Truy xuất nguồn gốc: Yêu cầu bắt buộc cho nông sản Việt

Phạm Sơn - 12:34, 14/07/2021

TheLEADERTheo đại diện Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, việc đáp ứng khả năng truy xuất nguồn gốc của nông sản cần được triển khai đối với cả nông sản phục vụ tại thị trường nội địa để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Truy xuất nguồn gốc: Yêu cầu bắt buộc cho nông sản Việt
Truy xuất nguồn gốc đang trở thành tiêu chuẩn chung cho nông sản tại các thị trường phát triển như Mỹ, Úc, Nhật Bản, châu Âu. Ảnh: Báo Lao động.

Năm 2017, ngành đánh bắt thủy hải sản Việt Nam phải nhận cảnh cáo thẻ vàng của Ủy ban châu Âu về các hành vi IUU (đánh bắt thủy hải sản trái phép, không khai báo và không theo quy định.

Đến nay, gần 4 năm đã trôi qua, dù có sự nỗ lực vào cuộc từ phía Chính phủ, chính quyền các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, quá trình gỡ thẻ vàng vẫn đang vấp phải nhiều khó khăn.

Một trong những lý do là bởi Ủy ban châu Âu đưa ra yêu cầu tương đối khắt khe về vấn đề truy xuất nguồn gốc để xem xét gỡ thẻ vàng đối với thủy hải sản của Việt Nam.

Thực tế, truy xuất nguồn gốc đang trở thành tiêu chuẩn chung cho nông sản tại các thị trường phát triển như Mỹ, Úc, Nhật Bản, châu Âu… Việc truy xuất nguồn gốc đảm bảo tính minh bạch hóa của toàn bộ chuỗi cung ứng cho nông sản, giúp người tiêu dùng và cơ quan quản lý thị trường dễ dàng truy cập và theo dõi thông tin nông sản từ nơi nuôi trồng, khai thác cho tới khi vận chuyển, chế biến và tung ra thị trường.

Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sinh cho biết, truy xuất nguồn gốc của nông sản là cơ sở để các thị trường khó tính xác nhận tính bền vững của nông sản Việt Nam.

Truy xuất nguồn gốc cho cả hàng tiêu thụ trong nước

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, vai trò của truy xuất nguồn gốc có thể nói đơn giản là “muốn xuất khẩu được thì phải truy xuất nguồn gốc được”.

Trong bối cảnh nhiều hiệp định tự do thương mại được ký kết, truy xuất nguồn gốc là điều kiện quan trọng để nông sản Việt Nam tận dụng được lợi thế.

Mặt khác, không chỉ để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, hiện nay Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang có kế hoạch áp dụng truy xuất nguồn gốc nông sản đối với cả thị trường tiêu thụ nội địa. Điều này đem lại lợi ích vẹn toàn cho tất cả các bên trong chuỗi cung ứng nông sản.

“Người tiêu dùng phải biết được nông sản làm ra như thế nào, chăm sóc thế nào, vận chuyển thế nào. Người nông dân được làm chủ trên chính sản phẩm của họ, còn cộng đồng doanh nghiệp cũng dễ dàng thương mại hóa nông sản”, ông Toản lý giải.

Triển khai áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho nông sản cần đi theo 2 hướng, bao gồm đảm bảo chất lượng của nông sản qua từng khâu trong chuỗi cung ứng và tiến hành theo dõi, chuẩn hóa quá trình, số hóa dữ liệu để tổng hợp thông tin cho nông sản.

Đối với mỗi dạng hình sản phẩm, từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng hay khai thác đều phải có những cách thức tiếp cận riêng, áp dụng công nghệ và quy trình riêng.

Các công đoạn để tiến hành đều rất khó có thể triển khai do những rào cản trong công nghệ, kinh nghiệm quản lý cũng như ngay từ chính ý thức của người nông dân và bà con thương lái.

Tuy nhiên, theo ông Toản, để thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc cho nông sản, cần nhất là xuất phát từ sự “tự thân” của chính bà con nông dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Theo đó, doanh nghiệp phải kiên quyết “nói không” với những loại nông sản không rõ nguồn gốc, chủ động thuyết phục, tập huấn cho người nông dân. Người nông dân cũng cần cởi mở trong suy nghĩ, mạnh dạn thay đổi phương thức canh tác truyền thống để tạo ra lợi ích lâu dài. Thực tế, trong bối cảnh dịch bệnh khiến chuỗi cung ứng bị đứt quãng, chính những tư duy mới, cách làm mới đã giúp nông sản lưu thông một cách thông suốt, giúp bà con nông dân tránh được thiệt hại.

“Việc phải làm rất nhiều, đặt ra trách nhiệm cho cả doanh nghiệp và người nông dân để làm sao cho hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của thị trường ngày càng minh bạch, tính giải trình ngày càng cao”, ông Toản nhấn mạnh.