Vai trò của chính sách trong thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

Phạm Sơn - 09:56, 16/12/2021

TheLEADERTheo quỹ Ellen MacAthur, sự hỗ trợ từ phía chính sách là yếu tố cần thiết để các mô hình kinh tế tuần hoàn mở rộng quy mô và đạt được lợi nhuận.

Vai trò của chính sách trong thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

Kinh tế tuần hoàn đang trở thành hướng đi tất yếu để giải quyết mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Theo nhiều nghiên cứu, kinh tế tuần hoàn không chỉ giúp quản lý hiệu quả chất thải, hạn chế phát thải nhà kính mà còn tạo ra cơ hội kinh tế lớn và đem lại sinh kế bền vững cho cộng đồng yếu thế.

Theo Quỹ Ellen MacAthur, các chính sách của Nhà nước cần tập trung vào 5 mục tiêu lớn để tạo thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, thay vì mô hình kinh tế tuyến tính như hiện nay.

Đầu tiên, khuyến khích thiết kế lại sản phẩm theo hướng tuần hoàn, cụ thể là thiết kế sản phẩm chất lượng cao, dễ dàng thu gom, phân loại và khó bị biến chất, lẫn tạp chất trong quá trình tái chế.

Bên cạnh những quy chuẩn riêng cho mỗi loại sản phẩm, việc này đòi hỏi thông tin được chia sẻ và theo dõi một cách minh bạch, thông qua nhãn dán trên bao bì, sản phẩm hay những công cụ truy xuất nguồn gốc.

Thứ hai, duy trì tuần hoàn tài nguyên trong chuỗi giá trị. Các chính sách cần thiết có thể kể đến như chính sách thuế khuyến khích việc sửa chữa, chia sẻ tài nguyên, tái sản xuất để tối đa hóa hoạt động tái chế, thu hồi năng lượng.

Công cụ chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) là chính sách quan trọng cho mục tiêu này. Đây cũng là nội dung mới được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Thứ ba, đưa những nguyên tắc tuần hoàn trở thành tiêu chuẩn để tạo ra động lực kinh tế cho các doanh nghiệp. Những giải pháp quản lý rác thải, tận dụng nguyên vật liệu thứ cấp cần trở thành yêu cầu bắt buộc thay vì khuyến khích.

Chính sách trợ cấp cũng là công cụ thúc đẩy quan trọng để doanh nghiệp giảm bớt áp lực đến từ việc chuyển đổi mô hình, đầu tư dây chuyền mới.

Mặt khác, chính sách thương mại cũng là công cụ đặc biệt hữu hiệu. Những quy định về kinh tế tuần hoàn và sản xuất bền vững đã, đang và sẽ tiếp tục được đưa vào nội dung các hiệp định tự do thương mại (FTA) thế hệ mới, yêu cầu doanh nghiệp bắt buộc phải tuân thủ để xâm nhập thị trường tiềm năng.

Thứ tư, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đổi mới sáng tạo và kỹ năng lao động. Theo quỹ Ellen MacAthur, hoạt động đầu tư công dẫn tới kích thích đầu tư tư nhân hướng tới thiết lập những điều kiện cơ bản để vận hành kinh tế tuần hoàn là điều rất quan trọng.

Những điều kiện này bao gồm cơ sở hạ tầng thu gom, tái chế; hoạt động nghiên cứu liên ngành để tìm kiếm giải pháp, mô hình mới; cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực.

Cuối cùng là chính sách hợp tác công – tư. Giống như nhiều vấn đề khác đặt ra với nền kinh tế, việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn đòi hỏi nguồn lực đầu tư vô cùng lớn và không thể được giải quyết bởi riêng nguồn lực công hay nguồn lực tư nhân.

Đây cũng là hướng đi đang được đẩy mạnh tại Việt Nam, thông qua những cơ chế như cổng thông tin về kinh tế tuần hoàn (hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và môi trường với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc) hay sự hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và môi trường với Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam)…

Trao đổi với TheLEADER, ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội nhựa tái sinh khẳng định, kinh tế tuần hoàn hiện tại đang là sự lựa chọn tất yếu, “không cần Nhà nước vào cuộc thì doanh nghiệp cũng phải tự làm”, vì yếu tố bền vững, tuần hoàn đang trở thành những tiêu chuẩn quốc tế.

Tuy nhiên, sự tham gia từ phía Nhà nước là rất quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn đi nhanh hơn và đúng hướng hơn.

Mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ hoạt động theo nguyên lý thị trường, tự hệ thống sẽ nuôi sống chính nó và tạo ra lợi nhuận. Vai trò của Nhà nước lúc này sẽ là người giám sát việc thực thi các quy định, ngăn chặn những “khuyết tật thị trường” để nền kinh tế tuần hoàn được vận hành hiệu quả.