Tổng bí thư: 5 chú ý để hiện thực hóa mục tiêu vùng Đông Nam Bộ

Phương Anh - 09:07, 24/10/2022

TheLEADERMục tiêu đến năm 2045, Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển, có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; trung tâm khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới.

Vai trò đặc biệt của vùng Đông Nam Bộ

Đông Nam Bộ bao gồm TP.HCM và 5 tỉnh trực thuộc Trung ương, là vùng có địa hình rộng, thoáng, phần lớn diện tích là đồng bằng, nửa bình nguyên, rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp và đô thị, xây dựng hệ thống giao thông vận tải…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị quán triệt và triển khai Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị mới đây, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá vùng Đông Nam Bộ là vùng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước.

Năm 2020, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của vùng Đông Nam Bộ tăng gấp 4,9 lần so với năm 2005, và 2,6 lần so với năm 2010, vượt mục tiêu đề ra. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 cao nhất cả nước.

Vùng này đã đóng góp 32% GDP của cả nước, 44,7% tổng thu ngân sách nhà nước.

Cơ cấu kinh tế của vùng chuyển dịch theo hướng hiện đại, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng nhanh; tỷ trọng khu vực dịch vụ vượt mục tiêu đề ra; tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ cao nhất cả nước.

Cùng với đó, kinh tế tư nhân phát triển năng động, có số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước; là địa bàn thu hút FDI lớn nhất, chiếm hơn 41% tổng vốn FDI.

5 vấn đề cho thúc đẩy vùng Đông Nam Bộ
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị quán triệt và triển khai Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tuy nhiên, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá kinh tế - xã hội của vùng còn nhiều tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức lớn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Đơn cử, tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại và thấp hơn cả nước; đóng góp vào tổng thu ngân sách nhà nước giảm; tốc độ tăng năng suất lao động thấp.

Bên cạnh đó, triển khai thực hiện các quy hoạch còn chậm, mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng, còn thiếu và yếu, chưa đồng bộ, là điểm nghẽn cản trở sự phát triển. Một số công trình trọng điểm xây dựng còn chậm tiến độ so với mục tiêu đề ra.

3 điểm chú ý trong Nghị quyết 24

Thứ nhất là về quan điểm, nhận thức, và tư tưởng chỉ đạo.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh Nghị quyết lần này đã quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; kế thừa, bổ sung, phát triển các quan điểm của Nghị quyết số 53-NQ/TW thành những quan điểm chỉ đạo mới, phù hợp với bối cảnh, tình hình mới.

Bộ Chính trị đặc biệt nhấn mạnh cần phải đổi mới mạnh mẽ, năng động, sáng tạo hơn nữa, tạo chuyển biến có tính đột phá trong việc tiếp tục xây dựng và phát triển vùng Đông Nam Bộ.

Theo đó, cơ cấu lại kinh tế theo hướng hiện đại, lấy kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm. Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, trong đó lấy nội lực là quyết định, là chiến lược, cơ bản, lâu dài, kết hợp hài hoà với ngoại lực là quan trọng, đột phá.

Cùng với đó, cần phải đổi mới tư duy, phát huy sự năng động, sáng tạo của các địa phương để Đông Nam Bộ phải trở thành một hình mẫu tiêu biểu, hiệu quả cao trong hợp tác liên kết vùng.

Không chỉ vậy, cần phát triển nhanh và bền vững; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội với bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Thứ hai là về mục tiêu và tầm nhìn.

Cụ thể, phấn đấu đến năm 2030, Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực.

Cùng với đó, đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, xây dựng "chính quyền số", "kinh tế số", "xã hội số"; phát triển nhanh hệ thống đô thị thông minh và hiện đại.

Đáng chú ý, TP.HCM phải là thành phố văn minh, hiện đại, năng động, sáng tạo; là nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đến sinh sống và làm việc.

Đến năm 2030, TP.HCM phấn đấu là trung tâm tài chính quốc tế, phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực châu Á, đóng vai trò là cực tăng trưởng của vùng; nơi tập trung của các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới.

Về tầm nhìn, đến năm 2045, Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển, có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; trung tâm khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới.

Thứ ba là về nhiệm vụ và giải pháp.

Trong đó, bao gồm các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về phát triển nhanh, bền vững, tạo bước đột phá trong kinh tế vùng; tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; và về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý – vốn đang là những khó khăn, thách thức lớn nhất hiện nay của vùng, đặc biệt là TP.HCM.

Những giải pháp cần chú ý

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trước hết, phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung của Nghị quyết.

Cùng với đó, xác định rõ đây là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, chứ không chỉ là nhiệm vụ riêng của vùng và các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ.

Đồng thời, “phải nhận thức thật đúng và giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa phát triển vùng và phát triển chung của cả nước – cả nước vì vùng và vùng vì cả nước”, Tổng bí thư nhấn mạnh.

Thứ hai là phải khơi dậy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, đổi mới, năng động, sáng tạo; ý chí, quyết tâm và khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ.

Thứ ba là trên cơ sở đổi mới về tư duy và nhận thức, phải đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển vùng.

Theo đó, cần đổi mới tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành phát triển của từng địa phương, lấy khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực phát triển.

Thứ tư là tăng cường, nâng cao, làm tốt hơn nữa công tác xây dựng bộ máy tổ chức và cán bộ; nâng cao năng lực và chất lượng lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp uỷ, tổ chức đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ.

Thứ năm là các cấp uỷ, tổ chức đảng và các cơ quan ở Trung ương, cũng như các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị của các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ cần khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, chương trình học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết, gắn với tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các tỉnh.

Tổng bí thư nhấn mạnh chương trình hành động phải bám sát các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và nội dung của Nghị quyết, bảo đảm phù hợp với từng địa phương trong vùng và tiểu vùng.