Vì sao 4 ngân hàng báo lỗ trong quý cuối năm

Trần Anh - 08:00, 22/02/2019

TheLEADERBên cạnh những ngân hàng báo lãi kỷ lục, cũng Vietinbank, Eximbank, VietCapital Bank và SaigonBank ngậm ngùi báo lỗ trong quý 4 vừa qua vì những nguyên nhân khác nhau.

Vì sao 4 ngân hàng báo lỗ trong quý cuối năm
Vietinbank gây thất vọng với báo cáo thua lỗ trong quý 4 năm 2018

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (SaigonBank) là ngân hàng đầu tiên báo lỗ trong quý 4 năm 2018 khi ghi nhận khoản lỗ trước thuế 69,5 tỷ đồng.

Số liệu từ báo cáo của SaigonBank cho thấy các hoạt động kinh doanh đều ổn định so với cùng kỳ năm 2017. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt mức 11,3 tỷ đồng, tăng 8,6%. Lãi từ hoạt động kinh doanh đạt mức 5,6 tỷ đồng, tăng 132%. Lợi nhuận từ hoạt động khác cũng đạt mức ấn tượng 45 tỷ đồng.

Tuy nhiên do chí phí dự phòng rủi ro tín dụng lên tới 185 tỷ đồng cùng với chi phí hoạt động ở mức 125,6 tỷ đồng nên lợi nhuận của ngân hàng này trong quý 4 bị bào mòn.

Kết quả kém trong quý cuối năm ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh cả năm của SaigonBank. Cụ thể, năm 2018, ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 52,5 tỷ đồng, giảm 26% so với 2017. 

Cùng với Saigonbank, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng công bố lỗ 309 tỷ đồng quý 4 năm 2018 do tăng chi phí trích lập dự phòng. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng gần gấp 4 lần từ 118 tỷ đồng lên 401 tỷ đồng, cùng với đó là chi phí hoạt động của ngân hàng này đã tăng 75% lên mức 1.047 tỷ đồng.

Vụ “khách VIP” mất 245 tỷ đồng tiền gửi tại Eximbank hồi đầu năm 2018 đã khiến ngân hàng phải tăng mạnh trích lập dự phòng cho khoản tiền này. Xét chung cả năm 2018, lợi nhuận trước thuế của Eximbank chỉ đạt 827 tỷ đồng, giảm 56% so với năm 2017.

Một ngân hàng công bố kết quả lỗ 27 tỷ đồng trong quý 4 năm 2018 là Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapital Bank). Nguyên nhân là hoạt động kinh doanh ngoại hối ghi nhận khoản lỗ 83,8 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ 2017. Dù vậy lợi nhuận cả năm của VietCapital Bank vẫn tăng gấp 3 lần so với năm 2017 nhờ lãi thuần tăng gần 20%.

Trường hợp thua lỗ đáng chú ý nhất trong mùa báo cáo lợi nhuận vừa qua là Vietinbank, một trong 3 ngân hàng lớn nhất hệ thống với lợi nhuận luôn trong nhóm dẫn đầu. Theo báo cáo, ngân hàng ghi nhận lỗ 853 tỷ đồng trong quý cuối năm. 

Khoản chi phí tín dụng khác bất thường lên đến 6.519 tỷ đồng được ghi nhận trong quý cuối năm đã khiến thu nhập lãi của Vietinbank chỉ còn 572 tỷ đồng, thấp kỷ lục trong lịch sử ngân hàng.

Thông báo của Vietinbank cho biết, ngân hàng đã phải dành nguồn lực tài chính để xử lý tái cơ cấu theo phương án tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 2016 -2020 được NHNN phê duyệt. Theo đó, ngân hàng khẩn trương áp dụng các chuẩn mực Basel II, các tiêu chuẩn phân loại nợ được nâng cao hơn, làm một bộ phận nợ chuyển nhóm, tác động lãi dự thu và ảnh hưởng đến lợi nhuận quý cuối năm.

Số liệu báo cáo cho thấy, khoản lãi phải thu của ngân hàng đã giảm hơn 7.600 tỷ đồng, từ mức 14.523 tỷ đồng năm 2017 xuống còn 6.905 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2018. Việc giảm lãi phải thu và ghi nhận tăng chi phí tín dụng bất thường cho thấy khả năng một số khoản cho vay của ngân hàng từng được ghi nhận thu nhập lãi vào báo cáo kết quả kinh doanh đã gặp vấn đề về khả năng trả nợ. Tuy nhiên ngân hàng không công bố chi tiết về các khoản cho vay này.

Ngoài các ngân hàng đã công bố thông tin, nhiều ngân hàng khác chưa công bố báo cáo lợi nhuận quý 4 và cả năm 2018. Phần lớn trong số này là các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ, trong đó có cả các ngân hàng được mua lại 0 đồng hoặc đang rơi vào diện kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước.