Trung Quốc và Úc giúp đẩy giá than châu Á tăng cao

Phương Anh - 16:14, 29/11/2017

TheLEADERGiá than giao ngay đã tăng khoảng 30% so với mức thấp của năm nay do những biến động từ thị trường Trung Quốc và Úc.

Trung Quốc và Úc giúp đẩy giá than châu Á tăng cao
Khai thác than tại Úc. Ảnh: LinkedIn

Giá than được sử dụng trong sản xuất điện đã tăng mạnh tại châu Á. Hiện mức giá than chuẩn của Úc là 95 USD/ tấn, cao hơn 30% so với mức thấp nhất vào tháng Năm và điều này phản ánh xu hướng nhập khẩu nhanh của Trung Quốc.

Sự hợp nhất của số lượng nhỏ những công ty thống lĩnh thị trường Úc - quốc gia sản xuất than chủ lực của châu Á được dự báo sẽ làm mức giá tăng nhanh hơn nữa.

Theo ông Kiah Wei Giam - nhà phân tích của công ty nghiên cứu Wood Mackenzie cho biết trong 9 tháng đầu năm nay, mức nhập than nhiệt điện của Trung Quốc thông qua cảng biển đã tăng 6% so với cùng kì năm ngoái.

Những hạn chế của Trung Quốc trong việc sản xuất than là một trong những lý do khiến giá của sản phẩm này tăng thêm. Theo các nhà phân tích, chính phủ Trung Quốc đã thu hẹp sản xuất nhằn hạn chế tai nạn khai khác trước khi diễn ra Đại hội Đảng Trung Quốc vào tháng Mười vừa qua.

Để đáp ứng được mức thâm hụt do giảm sản xuất, Trung Quốc đã tìm kiếm cũng như tăng việc nhập khẩu than nhiệt điện. Kể từ mùa hè năm nay, nhu cầu về than đá của Trung Quốc đã tăng hơn 20%.

Than chiếm tới 60% lượng tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc. Mặc dù quốc gia này đang gia tăng việc nhập khẩu khí tự nhiên vì lý do môi trường, việc tiêu thụ điện năng ngày càng tăng vẫn phụ thuộc nhiều vào than đá. Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự báo nhu cầu than nhiệt điện sẽ tăng mạnh đến năm 2030.

Những thay đổi quan trọng trong cơ cấu nguồn cung tại thị trường Úc cũng là yếu tố khiến giá than tăng cao.

Vào tháng 6, Rio Tinto - công ty liên kết khai thác mỏ giữa Úc và Anh đã thông báo việc bán chi nhánh than nhiệt điện tại Úc cho Tập đoàn Yancoal của Trung Quốc.

Vào tháng 7, công ty thương mại hàng hóa và khai thác mỏ Thụy Sĩ Glencore đã đạt được thỏa thuận với Yancoal trong việc mua lại 49% cổ phần tại một mỏ lớn mà Yancoal sở hữu lại từ Rio Tinto.

Cơ quan Tài nguyên và Năng lượng Nhật Bản cho biết Glencore dự kiến sẽ tăng tỷ trọng của công ty này trong việc khai thác than xuất khẩu từ 26% lên 29%. Nếu việc hợp nhất các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục, việc thỏa thuận giá sẽ ngày càng trở nên khó khăn.

Một đối thủ có thể tạo ra sự cân bằng với Úc chính là Nga khi nước này có kế hoạch sẽ tăng sản lượng xuất khẩu sang thị trường châu Á trong bối cảnh châu Âu đang dần quay lưng lại với việc sản xuất năng lượng từ than đá.