Trăn trở của một chủ đầu tư bất động sản trong vùng đất di sản

Phương Linh - 15:11, 20/10/2021

TheLEADERViệc phát triển một dự án nghỉ dưỡng vừa mang hơi thở đương đại, vừa kế thừa trọn vẹn, bảo tồn và phát huy không ngừng những giá trị vàng son của thương cảng Hội An phồn hoa một thuở là điều không đơn giản.

Trăn trở của một chủ đầu tư bất động sản trong vùng đất di sản
Phối cảnh dự án Hoian d’Or, phường Cẩm Nam, TP. Hội An.

Giá trị của vùng đất di sản

Lần đầu tiên đặt chân đến Hội An từ cách đây hơn 30 năm, nhiếp ảnh gia Dương Minh Long đã ấn tượng với vùng đất có sức gây thương nhớ vô cùng đặc biệt.

Ông Long nhớ những buổi sáng sớm tinh mơ, tiếng đạp xe lách cách trong từng con phố nhỏ, tiếng trò chuyện của những nhóm học sinh đến trường, tiếng lao xao của phố phường, tiếng chim hót trong những tán cây cổ thụ... Mọi nét sinh hoạt đời sống đều chậm rãi, nhẹ nhàng, như một nét đẹp rất riêng của phố cổ.

Ông nhớ những vết tích cổ kính còn ngưng đọng trên từng mái nhà, con phố. Đó là màu nâu của mái ngói cổ, màu vàng pháp xưa của những mảng tường nhà, màu rêu phong trầm mặc của từng mái ngói, con ngõ đã trải qua nhiều thế kỷ.

Với vị nhiếp ảnh gia này, tinh thần Hội An, không khí thanh bình và vẻ đẹp chất phác, mộc mạc của con người phố Hội đã níu giữ bước chân ông ở lại và gắn bó với vùng đất này.

Cũng đặt chân tới nơi đây từ hơn 11 năm trước, Hội An trong mắt ông Vũ Văn Thành, Tổng giám đốc Công ty TNHH Du lịch sinh thái Cồn Bắp, cũng là mảnh đất để thương, để nhớ và để trở về. Tình yêu của ông với Hội An, càng qua năm tháng càng bền chặt, càng gắn bó càng thấu cảm và sâu sắc.

Ông Thành chia sẻ: "Hội An bé xíu như lòng bàn tay, nhưng để khám phá và hiểu hết, lại cần đến cả một đời người. Để thích Hội An thì rất nhanh, để đi hết Hội An chỉ cần một ngày đường, nhưng để yêu thương thì có lẽ cần đến cả cuộc đời".

Hội An nhỏ về diện tích nhưng không nhỏ về những giá trị văn hoá, giá trị vô hình mà mảnh đất, con người nơi đây mang lại. Người dân Hội An mộc mạc, thật thà, dung dị mà không nơi nào có được. Họ sẵn sàng giúp đỡ mọi người rất nhiệt tình, không vụ lợi. Chính “tình người” ở nơi đây là yếu tố khiến ông cảm thấy gần gũi, muốn gắn bó, càng khám phá càng thấy thú vị, không muốn rời xa.

Có một tình yêu sâu đậm đối với Hội An, nhưng có lẽ, cả ông Thành và ông Long đều không phải những người duy nhất bị mảnh đất này hấp dẫn, mê hoặc.

Những năm trở lại đây, ngành du lịch Hội An đã chứng kiến bước phát triển đột phá. Hội An đang trở thành một trong những điểm đến yêu thích hàng đầu của du khách Việt Nam và trên thế giới.

Năm 2019, trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, tổng lượt khách tham quan lưu trú đến Hội An ước đạt 5,35 triệu lượt, tăng 5,24% so với cùng kỳ (khách quốc tế đạt 4 triệu lượt, tăng 5,16%). Tổng lượt khách lưu trú đạt hơn 1,97 triệu lượt, tăng 13,56%, bình quân ngày khách lưu trú đạt 2,07 ngày. Doanh thu vé tham quan phố cổ đạt hơn 287 tỷ đồng.

Đáng chú ý, du lịch Hội An tiếp tục được bình chọn và đạt nhiều giải thưởng quốc tế uy tín như “Thành phố tuyệt vời nhất thế giới”, “Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á”.

Dự kiến đến năm 2025, khách du lịch đến Hội An sẽ đạt hơn 10 triệu lượt, trong đó, 50% là khách quốc tế. Đến năm 2030, Hội An dự kiến sẽ thu hút 18 triệu lượt khách du lịch (hơn 55% là khách quốc tế).

