Tổng thư ký KoCham: 'Tìm đối tác phù hợp ở Việt Nam vô cùng khó khăn'

Quỳnh Chi - 16:10, 02/07/2019

TheLEADERViệt Nam tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP hay EVFTA sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp trong ngành nông sản Việt nâng cao khả năng, chuyên nghiệp hơn cũng như tạo được uy tín trong việc làm ăn với doanh nghiệp của các nước trên thế giới.

Tổng thư ký KoCham: 'Tìm đối tác phù hợp ở Việt Nam vô cùng khó khăn'
Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam Hong Sun

Từ một nước phải nhập khẩu lương thực để cứu đói, chống đói, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu lương thực có thứ hạng cao về số lượng trên thị trường thế giới.

Nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam đang chiếm vị trí dẫn đầu trên thị trường thế giới như gạo, hồ tiêu, hạt điều, thủy sản, rau, quả, thực phẩm và đang dần định hình được thương hiệu, uy tín về chất lượng, giá cạnh tranh trên thị trường thế giới trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do.

Dù Việt Nam được đánh giá là nơi có ngành nông lâm thủy sản phát triển rất mạnh, nhưng tại hội thảo CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt diễn ra sáng 2/7, ông Hong Sun, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) cho biết, tìm được một đối tác phù hợp ở Việt Nam vô cùng khó khăn. 

Theo ông Hong Sun, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc phải mất từ 5 - 6 năm mới có thể tìm được một đối tác phù hợp. Mặc dù Việt Nam có rất nhiều lợi thế về sản phẩm nông lâm thủy sản nhưng lại không thể đáp ứng được nhu cầu, yêu cầu của phía Hàn Quốc nếu muốn hợp tác làm ăn. 

"Đơn giản như muốn tìm kiếm thông tin về các doanh nghiệp, đối tác cũng rất khó do các bạn chưa có cách làm bài bản, chuyên nghiệp", đại diện KoCham lấy dẫn chứng.

Bên cạnh đó, Việt Nam có rất nhiều nông sản nhưng chưa có thương hiệu mạnh trên thị trường quốc tế. Ví dụ, chuối có dán tem ngon hơn rất nhiều so với chuối Hàn Quốc nhưng vẫn không được tin tưởng vì không có thương hiệu.

Việt Nam đã tham gia vào rất nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều quốc gia trong đó có Hàn Quốc. Kim ngạch thương mại giữa hai bên đã tăng rất nhanh đạt 65 tỷ USD trong năm ngoái và đang được kỳ vọng sẽ đạt 100 tỷ USD vào năm 2020. Ông Hong Sun cho rằng điều này thể hiện sự quan trọng của Việt Nam đối với Hàn Quốc ở Đông Nam Á.

Để doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực, đáp ứng được những yêu cầu của phía Hàn Quốc nhằm đẩy mạnh hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực nông sản, đại diện KoCham nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư vào ngành công nghệ chế biến để cho ra đời những sản phẩm tươi, bảo quản được lâu hơn. 

"Thanh long Việt Nam rất ngon nhưng lại không bảo quản được lâu", ông Sun lấy ví dụ.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, công bằng với tất cả các nhà đầu tư. Quan trọng nhất là phải giữ được uy tín khi hợp tác làm ăn với các thương nhân nước ngoài bởi đại diện doanh nghiệp Hàn Quốc cho biết nhiều thương nhân nước này khi bị bất tín trong làm ăn với thương nhân Việt Nam cũng không biết bấu víu vào đâu.

Gần đây, câu chuyện Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với việc tham gia vào nhiều FTA lớn như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). 

Với những yêu cầu khắt khe và tiêu chuẩn cao, các hiệp định này sẽ là cơ hội để doanh nghiệp Việt tiếp cận được những thị trường rộng lớn, uy tín và đồng thời nâng cao khả năng và uy tín của chính mình để có thể làm ăn với doanh nghiệp các nước.

Thương mại là yếu tố quan trọng nhưng vận hành thương mại còn quan trọng hơn. Hiểu được các cam kết cụ thể như thế nào xuống từng ngành hàng và dòng thuế để trên cơ sở đó tận dụng những cơ hội mà các FTA mang lại cũng là một bài toán không dễ với các doanh nghiệp Việt. 

Như chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa đề xuất, cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng từ cơ cấu Chính phủ cho đến doanh nghiệp, cập nhật những tri thức và tiến bộ khoa học công nghệ mới nhất để vực dậy nền tảng quốc gia có truyền thống nông nghiệp như Việt Nam.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, cần phải kết nối một chuỗi giá trị thông qua thương mại điện tử để đem lại hiệu quả cho ngành xuất khẩu, đưa Việt Nam thành một nước phát triển trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản . 

"Thậm chí, chúng ta lắp camera để đối tác các nước biết được quy trình sản xuất. Từ đó, họ sẽ biết được chúng ta sản xuất quy trình ra sao, sản xuất như thế nào. Cơ hội của CPTPP đối với nông sản Việt rất lớn nên cần đẩy mạnh thương mại điện tử, kinh tế số và chất lượng của hàng nông sản Việt Nam, giảm bớt các thủ tục và chi phí. Có như vậy thì nông sản Việt mới vươn xa trên thị trường nước ngoài", ông Doanh nhìn nhận.

Để tăng tính cạnh tranh cho nông sản Việt Nam trên sân chơi CPTPP, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT Công ty Thái Bình Seed cho rằng có ba vấn đề Việt Nam cần thay đổi. 

Một là thay đổi công nghệ sản xuất nông nghiệp như hệ thống chế biến, bảo quản nông sản phải đồng bộ để đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm nghiêm ngặt mà CPTPP đề ra. 

Hai là chú trọng liên kết doanh nghiệp với doanh nghiệp, bên cạnh liên kết bốn nhà mà Chính phủ thường nhắc tới từ đó thúc đẩy chuyên môn hóa, hợp tác hóa, tạo thành chuỗi dây chuyền sản xuất và xuất khẩu, tăng cường lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Ba là thay đổi cơ chế chính sách nhà nước theo hướng ổn định, hiệu quả và minh bạch. Chính phủ cần phối hợp với doanh nghiệp đẩy mạnh công tác xây dựng thương hiệu quốc gia một cách đồng bộ và vững mạnh. 

New Zealand là quốc gia nhỏ, dân số chỉ 5 triệu dân và diện tích bằng ⅔ Việt Nam, ở vị trí cô lập so với các thị trường xuất khẩu thế nhưng lại là một trong những nước dẫn đầu thế giới về nông nghiệp. Ngành nông nghiệp hiện chiếm 80% sản lượng xuất khẩu và 15% lực lượng lao động của New Zealand.

Chia sẻ về kinh nghiệm tận dụng lợi thế của CPTPP trong bối cảnh toàn cầu hóa trên con đường trở thành nước xuất khẩu nông sản, sản phẩm chăn nuôi thành công trên thế giới, Tham tán nông nghiệp New Zealand Lisa Winthrop nhấn mạnh bốn yếu tố. 

Đầu tiên, New Zealand luôn là thành viên tích cực của các tổ chức xây dựng những tiêu chuẩn quốc tế để nắm bắt chặt chẽ luật chơi trên sân chơi thương mại toàn cầu. 

Thứ hai, New Zealand ý thức được vai trò của đa dạng hóa sản phẩm nông sản nói riêng và sản phẩm xuất khẩu nói chung trong chuỗi giá trị toàn cầu. 

Thứ ba, Chính phủ với những hành động quyết liệt trong việc liên kết chặt chẽ giữa các bên, thúc đẩy chuyên môn hóa và hợp tác trong nước, tạo nên chuỗi sản xuất - xuất khẩu. 

Cuối cùng và cũng quan trọng nhất là ưu tiên một số ngành xuất khẩu nhất định để tận dụng thích hợp và khai thác tối đa những tài nguyên, nguồn lực trong nước.

Bà Lisa nhận định, đây là một câu chuyện dài hạn và khó khăn, nhưng cần thiết trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay khi các nền kinh tế đang hướng tới phát triển bền vững. 

"Với New Zealand, mục tiêu của chúng tôi không phải trở thành nhà sản xuất lớn nhất, mà là trở thành nhà sản xuất thu về nhiều lợi nhuận nhất. Tôi hiểu rằng mỗi nền kinh tế có một bối cảnh văn hóa xã hội, kinh tế khác nhau. Tuy nhiên, toàn cầu hóa là xu hướng chung mà chúng ta hướng tới", Tham tán nông nghiệp New Zealand cho biết.