Tổng cục thống kê: Tăng trưởng tín dụng mới đạt 11%

Minh An - 09:34, 29/09/2017

TheLEADERTheo Tổng cục thống kê, tính đến ngày 20/9 tín dụng cho nền kinh tế tăng 11% so với mục tiêu trên 20% được nhắc đến gần đây.

Theo Tổng cục thống kê (GSO), đến ngày 20/9, tổng phương tiện thanh toán tăng 9,59% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm trước tăng 11,76%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 10,08% (cùng kỳ năm 2016 tăng 12,02%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 11,02% (cùng kỳ năm trước tăng 10,46%). 

Tín dụng tiếp tục đà tăng trưởng tốt thể hiện xu hướng phát triển tích cực và khả năng hấp thụ vốn tương đối tốt của nền kinh tế, bản công bố thông tin về tình hình kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm của GSO viết.

Trước đó, ngày 10/7/2017, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành thêm 0,25% và thực hiện các giải pháp hỗ trợ giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ. 

Các tổ chức tín dụng tích cực thực hiện các chính sách và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về giảm lãi suất, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên được các ngân hàng giảm 0,5%/năm; đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh được giảm 0,5%-1%/năm; 

Đồng thời giảm lãi suất một số chương trình cho vay trung và dài hạn đối với lĩnh vực ưu tiên xuống còn 8%/năm và tích cực triển khai các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi cho các ngành thiết yếu trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội.

Riêng đối với nhóm khách hàng có tình hình tài chính minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4%-5%/năm phấn đấu tiếp tục giảm 0,5% lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm 2017; phấn đấu tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm đạt khoảng 21% để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống.

Theo Tổng cục thống kê (GSO), đến ngày 20/9, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 11%.

Tại nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8, Ngân hàng Nhà nước được giao phấn đấu tiếp tục giảm 0,5% lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm 2017; tăng trưởng tín dụng cả năm đạt khoảng 21% để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Đồng thời cơ quan này tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống.

Trong khi đó, các tổ chức tài chính quốc tế lần lượt đưa ra các đánh giá về mục tiêu tăng trưởng tín dụng mới của Việt Nam. 

HSBC nói rằng dữ liệu cho thấy, tăng trưởng tín dụng cao không đủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Việc phân bổ tín dụng sai lệch và giảm bớt đầu tư tư nhân nếu không được kiểm soát có thể sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP và tăng nguy cơ nợ xấu trong tương lai.

Và tăng trưởng tín dụng nhanh có thể tạo ra những rủi ro mới cho ngành ngân hàng, đặc biệt nếu tín dụng mới được phân bổ cho các ngành công nghiệp kém hiệu quả.

Đại diện của ADB tại Việt Nam nhận định việc cố gắng duy trì tăng trưởng tín dụng ở mức cao sẽ có nhiều rủi ro lớn liên quan đến thâm hụt tài chính, ngân sách và đảm bảo chất lượng tín dụng.

Fitch Ratings, trong một báo cáo về ngành ngân hàng Việt Nam mới đây nói: Một giai đoạn tăng trưởng tín dụng nhanh để đạt các mục tiêu GDP có thể gây ra làn sóng vỡ nợ như những gì đã diễn ra trong quá khứ.

"Các vấn đề chất lượng tài sản hiện tại có thể được bắt nguồn từ tăng trưởng tín dụng nhanh và tiêu chuẩn cho vay thấp trong những năm 2000. Các vấn đề rủi ro tín dụng bị đẩy lên cao vào giai đoạn 2011 – 2013 và gây ra các căng thẳng đáng kể trên thị trường tài chính", báo cáo của Fitch Ratings viết.