Tố O sen - Ngọc Mai hát 'Túy âm' mà chưa xin phép, Xesi có làm đúng luật?

Hường Hoàng - 09:18, 26/12/2022

TheLEADERMới đây, ngày 23/12, ca sĩ Xesi vừa đăng lên trang cá nhân, trực tiếp “tố” ca sĩ Ngọc Mai (O Sen – quán quân The Masked Singer) chưa xin phép mình khi biểu diễn hát bài “Túy âm” trong hai sự kiện âm nhạc tại TP. HCM.

Tố O sen - Ngọc Mai hát 'Túy âm' mà chưa xin phép, Xesi có làm đúng luật?
Mới đây, nữ ca sĩ Xesi vừa tố ca sĩ Ngọc Mai (quán quân The Masked Singer) hát bài hát của mình mà không xin phép

Ngay trong ngày hôm đó, ca sĩ Ngọc Mai cũng đã phản hồi chính thức về vụ việc, đại ý: Không phải Ngọc Mai biểu diễn ca khúc khi chưa được tác giả cho phép, mà thật ra tác giả chưa hiểu rõ về luật khi đã ký ủy quyền với Trung tâm tác quyền".

Vậy, đâu là bản chất của vụ việc?

Nghệ sĩ không xin phép tác giả biểu diễn tác phẩm?

Theo thông tin từ phía Xesi, cô đã gửi mail để trao đổi và phản ánh với ca sĩ Ngọc Mai về việc ca sĩ Ngọc Mai đã thể hiện ca khúc “Túy âm” trong hai buổi biểu diễn tại Lễ hội âm nhạc Quốc tế HOZO (11/12) và Phòng trà Bến Thành (28/11) mà không xin phép. 

Qua đó, Xesi đã nhận được phản hồi từ ca sĩ Ngọc Mai rằng việc đóng tác quyền là do đơn vị tổ chức chủ động chứ thực tế nữ ca sĩ không hề liên quan. Đồng thời, ca sĩ Ngọc Mai cho biết cô cũng đã liên hệ với một nghệ sĩ để xin phép biểu diễn ca khúc “Túy âm”.

Tố O sen - Ngọc Mai hát 'Túy âm' mà chưa xin phép, Xesi liệu có làm đúng luật?
Bài đăng của ca sĩ Trần Yến (nghệ danh Xesi) tố ca sĩ Ngọc Mai vi phạm bản quyền tác phẩm Túy âm

Tuy nhiên, Xesi cho rằng trên cương vị là tác giả, cô không hề nhận được bất cứ đơn vị nào thông tin gì về việc biểu diễn của 2 sự kiện này. Đồng thời cô khẳng định, tác phẩm “Tuý Âm” được sáng tác duy nhất bởi Xesi, bản quyền thuộc về Xesi và không có bất cứ nghệ sĩ nào đồng sáng tác.

Vì vậy, Xesi đã yêu cầu BTC các chương trình trên liên hệ làm việc trực tiếp với cô để xác thực lại thông tin, nếu không nữ tác giả của "Túy Âm" sẽ nhờ bên thứ ba hỗ trợ để làm việc rõ ràng về pháp lý vì bản thân đang bị xâm phạm chất xám.

Thứ hai, Xesi cho rằng ca sĩ Ngọc Mai đang diễn giải ý nghĩa tác phẩm của mình một cách sai lệch. Theo cô, ca sĩ có thể tự hiểu theo cách của họ để biểu diễn một cách tự do như một tác phẩm độc lập. Nhưng để giảng giải và truyền bá về nội dung cho nhiều người biết thì ca sĩ biểu diễn cần hiểu biết cao về tác phẩm, tránh trường hợp làm cho khán giả hiểu sai tác phẩm.

Xesi nhấn mạnh: “Bài hát Tuý Âm, như mình đã chia sẻ trước đó, chữ "Say" trong bài hát không liên quan rượu bia, say xỉn. Mà là "say thanh âm", nó là một cảm giác thăng hoa trong âm nhạc”.

Bản quyền và ủy quyền

Sau khi Xesi lên tiếng về việc "O Sen" Ngọc Mai sử dụng ca khúc 'Tuý Âm' khi chưa có sự đồng thuận của tác giả và truyền đạt sai về ý nghĩa bài hát, ca sĩ Ngọc Mai cũng đã có phản hồi chính thức về sự việc trên. Theo cô, bản chất của sự việc không phải là cô biểu diễn một ca khúc chưa được tác giả cho phép, mà là "tác giả chưa hiểu rõ về luật khi đã ký ủy quyền với trung tâm tác quyền".

Tố O sen - Ngọc Mai hát 'Túy âm' mà chưa xin phép, Xesi có làm đúng luật? 1
Ca sĩ Ngọc Mai phản hồi chính thức về sự việc

Ca sĩ Ngọc Mai cho biết, về vụ việc, Xesi đã ký ủy quyền ca khúc Túy âm cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. Điều này có nghĩa là Trung tâm sẽ thay mặt tác giả để làm việc với các cơ quan, đơn vị có nhu cầu sử dụng trong tất cả những hoạt động khai thác ca khúc này, trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Theo đó, trong tất cả những sự kiện mà ca sĩ tham gia, ngoài những ca khúc mà cá nhân ca sĩ được cấp quyền biểu diễn, BTC sẽ chủ động liên hệ để làm việc về vấn đề bản quyền cho tất cả các ca khúc khác. Đây là quy tắc luôn có trên những hợp đồng biểu diễn ca nhạc.

Cụ thể, trong trường hợp này, BTC đã làm việc với với đơn vị đang đại diện cho tác giả - Trung tâm bảo vệ quyền tác giả. Trung tâm sẽ đại diện tác giả để hoàn tất các giấy tờ, thủ tục và cũng sẽ nhận tiền tác quyền từ BTC của các sự kiện và sẽ chuyển cho tác giả sau một thời gian nhất định.

Vì vậy, một khi ca sĩ Xesi đã ký với Trung tâm đại diện thì mọi vấn đề tranh chấp hay pháp lý đều sẽ do trung tâm đại diện xử lý và làm việc trực tiếp với tổ chức, cá nhân có liên quan. 

Trên cơ sở pháp lý, về phía cả hai ca sĩ Xesi và Mai đều đã có cho mình một bên đại diện. Do đó, việc Xesi có cáo buộc trực tiếp rằng "Ngọc Mai trình diễn ca khúc chưa được tác giả cho phép" là không đúng, vì ca sĩ Ngọc Mai chỉ là một nghệ sĩ biểu diễn trong sự kiện, còn việc "cho phép trình diễn" hay "không cho phép trình diễn" sẽ được quyết định bởi Trung tâm bảo vệ quyền tác giả.

Ngoài ra, ca sĩ Ngọc Mai cho biết thêm, chỉ trong trường hợp ca sĩ ra mắt một sản phẩm phát sinh (single, MV, album...) thì bản thân ca sĩ mới có nghĩa vụ đích thân làm việc với tác giả. Tuy nhiên, trong trường hợp sử dụng tác phẩm Túy Âm, ca sĩ Ngọc Mai không hề tạo ra các sản phẩm phái sinh từ ca khúc như single hay album. Bản thu âm Tuý Âm duy nhất do cô biểu diễn là của chương trình The Masked Singer. Trong khi đó, những chương trình cô hát live, BTC đều đã làm việc với Trung tâm đại diện, chứ không làm việc trực tiếp với tác giả.

Tố O sen - Ngọc Mai hát 'Túy âm' mà chưa xin phép, Xesi có làm đúng luật? 2
Ca sĩ Ngọc Mai khẳng định Xesi không hiểu rõ về luật bản quyền, dẫn đến hiểu lầm, gây ồn ào trên mạng xã hội (Ảnh: The Masked Singer)

Về ý kiến của Xesi cho rằng ca sĩ Ngọc Mai đã liên hệ một người không phải tác giả để xin phép, quán quân “Ca sĩ mặt nạ” cho biết ekip của cô luôn chủ động làm việc trực tiếp với tác giả (dù về lý, đây là công việc mà BTC sự kiện sẽ làm việc với Trung tâm).

