Triệu tập Thứ trưởng tới vụ xử VN Pharma: "Tòa đã triệu tập là phải đến"

N.Huyền - 14:10, 25/10/2017

Trường hợp nhân chứng được tòa triệu tập nhiều lần mà không đến, không có lý do chính đáng thì cơ quan pháp luật có biện pháp dẫn giải. Tòa đã triệu tập là phải đến. Nếu tòa mời, họ có thể có lý do nào đó mà không dự.

Triệu tập Thứ trưởng tới vụ xử VN Pharma: "Tòa đã triệu tập là phải đến"
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa

Sáng nay 25/10, trao đổi với báo chí về trường hợp Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường vắng mặt tại phiên tòa xét xử vụ VN Pharma sau khi được Tòa triệu tập, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa - Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết: Việc tham gia phiên tòa có nhiều tư cách. Đối với các phiên tòa, người tham gia không phải nguyên đơn, bị đơn hoặc bị cáo thì có thể là những người có liên quan như nhân chứng, các vị trí khác… thì tòa có thể mời anh tham dự hoặc triệu tập.

“Nếu tòa triệu tập anh phải đến, nếu không đến là vi phạm pháp luật. Trừ phi, anh có đơn từ xin vắng có lý do chính đáng phù hợp với quy định pháp luật” – Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Theo Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, pháp luật quy định rất rõ các trường hợp có thể vắng. Thậm chí, có những trường hợp được triệu tập mà vắng, phiên tòa còn phải hoãn lại, đình chỉ hoặc người được triệu tập nhưng đi không đúng thành phần thì tòa cũng không xử được phải hoãn lại.

Tuy nhiên, một lần nữa Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh, tòa đã triệu tập thì phải có mặt. Trong trường hợp tòa triệu tập lãnh đạo, người có thẩm quyền của cơ quan chứ không phải cá nhân thì cơ quan đó phải cử người có thẩm quyền để tham dự phiên tòa. Người đến dự có đúng thẩm quyền hay không là do tòa quyết định.

“Có trường hợp, tòa triệu tập đích danh người đó vì vai trò của họ trong vụ việc (cả dân sự, hình sự). Họ có thể xin vắng nhưng phải có lý do phù hợp với pháp luật và được hội đồng xét xử chấp thuận. Trường hợp được triệu tập mà vắng không có lý do chính đáng hoặc xin phép mà không được chấp thuận là thể hiện việc chấp hành pháp luật không nghiêm chỉnh”- Đại biểu Trương Trọng nghĩa nhắc lại.

Phân tích tình huống, nếu tòa triệu tập nhưng nhân chứng không đến sẽ được xử lý như thế nào, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, một số trường hợp triệu tập không đến phải có chế tài.

“Tôi ví dụ như trường hợp nhân chứng được tòa triệu tập nhiều lần mà không đến, không có lý do chính đáng thì cơ quan pháp luật vẫn có biện pháp dẫn giải. Nói chung, tòa đã triệu tập là phải đến. Nếu tòa mời, họ có thể có lý do nào đó mà không dự. Nếu mời mà các thành phần không đến dự ảnh hưởng thế nào đến tố tụng là do hội đồng xét xử xem xét”- Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về ý thức pháp luật của ông Trương Quốc Cường nếu đúng tòa triệu tập đích danh ông nhưng không có mặt, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng: “Bất kỳ một công dân nào nhận được giấy triệu tập của tòa, tức là tòa có quyền yêu cầu anh có mặt. Anh phải tham gia và có quyền trả lời các câu hỏi của hội đồng xét xử. Nếu anh không đến, anh bắt buộc phải có phản hồi, phản hồi đó phải được tòa án đồng ý. Ví dụ như hôm đó anh bị bệnh anh không đến được, đó là lý do khách quan nhưng phải có văn bản và được hội đồng xét xử chấp thuận, trừ trường hợp người đó đi cấp cứu và sau đó vẫn phải báo cáo bằng văn bản”.

Theo thông tin tại tòa, sau khi hội đồng xét xử tuyên bố tạm nghỉ buổi xét hỏi, Phó vụ trưởng Vụ pháp chế Đỗ Trung Hưng cho biết Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường “gọi điện cho biết không nhận được giấy mời cũng như lệnh triệu tập của tòa nên ông Cường đã không đến tham dự phiên xử”. Bình luận về thông tin này, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh: “Theo kinh nghiệm của tôi, thông thường với các vụ án lớn, việc tống đạt các giấy triệu tập họ làm rất kỹ. Vì thế, việc không nhận được giấy triệu tập rất là hãn hữu. Đối với các trường hợp triệu tập, trước khi mở phiên tòa, tòa án bao giờ cũng thẩm tra lại việc tống đạt đó”.