Tóm tắt kết quả làm việc của Quốc hội ngày 27/10

Quang Anh - 10:00, 28/10/2017

TheLEADERNgày 27/10, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành và Cân nhắc mô hình tổ chức của cơ quan kiểm ngư trong dự án Luật Thủy sản (sửa đổi).

Phiên sáng: Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án quan trọng quốc gia, có quy mô thu hồi đất lớn, được quy hoạch từ năm 2005 nên trong nhiều năm qua, người dân sống trong vùng Dự án bị hạn chế quyền sử dụng đất, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn nên việc sớm thực hiện Dự án còn nhằm ổn định cuộc sống của người dân, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân có đất bị thu hồi.

Mặt khác, theo tiến độ dự kiến, Báo cáo Nghiên cứu khả thi của Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ được hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét thông qua vào năm 2019 nên cần sớm triển khai Dự án để thực hiện giải phóng mặt bằng, bàn giao cho Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đáp ứng tiến độ theo Nghị quyết số 94/2015/QH13.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra tại Hội trường. Ảnh: Đình Nam.

Trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đối với 06 đối tượng.

Về tổng mức đầu tư và cơ chế bố trí vốn, tổng mức đầu tư cho Dự án thành phần này khoảng 23 nghìn tỷ đồng nhưng hiện vốn ngân sách nhà nước mới bố trí được 5 nghìn tỷ đồng. Có ý kiến cho rằng, với lượng vốn ngân sách đã được bố trí, khó tiến hành thu hồi đất một lần theo tinh thần Nghị quyết 94, do vậy, cần phân kỳ ra nhiều giai đoạn để thực hiện giải phóng mặt bằng.

Ủy ban Kinh tế tán thành đề xuất của Chính phủ, đề nghị Quốc hội bố trí bổ sung vốn cho dự án từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 để bảo đảm đủ kinh phí thực hiện; toàn bộ nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất tái định cư, cho thuê đất Dự án sẽ được hoàn trả vào ngân sách trung ương.

Quốc hội thảo luận tại Tổ về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Tổ số 3: Đoàn đại biểu tỉnh Lạng Sơn - Ninh Bình - Ninh Thuận - Đồng Nai. Ảnh: Đình Nam

Đại biểu Quốc hội Hồ Văn Năm - tỉnh Đồng Nai đề nghị cân nhắc nguồn kinh phí thực hiện khi Quốc hội biểu quyết thông qua dự án, nhất là không thể giao hết cho địa phương. Đại biểu Quốc hội Hồ Văn Năm băn khoăn, nếu có điều kiện ứng trước thì tốt nhưng nếu địa phương không có đủ kinh phí để ứng ra làm đền bù giải phóng mặt bằng thì xử lý thế nào. Bên cạnh đó, giá bồi thường hỗ trợ tái định cư cho dân cũng cần phải tính toán cụ thể. Theo đại biểu, giá bồi thường trung bình áp giá theo giá Nhà nước, thực tế tham khảo áp giá so với giá thị trường thì chênh lệch quá lớn nên khó tránh khỏi việc dân phản ứng. Do đó cần phải làm tốt công tác dân vận, dân thông thì mới thu hồi đất được. Còn nếu không làm chắc chắn thì dễ xảy ra hiểu lầm, dễ bị lợi dụng kích động.

Góp ý về nội dung này, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa - TP. Hồ Chí Minh cho biết, sự cần thiết xây sân bay Long Thành đã rõ. Nhưng đây là một dự án lớn, đụng tới diện tích đất đai lớn nên rất dễ gây xáo trộn xã hội, mâu thuẫn và xung đột. Đại biểu cho biết, Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án trình Quốc hội lần này đã đề cập tới những nội dung cơ bản về tái định cư cho người dân trong vùng dự án, tuy nhiên đại biểu lưu ý, quá trình thực thi thường mới phát sinh vấn đề về giao thông, môi trường; tâm lý so sánh giữa nơi ở cũ - mới...

Phiên chiều: Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thủy sản (sửa đổi): Cân nhắc mô hình tổ chức của cơ quan kiểm ngư.

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thủy sản (sửa đổi). Nhiều đại biểu đồng tình việc thành lập lực lượng kiểm ngư cấp tỉnh, tuy nhiên cần cân nhắc mô hình tổ chức của cơ quan kiểm ngư.

Cân nhắc mô hình tổ chức của cơ quan kiểm ngư

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang– tỉnh Đắk Nông phát biểu tại Hội trường. Ảnh: Đình Nam

Cho ý kiến về việc thành lập lực lượng kiểm ngư, đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang – tỉnh Đắk Nông cho biết, về chủ trương, đại biểu đồng tình cơ bản về việc thành lập lực lượng kiểm ngư, tuy nhiên, để mô hình tổ chức của cơ quan kiểm ngư có nên được quy định ngay trong Luật hay không thì cần phải qua thực tiễn tổng kết, qua nghiên cứu báo cáo hoạt động của kiểm ngư trong thời gian vừa qua. Để giải quyết những tồn tại vướng mắc đó hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Chính phủ theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ. Do đó Luật chỉ nên quy định có lực lượng kiểm ngư, còn hệ thống tổ chức, chế độ chính sách của lực lượng này nên giao cho Chính phủ quy định.

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hiền - tỉnh Nghệ An đồng tình với phương án thành lập Kiểm ngư ở trung ương và ở một số tỉnh, thành phố ven biển có tính đặc thù… Tuy nhiên, kiểm ngư địa phương nên thành lập trên cơ sở chuyển đổi và cơ cấu lại lực lượng thanh tra chuyên ngành ở địa phương, đảm bảo bộ máy không tăng biên chế.

Chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm trong nuôi trồng thủy sản là hết sức cần thiết

Cho ý kiến về chính sách của Nhà nước trong hoạt động thủy sản, đại biểu Quốc hội Triệu Thế Hùng- tỉnh Lâm Đồng cho rằng, Điều 6 dự thảo Luật quy định Chính sách đầu tư của Nhà nước vào 3 lĩnh vực như Khoản 1 là phù hợp, chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong từng thời kỳ tại khoản 2 cơ bản đầy đủ và có tính khả thi cao.

Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hiền - tỉnh Nghệ An khẳng định, chính sách hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm trong nuôi trồng thủy sản, tàu khai thác thủy sản, tàu dịch vụ hậu cần xa bờ là chính sách hết sức cần thiết và ý nghĩa, vì nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản xa bờ có tính rủi ro cao, phụ thuộc nhiều vào điều kiện thiên nhiên do đó việc triển khai chính sách bảo hiểm là góp phần hỗ trợ ngư dân bám biển, tham gia bảo vệ chủ quyền bảo vệ biển đảo đất nước, huy động nguồn lực xã hội và góp phần chia sẻ trách nhiệm xử lí rủi ro với người dân. Tuy nhiên cần xây dựng lộ trình phù hợp với quá trình phát triển kinh tế đất nước và ngân sách quốc gia để đảm bảo tính khả thi của Luật.