quân dưới 4%; bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ trong nước và quốc tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng theo định hướng đề ra.

Tập trung phân bổ nguồn vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận tín dụng. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án Cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020. Thực hiện quyết liệt và hiệu quả Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD; đẩy mạnh xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường, kiểm soát nợ xấu mới phát sinh và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu; Phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%.