Tương lai của Trung Quốc nằm trên vai một người

Hoàng Nhân - 10:49, 12/03/2018

TheLEADERChiều ngày 11/3, dự thảo "Sửa đổi hiến pháp nước CHND Trung Hoa" đã được bỏ phiếu thông qua tại phiên toàn thể lần thứ ba, trong khuôn khổ kỳ họp thứ nhất Quốc hội Trung Quốc khóa 13.

Tương lai của Trung Quốc nằm trên vai một người
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters

Quốc hội Trung Quốc đã bỏ phiếu thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp, trong đó có điều khoản bỏ giới hạn 2 nhiệm kỳ đối với chức danh chủ tịch và phó chủ tịch nước. Điều này có nghĩa là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể kéo dài thời gian cầm quyền vô thời hạn.

Theo Reuters, trong số 2.964 đại biểu tham gia biểu quyết cho thấy có 2.958 phiếu thuận (chiếm hơn 99,7%), chỉ có 2 đại biểu bỏ phiếu trống và 3 người không bỏ phiếu.

Theo tờ South China Morning Post, có 21 đề xuất sửa đổi Hiến pháp lần này và tất cả nhắm vào một mục tiêu là củng cố tính hợp pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc và thể chế hóa quyền lãnh đạo của đảng bằng cách làm mờ lằn ranh giữa đảng và nhà nước.

Các nhà quan sát nhận định việc sửa đổi hiến pháp của Trung Quốc có thể tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nhiều nhà kinh tế cho rằng Trung Quốc cần có những cải cách lớn để giải quyết các vấn đề như nợ công, tham nhũng.

Theo đó, việc mở rộng thời gian cầm quyền của ông Tập có thể giúp ông tăng cường các nỗ lực để giải quyết các vấn đề kinh tế mà Trung Quốc phải đối mặt và dẫn tới sự liên tục và nhất quán trong chính sách.

Hiện nay, mức nợ công của Trung Quốc đã tăng lên nhanh chóng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Vào giữa năm ngoái, theo Ngân hàng thanh toán quốc tế, nợ công Trung Quốc đã cao hơn 2,5 lần giá trị của toàn bộ nền kinh tế nước này.

Moody's và S&P đều đã hạ bậc tín dụng và cảnh báo về nợ công đối với hệ thống tài chính Trung Quốc.

Chủ tịch Tập và các quan chức cấp cao khác đã có những động thái tích cực nhằm giảm rủi ro trong hệ thống tài chính. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, chính phủ nước này vẫn chưa thực hiện các bước đi thực sự để cắt giảm nợ, và điều này có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế nếu không được kiểm soát chặt chẽ.

Sự kiện sửa đổi hiến pháp Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc và Hoa Kỳ đang có những đối đầu căng thẳng trong các quan điểm về thương mại giữa hai bên.

Ông Tập được cho là sẽ có một nền tảng vững chắc hơn để đáp lại những hành động phi thương mại ngày càng gay gắt của chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump. Điều này đã làm dấy lên mối lo ngại về một cuộc chiến thương mại tiềm tàng.

Bên cạnh đó, việc thúc đẩy tăng trưởng sẽ trở nên khó khăn hơn khi dân số Trung Quốc đang ở giai đoạn già hóa và lực lượng lao động đang co lại.

Nhiệm kỳ đầu tiên của ông Tập đã diễn ra đầy kịch tính: một chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng 'hạ gục' nhiều lãnh đạo doanh nghiệp và các quan chức hàng đầu; một thị trường chứng khoán khủng hoảng chôn vùi nhiều khoản tiết kiệm của người dân; một dự án cơ sở hạ tầng xuyên lục địa trị giá nghìn tỷ đô la và sự sụt giảm mạnh đồng Nhân dân tệ đã góp phần dấy lên lo ngại về sự suy giảm tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Tuy nhiên, bất chấp sự hỗn loạn, kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng trưởng với tốc độ đáng mơ ước. Cùng với chính sách giảm phụ thuộc vào xuất khẩu và hướng đến nền kinh tế tăng trưởng nhờ tiêu dùng, Trung Quốc hiện là thị trường quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu.