Uẩn khúc trong dự án phong điện Phương Mai 1

Thái Bình - 10:24, 22/01/2021

TheLEADERSau hơn 9 năm liên tục được giãn tiến độ, nhà máy phong điện Phương Mai 1 tại tỉnh Bình Định tiếp tục xin lùi thời hạn hoàn thành và chưa rõ ngày đi vào hoạt động.

Uẩn khúc trong dự án phong điện Phương Mai 1
Theo hợp đồng ký kết, Agribank chi nhánh Tràng An và Agribank chi nhánh Bình Định sẽ cung cấp tín dụng thực hiện Dự án với tổng số tiền 866 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 65,3% tổng mức vốn đầu tư của dự án). Nguồn: agribank.com.vn

Doanh nghiệp "tố" tỉnh thay đổi quy hoạch

Công ty CP Phong điện Phương Mai là chủ đầu tư dự án nhà máy phong điện Phương Mai 1 tại khu kinh tế Nhơn Hội (tỉnh Bình Định). 

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 65 triệu USD, được cấp chứng nhận đầu tư từ năm 2009, trên diện tích 143ha, công suất 30MW và đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN vào tháng 11/2012. 

Tháng 10/2017, chủ đầu tư có kiến nghị gửi Thủ tướng về việc tỉnh Bình Định thay đổi quy hoạch nhà máy phong điện Phương Mai 1. Theo đó, căn cứ văn bản của UBND tỉnh về việc triển khai dự án, công ty đã được đồng ý khởi công xây dựng nhà máy chậm nhất vào 31/10/2017 và hoàn thành dự án trong quý II/2018.

Đồng thời, trước thời hạn khởi công chừng 1 tháng, chủ đầu tư khẳng định đã báo cáo về việc hoàn thành tất cả các thủ tục chuẩn bị đầu tư và đề xuất được khởi công vào trung tuần tháng 10/2017.

Ngoài ra, chủ đầu tư Phương Mai còn cho biết đã kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài là GCL Southern Intelligent Energy Holding Limited cùng Hong Kong Yaxi Trading Co., Ltd tham gia góp vốn thực hiện dự án. 

Công ty Phương Mai đã ký hợp đồng mua thiết bị từ Envision Energy Limited với công nghệ từ châu Âu. Lô thiết bị đầu tiên, theo chủ đầu tư, sẽ được lắp đặt vào tháng 2/2018.

Tuy nhiên, Công ty Phương Mai nêu trong kiến nghị gửi Thủ tướng, tháng 10/2017 công ty này nhận được ý kiến từ UBND tỉnh thông báo yêu cầu của Tỉnh ủy về việc quy hoạch lại diện tích đã được phê duyệt làm phong điện, dừng không cho khởi công dự án cũng như nghiên cứu chuyển đổi mục đích các khu vực thuộc phong điện thành đầu tư bất động sản.

Công ty khẳng định, mặc dù không có văn bản chỉ đạo nhưng các đơn vị liên quan (Ban quản lý khu kinh tế, Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh…) tạm dừng các hoạt động cấp phép cho công ty không lý do chính đáng.

Từ đây, công ty dẫn ra những thiệt hại liên quan tới vấn đề trên như: Hơn 6 triệu USD do đền bù hợp đồng đặt hàng thiết bị và thi công, việc không thể khởi công đúng hạn sẽ khiến dự án bị thu hồi và làm tổn thất hàng chục tỷ đồng trong quá trình đầu tư của doanh nghiệp.

Thậm chí, chủ đầu tư nhấn mạnh, vấn đề trên còn ảnh hưởng sâu rộng đến thị trường đầu tư của cả nước khi các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá thấp cơ quan quản lý của địa phương có chính sách và quy hoạch phát triển không ổn định…

Công ty Phương Mai mong muốn Thủ tướng có đề nghị đối với địa phương giữ nguyên quy hoạch đã duyệt, cho phép công ty được thực hiện các thủ tục xin cấp phép.

Đã gia hạn 9 lần để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư

Tỉnh Bình Định cho biết, thực tế, dự án được cấp chứng nhận đầu tư với tiến độ hoàn thành, đi vào hoạt động trong 3 năm (2009-2011). 

Tới đầu 2012, tức quá hạn tiến độ quy định, chủ đầu tư mới tiến hành khởi công và từ đó tới thời điểm gửi kiến nghị lên Thủ tướng không có hạng mục công trình nào được triển khai xây dựng.