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, ekip của ca sĩ Ngọc Mai đã liên hệ với một người mà ekip nghĩ là tác giả, đó là nhà sản xuất âm nhạc Masew, bởi ca khúc Tuý Âm được đăng trên kênh YouTube chính thức của Masew với thông tin "Bản quyền thuộc về MASEW". Đồng thời, ca sĩ Ngọc Mai cũng không nhận được sự đính chính từ phía Masew, vì thế đã liên hệ với Masew thay vì Xesi trong trường hợp này.

Kết luận

Trong trường hợp này, là một ca sĩ đã ủy quyền tác phẩm của mình cho trung tâm tác quyền, tác giả của “Túy âm” đang không có nhiều lợi thế về pháp lý trong vụ việc đã nêu. Bởi thông qua trung tâm tác quyền, ca sĩ Xesi sẽ nhận được thù lao từ BTC các chương trình do ca sĩ Ngọc Mai biểu diễn, do đó cô không bị xâm phạm quyền tài sản bởi ca sĩ Ngọc Mai.

Thứ hai, xét về quyền nhân thân, khoản 2, điều 19 Luật sở hữu trí tuệ không có quy định rõ ràng rằng việc người biểu diễn diễn giải ý tưởng không giống tác giả có được coi là một hành vi xuyên tạc, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của tác giả hay không. Vì vậy, cáo buộc của ca sĩ Xesi trong trường hợp này vẫn chưa có căn cứ thực sự rõ ràng, và cần được xác định bởi tòa.

Thứ ba, nhiều người thường hiểu lầm rằng với một chương trình ca nhạc có 20 ca khúc được biểu diễn, ban tổ chức sẽ phải liên hệ với từng nhạc sĩ sáng tác các ca khúc để xin phép sử dụng. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy! Hầu hết các chủ sở hữu và người sử dụng quyền thường sẽ tham gia vào hoạt động cấp phép bản quyền thông qua những tổ chức quản lý trung gian, bởi các tác giả thường rất khó để có thể giám sát hết mọi hoạt động sử dụng tác phẩm của mình. Ngược lại, các tổ chức phát sóng cũng không thể tìm đến từng tác giả để để xin phép được sử dụng tác phẩm được bảo hộ. 

Trung bình mỗi năm, đài truyền hình phát sóng khoảng 60.000 tác phẩm âm nhạc. Nếu xử lý một cách riêng lẻ, đài truyền hình cần liên hệ với hàng nghìn chủ sở hữu quyền mỗi năm. Vì vậy, đối với cả chủ sở hữu và người sử dụng quyền, việc quản lý các hoạt động này một cách riêng lẻ là phi thực tế. 

Do đó, với vai trò nối liền khoảng cách giữa chủ sở hữu và người sử dụng quyền, các tổ chức quản lý quyền tập thể như Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam ra đời đã và đang thay mặt và vì lợi ích của chủ sở hữu quyền, giúp tối đa hóa lợi ích của ngành công nghiệp bản quyền tại Việt Nam.

Vì vậy, khi đã ký hợp đồng ủy quyền với Trung tâm bảo vệ quyền tác giả, các nhạc sĩ, tác giả cần nhận thức được đúng, đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong việc khai thác tác phẩm, tránh những tranh chấp và hiểu lầm không đáng có.

Qua sự việc nêu trên, có thể thấy rằng, trong lĩnh vực âm nhạc nói riêng và quyền tác giả nói chung ở Việt Nam, đôi khi, nhận thức của cả chủ sở hữu quyền và người sử dụng quyền đôi khi vẫn còn chưa cao. Điều này có thể khiến cho các chủ sở hữu quyền và cả người sử dụng gặp rắc rối trong những tranh chấp bản quyền, đồng thời khó tối đa hóa lợi ích trong quá trình khai thác tác phẩm.