TP.HCM chặn dịch tả heo Châu Phi 'từ cửa ngõ đến lò mổ'

Hứa Phương - 17:00, 12/03/2019

TheLEADERTrước tình trạng dịch tả heo Châu Phi đang lan nhanh ở các tỉnh phía Bắc, lực lượng chức năng TP.HCM đã ráo riết thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh lây lan từ cửa ngõ đến lò mổ, chợ đầu mối.

Giám sát chặt chẽ

Rạng sáng 12/3 Ban quản lý An toàn thực phẩm (BQL ATTP) phối hợp cùng Chi cục Thú y & Chăn nuôi TP.HCM đã đi kiểm tra công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình giết mổ tại các cơ sở giết mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi), Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) và việc truy xuất nguồn gốc tại các chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền để phòng ngừa sự lây lan của dịch tả heo Châu Phi và các dịch bệnh khác.

Giữa ‘tâm bão’ dịch tả heo Châu Phi, TP.HCM phòng thế nào?
Ban Quản lý An toàn thực phẩm phối hợp cùng Chi cục Thú y & Chăn nuôi TP.HCM đã đi kiểm tra công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban ATTP TP.HCM, thành phố là một trong những địa phương tiêu thụ thịt heo lớn nhất cả nước với số lượng khoảng 10.000 con mỗi ngày (tương đương với 800 tấn). Do vậy, công tác phòng chống dịch luôn được đặt lên hàng đầu.

Bà Lan cho biết thêm, với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các ban ngành, thường xuyên có những đoàn kiểm tra, giám soát từ cửa ngõ, lò mổ, ra chợ đầu mối... nguồn heo tiêu thụ trên địa bàn TP.HCM đến nay vẫn được đảm bảo an toàn, chưa có dấu hiệu lây lan của dịch bệnh. Vì vậy, dù giá heo bán lẻ ở các tỉnh phía Bắc giảm mạnh từ 10.000 - 12.000 đồng/kg thì giá heo ở TP.HCM không biến động nhiều.

Còn ông Huỳnh Tấn Phát, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y & Chăn nuôi TP.HCM thì hiện nguồn heo nhập về chủ yếu từ các tỉnh Đông Nam Bộ. Từ ngày 25/2, TP.HCM đã yêu cầu các cơ sở giết mổ không tiếp nhận nguồn heo từ phía Bắc đưa vào. Tất cả heo nhập về cơ sở giết mổ phải có giấy chứng nhận kiểm dịch và đối với phương tiện xe vận chuyển heo phải có niêm phong của chi cục thú y liên tỉnh.

Ông Lê Văn Tiễn, Phó giám đốc chợ đầu mối Nông sản thực phẩm Hóc Môn cho biết, bình quân mỗi đêm nhập về 5.200 con/đêm thì hiện nay số lượng giảm xuống chỉ còn 4.800-5.000 con. Theo ghi nhận tại chợ đầu mối Bình Điền lượng heo nhập về cũng giảm khoảng 200-300 con/ngày so với bình thường. 

Tại cơ sở giết mổ Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn), số lượng giết mổ cũng giảm xuống còn 1.200 – 1.300 so với tổng công suất thường ngày 1.500 con.

Các sở ngành cùng vào cuộc

Trước đó, tại cuộc họp kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng sáng 5/3 của UBND TP.HCM, việc phòng chống dịch tả heo Châu Phi cũng đã làm nóng nghị trường. Theo ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương thì đơn vị đã làm việc với 3 nhà cung cấp lớn để nắm nguồn hàng nhằm chủ động nguồn cung cho người dân khi cần thiết.

Giữa ‘tâm bão’ dịch tả heo Châu Phi, TP.HCM phòng thế nào? 1
Những cửa ngõ vào TP.HCM cũng được lực lượng chuyên môn tăng cường kiểm tra

Ông Kiên cho biết, công ty Vissan đã thu mua dự trữ khoảng 3.000 tấn, ngoài ra Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn cũng chuẩn bị sẵn hàng ngàn con heo thịt, giống.

“Trường hợp xấu nhất là dịch xảy ra và có biến động lớn, TP.HCM sẽ nhập khẩu thịt từ các nước lân cận. Sở Công thương cũng làm việc với các đơn vị chăn nuôi gà để chuẩn bị nguồn hàng, phòng trường hợp người dân lo sợ dịch sẽ chuyển sang ăn thịt gia cầm”, ông Kiên nói.

Còn ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin, TP.HCM không nhận nguồn heo từ phía Bắc, nhưng vì dịch phát sinh từ các tỉnh phía Bắc nên giá heo tại đây đang rẻ hơn các tỉnh phía Nam dẫn đến hiện tượng chuyển heo vào. 

Vì vậy TP.HCM phải tổ chức kiểm soát chặt tại các trạm đầu mối, trục giao thông chính đi các tỉnh và các cơ sở giết mổ, chợ đầu mối.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm nhấn mạnh các sở ngành cần thực hiện quyết liệt các giải pháp, tuyệt đối không để xảy ra dịch bệnh. 

“Thành phố là nơi tiêu thụ lớn nhất nước, mình phải kiểm soát không cho heo bệnh lọt vào, bởi nếu nếu lọt vào sẽ lây lan mạnh”, ông Liêm nhấn mạnh.