Vì sao ngành điều dưỡng Việt Nam chậm phát triển?

Horii Satoko (*) - 08:04, 21/11/2019

TheLEADERViệt Nam có thể bị chậm hơn các quốc gia khác trong giải quyết các vấn đề về điều dưỡng. Tuy nhiên, sự phát triển của hệ thống điều dưỡng tại Việt Nam đang có những bước đi ổn định.

Vì sao ngành điều dưỡng Việt Nam chậm phát triển?
Việt Nam chưa có kỳ thi chứng chỉ quốc gia cho điều dưỡng viên

Tại Nhật Bản, dường như có nhiều người mong muốn khi về già sẽ được điều dưỡng viên Việt Nam chăm sóc nên tôi hay được hỏi về hệ thống điều dưỡng Việt Nam. 

Khi tôi trả lời rằng Việt Nam chưa có kỳ thi chứng chỉ quốc gia cho điều dưỡng viên, thì thường được phản hồi lại là “ngành điều dưỡng Việt Nam lại chậm phát triển như vậy sao!”

Nhìn vào thực tế này cũng có thể nhận định rằng ngành điều dưỡng Việt Nam “chậm phát triển”. Tuy nhiên, một số quốc gia phát triển như Anh và Pháp cũng không có kỳ thi chứng chỉ quốc gia cho điều dưỡng. Thế nên cũng có thể nói, đây là sự khác biệt về hệ thống.

Với trường hợp của Việt Nam, có một số vấn đề phát sinh do không có kỳ thi chứng chỉ hành nghề quốc gia. Đầu tiên là vấn đề chất lượng điều dưỡng, liên quan trực tiếp đến hệ thống chứng chỉ hành nghề

Tại Việt Nam, hiện tại không có chuẩn đầu ra chung cho tất cả các trường đào tạo điều dưỡng và không có kỳ thi quốc gia để lấy chứng chỉ hành nghề. Sinh viên sau khi tốt nghiệp các trường đào tạo điều dưỡng có thể làm việc với tư cách là một điều dưỡng viên nên năng lực của mỗi điều dưỡng mới tốt nghiệp rất khác nhau tùy theo từng người.

Tiếp theo là vấn đề số lượng điều dưỡng. Theo số liệu của Bộ Y tế Việt Nam năm 2015, tỷ lệ điều dưỡng viên tại Việt Nam là 11,1 điều dưỡng viên trên mỗi một vạn dân, thấp hơn so với bình quân Châu Á - Thái Bình Dương là 30 và thấp hơn rất nhiều so với Nhật Bản là 855,2 điều dưỡng viên trên một vạn dân.

Mặt khác, hàng năm, các trường cao đẳng và trường đại học điều dưỡng đào tạo ra một số lượng đáng kể sinh viên. Do không có kỳ thi chứng chỉ hành nghề quốc gia và không nắm được số điều dưỡng viên được cấp chứng chỉ hành nghề nên rất khó xem xét để cân bằng giữa cung và cầu về điều dưỡng.

Để giải quyết tình trạng này, Bộ Y tế hiện đang xem xét áp dụng kỳ thi chứng chỉ hành nghề quốc gia cho điều dưỡng, bắt đầu từ năm 2021.

Bên cạnh đó, hiện nay, xu hướng quốc tế thúc đẩy sự di chuyển của điều dưỡng viên như Chế độ thừa nhận chứng chỉ hành nghề lẫn nhau trong khu vực Đông Nam Á hay Sáng kiến sức khỏe Châu Á của Nhật Bản khiến cho việc thiết kế cơ chế trong nước càng trở nên phức tạp hơn.

Nỗ lực hỗ trợ nâng cao chất lượng điều dưỡng

Tại Việt Nam, điều kiện để có được chứng chỉ hành nghề điều dưỡng không phải là thi đỗ kỳ thi quốc gia mà phải tham gia khóa đào tạo lâm sàng chín tháng, được tổ chức tại các bệnh viện.

Ngành điều dưỡng Việt Nam “chậm phát triển”
Bà Horii Satoko - Cố vấn trưởng Dự án tăng cường hệ thống đào tạo lâm sàng cho điều dưỡng mới tốt nghiệp tại Việt Nam

Dự án của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hiện đang hỗ trợ phát triển hệ thống đào tạo lâm sàng này. Dự án đang cùng Bộ Y tế, Hội Điều dưỡng Việt Nam, một số trường đại học điều dưỡng và cán bộ quản lý điều dưỡng tại các tỉnh mục tiêu xây dựng chương trình đào tạo, cách thức vận hành chương trình trên toàn quốc và đang triển khai thí điểm tại địa bàn thực hiện của dự án (1 thành phố và 4 tỉnh). 

Đã có những báo cáo ban đầu về hiệu quả triển khai thí điểm để chuẩn hóa năng lực điều dưỡng từ các trường khác nhau và trong tương lai, hiệu quả đào tạo sẽ được đo lường bằng phương pháp nghiên cứu và xem như cơ sở để nhân rộng hệ thống.

Chắc chắn rằng nhiều vấn đề mà điều dưỡng Việt Nam đang phải đối mặt không thể được giải quyết chỉ bằng hoạt động của dự án này. Ví dụ, để có thể thúc đẩy phát triển đào tạo điều dưỡng thì việc đào tạo giảng viên và các nhà nghiên cứu chuyên sâu về điều dưỡng là việc làm không thể thiếu. Năng lực nghiên cứu của dựảng viên được tăng cường bằng cách thực hiện nghiên cứu chứng minh thành quả của dự án với sự tham gia của một số giảng viên các trường đào tạo điều dưỡng. 

Ngoài ra, với việc trình bày kết quả nghiên cứu tại hội nghị nghiên cứu khoa học thường niên được tổ chức tại các bệnh viện, nỗ lực làm cầu nối giữa nghiên cứu và thực hành, tham gia tích cực vào hội nghị quốc tế, chúng tôi đang cố gắng xây dựng động cơ nghiên cứu cho những ntười làm công tác điều dưỡng của Việt Nam. Tại Việt Nam năm nay, khóa đào tạo bằng tiến sĩ điều dưỡng đầu tiên được ra đời tại Đại học Điều dưỡng Nam Định.

Việt Nam có thể bị chậm hơn các quốc gia khác trong giải quyết các vấn đề về điều dưỡng. Tuy nhiên, sự phát triển của hệ thống điều dưỡng tại Việt Nam đang có những bước đi ổn định. Cùng với những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực điều dưỡng Việt Nam, tôi đã nhận được rất nhiều “sức mạnh” khi tham gia xây dựng và phát triển ngành điều dưỡng trong tương lai.

(*) Horii Satoko - Cố vấn trưởng Dự án tăng cường hệ thống đào tạo lâm sàng cho điều dưỡng mới tốt nghiệp tại Việt Nam