TP. HCM và nhiều tỉnh phía Bắc đứng trước nguy cơ ngập lụt vì nước biển dâng

Nguyễn Hoài - 14:12, 30/10/2019

TheLEADERTheo dự báo, sẽ có thêm hàng chục triệu người Việt Nam sống trên đất liền bị ảnh hưởng bởi nguy cơ ngập lụt ven biển liên quan đến biến đổi khí hậu.

Một nghiên cứu công bố bởi Climate Central mới đây cho thấy mực nước biển sẽ dâng cao hơn so với những gì các nhà khoa học từng dự đoán.

Theo đó, thay vì một phần của Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM như các dự đoán trước đây, gần như toàn bộ diện tích miền Nam sẽ ở dưới mực nước biển trước năm 2050, ảnh hưởng tới khoảng hơn 20 triệu người, tương đương gần 1/4 số dân cư sinh sống ở khu vực này.

Ở phía Bắc, các tỉnh ven và gần biển như Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Hà Tĩnh cũng có nguy cơ mất một phần lớn diện tích do nước biển dâng. Trong đó Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình có khả năng nằm ở dưới nước hoàn toàn.

31 triệu người Việt Nam, tương đương khoảng 1/3 dân số sẽ phải đối mặt với các đợt ngập lụt mặn thường xuyên và nguy cơ di dân vì mất đất đến trước năm 2050. Con số này gấp gần 3,5 lần so với dự báo trước đây.

Không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia khác cũng thuộc nhóm nước phải đối mặt với các mối đe dọa ngập lụt hàng năm vào năm 2050, bao gồm Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan.

Khoảng 237 triệu người dân của 6 quốc qia châu Á này sẽ bị ảnh hưởng, cao hơn nhiều con số 183 triệu người của các đánh giá trước đó. Tại từng quốc gia, số người dự báo bị ảnh hưởng gia tăng mạnh, từ 3 – 12 lần.

Đến năm 2100, nếu những đánh giá này tính đến việc phát thải không được kiểm soát và nguy cơ băng tan sớm, 250 triệu người của nhóm 6 quốc gia trên sẽ bị chìm dưới mức thủy triều cao, gấp gần 5 lần so với con số đánh giá dựa trên dữ liệu độ cao hiện có.

TS. Scott Kulp, nhà khoa học cao cấp tại Climate Central và tác giả chính của nghiên cứu, cho biết những đánh giá này cho thấy khả năng của biến đổi khí hậu trong việc định hình lại các thành phố, nền kinh tế, bờ biển và toàn bộ các khu vực trên toàn cầu trong cuộc sống của chúng ta.

“Khi thuỷ triều tăng cao hơn nơi mà mọi người gọi là nhà, các quốc gia sẽ ngày càng phải đối mặt với những câu hỏi liệu rằng, tốn bao nhiêu và mất bao lâu để việc phòng chống ngập ven biển có thể bảo vệ họ”.

Mạng lưới Báo chí Biến đổi Khí hậu và Năng lượng (MDI) đánh giá mất đất do nước biển dâng sẽ không những là hiểm hoạ về môi trường với các đợt ngập lụt mặn thường xuyên hơn, mà còn có nguy cơ gây khủng hoảng về di dân, đe doạ tới ổn định xã hội, kinh tế và chính trị của các khu vực bị ảnh hưởng.