Bất chấp thực trạng quá chậm so với quy định, nhưng để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, UBND tỉnh đã 9 lần chấp thuận cho gia hạn tiến độ với tổng thời gian gần 7 năm (chiếu theo pháp luật, nếu tổng thời gian chậm tiến độ quá 24 tháng thì có thể chấm dứt hoạt động đầu tư và thu hồi giấy chứng nhận).

Trong tháng 7/2017, tỉnh đã đồng ý cho lùi thời hạn triển khai dự án đến cuối tháng 10 cùng năm và hoàn thành dự án vào quý II/2018. Dẫu vậy, khi đến hạn nhà đầu tư vẫn chưa hoàn tất việc điều chỉnh các thủ tục chuẩn bị đầu tư theo phương án mới (do thay đổi các nội dung như thiết bị, công suất, công nghệ…).

Đáng chú ý, tháng 5/2017, Công ty Phương Mai cho biết đã tìm được đối tác chiến lược góp vốn đầu tư dự án. Theo đó, Công ty Hong Kong Xinda International Investment Co., Ltd (Công ty con của GCL Southern Intelligent Energy Holding Limited) góp vốn 90% tổng số cổ phần; Hong Kong Yaxi Trading Co., Ltd góp 5% tổng số cổ phần và Công ty CP Đầu tư công nghiệp và xây dựng Hà Nội (Hanoinco) chỉ còn nắm 5% cổ phần. 

Đồng thời, việc giao dịch các vấn đề trên chỉ thực hiện giữa các công ty liên quan, chưa hoàn thiện thủ tục điều chỉnh đăng ký kinh doanh về góp vốn theo quy định.

Ban quản lý khu kinh tế Nhơn Hội xác định, dù đã được cấp phép khoảng 10 năm qua nhưng các dự án điện gió không thể triển khai với lý do giá mua điện gió thấp, dự án không đảm bảo hiệu quả kinh tế. Do đó, tỉnh dự kiến chuyển đổi chức năng khu vực điện gió thành khu đô thị, dịch vụ để tăng cường hiệu quả sử dụng đất.

Được biết, thời điểm đó, Công ty Phương Mai đã hé mở các mối quan hệ ràng buộc kinh tế giữa các bên liên quan bằng các nội dung về: Hợp đồng mua bán thiết bị điện gió giữa GCL Southern Intelligent Energy Holding Limited (đề xuất mua 90% cổ phần Công ty Phương Mai) và Công ty Envision (Giang Tô) với giá trị hơn 21 triệu USD; Hợp đồng tổng thầu thi công dự án giữa Công ty CP Năng lượng thông minh Xie Xin phía Nam (đại diện cho Hong Kong Xinda International Investment Co., Ltd và Công ty Phương Mai) và Sepco III Electric Power Construction Corporation với giá trị hơn 2 triệu USD.

Đáng chú ý, các tài liệu chứng minh cho năng lực chủ đầu tư còn có giấy phép doanh nghiệp trong nước đầu tư sang nước ngoài của Chính phủ Trung Quốc cấp cho GCL để mua 90% cổ phần của Công ty Phương Mai; Thư cam kết tài trợ vốn của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc chi nhánh Quảng Đông cho dự án với mức tài trợ tối đa 40 triệu USD; Báo cáo kiểm toán tính đến 30/6/2017 với số dư tổng tài sản cuối kỳ của GCL là hơn 1,54 tỷ nhân dân tệ (tương đương hơn 234 triệu USD).

Tuy vậy, cuối năm 2019 ghi nhận việc ký kết giữa Công ty Phương Mai và Agribank. Theo đó, Agribank chi nhánh Tràng An và Agribank chi nhánh Bình Định sẽ cung cấp tín dụng thực hiện dự án nhà máy phong điện Phương Mai 1, với tổng số tiền 866 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 65,3% tổng mức vốn đầu tư của dự án. 

Trong đó, Agribank chi nhánh Tràng An cấp tín dụng tối đa 566 tỷ đồng và Agribank chi nhánh Bình Định cấp tín dụng tối đa 300 tỷ đồng. Đồng thời, dự án được thông báo dự kiến hoàn thành vào giữa 2020.

Tuy nhiên, hiện dự án này vẫn chưa đi vào hoạt động.