Sự phát triển mạnh mẽ về du lịch đã kéo theo nhu cầu rất lớn đối với thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Theo chuyên gia kinh tế, tiến sỹ Cấn Văn Lực, ở Hội An không chỉ có tiềm năng du lịch mà còn có nền tảng kinh tế xã hội tốt, quy hoạch giao thông thuận tiện. Đây chính là những yếu tố quan trọng giúp thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phát triển.

Minh chứng là thời gian gần đây, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Hội An rất sôi động với nhiều dự án mới được triển khai.

Tuy nhiên, sự bùng nổ của những dự án bất động sản du lịch cũng chính là điều kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào, nhà sáng lập Văn phòng Kiến trúc 1+1>2 lo ngại. Theo ông Hào, Hội An vừa quen mà vừa lạ, hình thái kiến trúc của nơi đây không hẳn là gốc Việt Nam thuần tuý nhưng lại "rất Việt Nam". Nó dung hoà được tất cả các nền văn hoá khác nơi thương cảng nhưng vẫn chọn được những nét rất riêng cho mình.

Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, quá trình phát triển, mở rộng của thành phố, nét đẹp trong văn hoá, kiến trúc Hội An vẫn luôn được bảo tồn, lưu giữ. Tinh thần, nét đẹp Hội An không vì sự phát triển của đời sống đô thị, du lịch mà mất đi. Để có được điều này đòi hỏi các cơ quan chính quyền địa phương phải rất chặt chẽ trong công tác quản lý cũng như sự phát triển chuẩn chỉ của chính các dự án bất động sản. 

Song thực tế cho thấy, không phải dự án nào cũng làm được điều này. Việc phát triển một dự án nghỉ dưỡng vừa mang hơi thở đương đại, vừa kế thừa trọn vẹn, bảo tồn và phát huy không ngừng những giá trị vàng son của thương cảng phồn hoa một thuở là điều không đơn giản, ông Hào nhận định.

Bài toán tổng hoà giữa lưu giữ những giá trị xưa cũ và tính đương đại

Vấn đề làm thế nào để phát triển được một dự án bất động sản nghỉ dưỡng vừa hiện đại vừa lưu giữ được những nét kiến trúc độc đáo và giá trị văn hóa đặc sắc sắc của Hội An cũng là câu hỏi khiến ông Thành luôn trăn trở.

Ngay từ khi bắt tay vào phát triển dự án Hoian d’Or (phường Cẩm Nam, TP. Hội An), ông và các cộng sự đã nghiên cứu rất kỹ về hướng phát triển cho dự án. "Hội An vốn là Di sản văn hóa thế giới nên các công trình văn hóa mới khi đưa đến với Hội An phải làm thế nào để vừa gìn giữ, tôn tạo, bồi đắp cho những giá trị cốt lõi, vừa thổi vào những ngôn ngữ mới, làm đa dạng cho văn hóa, kiến trúc nơi đây", ông Thành ưu tư.

Ba yếu tố tạo nên giá trị bền vững của dự án Hoian d’Or 1
Công trường dự án Hoian d’Or vẫn thi công vượt tiến độ trong đại dịch

Theo đó, từ việc sở hữu vị trí vàng, nằm trong thành phố di sản, bên dòng Thu Bồn, cách phố cổ chỉ 800m, bản thân dự án đã được hưởng lợi rất nhiều từ lượng khách du lịch và các giá trị mà Hội An có sẵn mang lại. Vì vậy, dự án cần phải ý thức rất rõ vấn đề bảo tồn để phát huy những giá trị của phố cổ, những điều người dân và phố cổ Hội An đã làm tốt rồi, dự án sẽ làm tốt hơn.

Không phủ nhận điều này sẽ gây những khó khăn nhất định trong việc phát triển dự án, song ông Thành cho rằng, điều quan trọng là doanh nghiệp bất động sản nhìn khó khăn ở góc độ nào.

Đơn cử như việc đầu tư dự án bất động sản tại Hội An rất khác các địa phương khác. Tại đây, ngoài các thủ tục đầu tư dự án thông thường, còn có luật di sản và quy chế quản lý đô thị rất chặt chẽ. Bởi với người dân và chính quyền nơi đây coi di sản phố cổ bảo vật, họ rất sợ những ai đến phá nát những cái đang có.

Ở Hội An, mật độ xây dựng rất thấp, thành phố không cho phép xây dựng dự án cao tầng. Với các dự án ven sông, chiều cao chỉ 10,3m, cao nhất cũng chỉ 13,5m.

Bên cạnh đó, về kiến trúc, tất cả các công trình đều phải lợp ngói, các ban công đều phải có ngôn ngữ của kiến trúc cổ. Mặc dù dự án có thể mang hơi thở đương đại nhưng tinh thần Hội An vẫn phải xuyên suốt.

"Chính vì những quy định như vậy nên nếu doanh nghiệp không thấu hiểu, không có tinh thần đầu tư nghiêm chỉnh, sẽ rất khó có thể phát triển dự án ở đây. Song, với Công ty TNHH Du lịch sinh thái Cồn Bắp và dự án Hoian d’Or, chúng tôi coi đó là điều may mắn", vị lãnh đạo này chia sẻ và cho rằng, chính sự quản lý chặt chẽ của chính quyền địa phương nên nhà đầu tư mới yên tâm vào Hội An.

Sự lưu giữ và kế thừa những giá trị xưa cũ khiến cho giữa dự án Hoian d’Or và phố cổ có sự đồng điệu, từ đó mang giá trị cộng hưởng rất lớn và bền vững theo thời gian cho dự án.

Đồng quan điểm, ông Pierre Huyard, đại diện Công ty Kiến trúc Huni cũng cho rằng, bài toán kiến trúc để có một dự án bất động sản nghỉ dưỡng vừa sang trọng, đương đại, vừa mang dáng dấp của phố cổ là điều không đơn giản.

Dự án không nên rập khuôn theo kiến trúc cổ của Hội An, nhưng nếu áp dụng những thiết kế quá hiện đại thì cũng là sự không phù hợp với vị trí liền kề phố cổ của dự án.

Sau khi nghiên cứu cấu tạo kiến trúc phố cổ tại Hội An, các kiến trúc sư của Huni đã tìm ra hướng đi mới là vận dụng những tỷ lệ kiến trúc chắt lọc và đơn giản hoá các đường nét của mái ngói, bờ chảy của kiến trúc Hội An để áp dụng vào phong cách kiến trúc đương đại của công trình.

Bên cạnh nét kiến trúc, sự hòa quyện giữa một Hoian d’Or vừa đẳng cấp vừa mang đậm dấu ấn bản địa còn được thể hiện ở bố cục cảnh quan toàn dự án. Theo ông Pierre, dự án có 3 khu chính: Khu công viên nông nghiệp giữ lại giá trị sinh thái Cồn Bắp, khu vực ven sông Thu Bồn được xây dựng các khách sạn và khu nghỉ dưỡng cao cấp và khu lõi của dự án là khu phố đi bộ mua sắm thương mại sầm uất, nhộn nhịp.

Các trục phố thương mại được thiết kế với chủ đề và cảnh quan khác nhau sẽ dắt du khách đến quảng trường trung tâm, điểm nhấn là bến du thuyền tái hiện hình ảnh thương cảng xưa. Quảng trường tượng trưng cho sự giao thoa giữa các nền văn hoá đã hình thành tại Hội An hàng trăm năm nay và tiếp tục cộng hưởng phát triển hòa nhập với nền kinh tế - văn hoá quốc tế

Trên một bức tranh tổng thể với nhiều gam màu chủ đạo về sinh thái, văn hoá thương mại, ông Pierre cho rằng, dự án đã đem lại cho mảnh đất này sự phồn vinh, sang trọng cao cấp, một sự kết hợp đậm nét giữa văn hoá truyền thống và nhịp sống của Hội An đương đại.

Không chỉ là du lịch mà còn là điểm đến văn hoá - lễ hội

Không chỉ là một dự án nghỉ dưỡng, tại Hoian d’Or, tâm huyết của chủ đầu tư còn là tạo ra một dự án du lịch sinh thái, chăm sóc sức khỏe và trải nghiệm văn hoá, làm phong phú thêm đời sống của di sản Hội An.

Ngoài việc đến Hội An để thăm phố cổ, nghe bài chòi, tắm biển Cửa Đại, đạp xe ở làng rau Trà Quế, du khách đến Hoian d’Or còn có thêm trải nghiệm về văn hoá tại không gian văn hoá Trịnh Công Sơn, gốm Chu Đậu, khu sinh thái nông nghiệp hữu cơ, chuỗi nhà hàng ẩm thực cao cấp...

Ba yếu tố tạo nên giá trị bền vững của dự án Hoian d’Or 2
Không gian trải nghiệm du lịch sinh thái của dự án Hoian d’Or

Theo kiến trúc sư Lê Tuấn Long, Tổng giám đốc công ty kiến trúc phong cảnh Eden Landscape, xuyên suốt những nét văn hoá đặc trưng của Hội An, không chỉ có khu phố cổ mà còn các khu phụ cận.

Trong đó, một trong những trải nghiệm thú vị tại Hội An là vùng sản xuất nông nghiệp. Tại đây, cuộc sống của người dân vẫn "chậm rãi, nền nã, trong veo". Đây chính là một nét đẹp vốn có của người Hội An. Chính vì vậy, khi đưa khu nông nghiệp hữu cơ vào dự án Hoian d’Or, đó không phải là một tiện ích gia tăng của dự án mà chính là một điểm đến trong điểm đến.

Dự án dành tới hơn 5ha diện tích để dành cho không gian du lịch sinh thái, nông nghiệp. Tại đây, du khách sẽ được khám phá khu vườn nông nghiệp hữu cơ, khu dược liệu, bảo tồn, lưu giữ nhiều bài thuốc quý, khu vực trồng ngô như đúng truyền thống lâu đời của người dân Cồn Bắp và tản bộ trên cây cầu ngắm cảnh trên không, phóng tầm mắt bao quát toàn bộ miền đảo giữa bốn bề sông nước.

Bên cạnh đó, đảo dịch vụ với những công trình xanh độc đáo như Trà Đạo, Nhà hàng chay – Café do kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa thiết kế cùng với khu vực bể bơi thuỷ sinh, bến du thuyền sang trọng, nhà hàng đặc sản ven sông, trung tâm thương mại và hội nghị, chòi ngắm cảnh trên cao hay các khu vực tổ chức sự kiện ngoài trời… sẽ mang đến không gian trải nghiệm đáp ứng nhu cầu của du khách. 

Các tiện ích này sẽ giúp gia tăng trải nghiệm cho du khách khi đến với dự án Hoian d'Or. Đặc biệt là trong xu thế du lịch sinh thái nông nghiệp đang ngày càng phát triển và nhận được sự quan tâm rất lớn của khách du lịch hiện nay, ông Long nhận định.

Một công trình trải nghiệm văn hóa đáng chú ý khác của dự án là không gian văn hóa trên đảo Cồn Bắp do kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào thiết kế. Trong đó bao gồm không gian văn hoá Trịnh Công Sơn, nơi trưng bày nhật ký và hàng trăm các ghi chép của nhạc sĩ cùng gần 700 tấm phim gốc của nhiếp ảnh gia Dương Minh Long chụp cố nhạc sỹ trong suốt 15 năm; không gian trưng bày gốm Chu Đậu với hàng nghìn hiện vật gốm Chu Đậu nổi tiếng được khai thác từ biển Cửa Đại - chứng vật lịch sử cho thời kỳ giao thương phồn thịnh "trên bến dưới thuyền" của thương cảng Hội An từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19.

Ngoài ra, còn có không gian nhạc cụ của 54 dân tộc Việt Nam, không gian trưng bày thuyền mành của ba miền qua nhiều thế kỷ; nhà sách, café tranh ảnh lịch sử, sân khấu biểu diễn nghệ thuật và âm nhạc ngoài trời.

Kiến trúc công trình được lấy cảm hứng từ ca khúc "Nối vòng tay lớn" và từ các hình tượng nón lá, tà áo dài, tượng trưng cho cảnh vật, con người Việt Nam. Khi đi vào hoạt động, công trình chắc chắn sẽ mang đến nhiều trải nghiệm cho khách du lịch, trở thành nơi giao thoa, làm phong phú thêm cho đời sống văn hóa vốn có của di sản.

Theo ông Vũ Văn Thành, những công trình kiến trúc mang đậm tính văn hoá này nhằm hướng sự phát triển du lịch theo chiều sâu cho dự án Hoian d'Or. Nếu như ở các dự án du lịch khác, du khách chỉ đến nghỉ ngơi, tắm biển rồi về thì tại nơi đây, chủ đầu tư đã phát triển một dự án với tính "hội" và tính giải trí rất cao giúp tạo ra sự khác biệt trong trải nghiệm của khách du lịch.

"Những nét đẹp văn hoá mà ở nơi nào đó tại Việt Nam đã mai một, hoặc có thể đã đánh mất, du khách hoàn toàn có thể tìm thấy nó được tái hiện tại Hội An và Hoian d'Or. Qua đó, dự án sẽ hấp dẫn thêm nhiều hơn du khách đến với Hội An. Đây chính là giá trị du lịch bền vững mà dự án hướng tới," ông Thành nhấn mạnh.