Việc vòi vĩnh doanh nghiệp vẫn 'rất phổ biến'

Thanh Hằng - 15:10, 01/12/2017

Theo Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân, tình trạng công chức giao tiếp ứng xử tuỳ nghi, vòi vĩnh, lạm dụng thanh tra, kiểm tra với doanh nghiệp vẫn rất phổ biến và doanh nghiệp tư nhân vẫn bị phân biệt đối xử trong một số trường hợp…

Việc vòi vĩnh doanh nghiệp vẫn 'rất phổ biến'
Các doanh nghiệp cho rằng việc tiếp cận các ưu đãi với nông nghiệp công nghệ cao vẫn gặp khó khăn. Ảnh minh họa

Dự kiến ngày 4/12 tới đây, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ (Ban IV) sẽ tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp. Dự kiến hội nghị sẽ diễn ra tại TP.HCM và do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng chủ trì.

Trước hội nghị, Ban IV đã tổng hợp các kiến nghị về các rào cản về mặt chính sách và thực thi chính sách, pháp luật gây vướng mắc cho doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực như nông nghiệp,du lịch, kinh tế số và khởi nghiệp sáng tạo

Tình trạng vòi vĩnh vẫn phổ biến

Trong lĩnh vực du lịch, các doanh nghiệp cho rằng việc đầu tư quảng bá xúc tiến du lịch quốc gia chưa tương xứng với mục tiêu phát triển và tiềm năng du lịch quốc gia. Ban IV đề nghị Chính phủ xem xét thúc đẩy hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch quốc gia thông qua việc thí điểm hình thành, vận hành và quản lý Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch theo mô hình doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận để tháo gỡ nút thắt này.

Các doanh nghiệp cũng cho rằng chính sách thị thực cho khách quốc tế đến Việt Nam vẫn còn là rào cản của ngành du lịch. Môi trường điểm đến du lịch chưa được quản lý đúng mức và chuyên nghiệp, làm giảm đáng kể lượt du khách muốn quay lại Việt Nam.

Đặc biệt, thái độ ứng xử của cơ quan công quyền với doanh nghiệp còn nhiều tùy nghi, lạm dụng thực thi chính sách, pháp luật gây khó khăn cho doanh nghiệp.

“Tình trạng giao tiếp ứng xử tuỳ nghi, vòi vĩnh, lạm dụng thanh tra, kiểm tra với doanh nghiệp vẫn rất phổ biến không chỉ riêng với khối doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng, khách sạn mà phần đông doanh nghiệp các ngành đều gặp vấn đề này”, ông Trương Gia Bình, Phó Chủ tịch Hội đồng, Trưởng Ban IV cho biết.

Thủ tục nhận ưu đãi phức tạp

Trong lĩnh vực nông nghiệp, theo ông Trương Gia Bình, các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao chưa phù hợp, doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận các cơ chế ưu đãi.

Chẳng hạn, thủ tục chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao rất phức tạp, trước đây căn cứ vào Quyết định số 69/2010/QĐ-TTg, theo đó doanh nghiệp cần thỏa mãn các tiêu chí theo khoản 1 Điều 19 Luật Công nghệ cao, sau đó phải làm hồ sơ chứng minh mình đạt tiêu chí này gửi về Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn xem xét, cấp chứng nhận.

Tuy nhiên, các tiêu chí chưa rõ ràng, chưa cụ thể nên việc áp dụng rất khác nhau giữa các nơi và doanh nghiệp phải xin xác nhận ở nhiều đầu mối cơ quan mà không được tự chứng minh bằng các kết quả ứng dụng đã có…

Ngoài ra, hiện nay vẫn chưa có sàn giao dịch nông sản đúng nghĩa để kiểm kiểm soát được chất lượng, sản lượng và giá trị cho nông sản.

“Đề nghị nhà nước mạnh dạn để khu vực tư nhân đảm nhận xây dựng nền tảng giao dịch thương mại cho nông sản trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm về thương mại điện tử ở một số quốc gia thành công ở trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó đẩy mạnh yêu cầu truy suất nguồn gốc hàng hoá, nguồn nguyên liệu” , Ban Nghiên cứu kiến nghị.

Chính sách thuế chưa công bằng?

Cũng theo ban IV, quá trình hình thành nền kinh tế số cũng như phát triển các SmartCity (thành phố thông minh) ở Việt Nam, quá trình khuyến khích đổi mới sáng tạo để thúc đẩy sự chuyển dịch của nền kinh tế còn nhiều thách thức, chưa hội tụ các điều kiện thuận lợi cần thiết. Doanh nghiệp công nghệ thông tin vẫn gặp sự phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước và tư nhân.

Doanh nghiệp còn gặp khó khăn về quy trình, thủ tục và cách thức định giá sản phẩm công nghệ thông tin tại Nghị định 102/2009/NĐ-CP về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; gặp rào cản về đầu tư do quy định về phí viễn thông công ích tại Thông tư 57/2016/TT-BTC.

Cùng với đó,chính sách thuế với doanh nghiệp trong nước và nước ngoài ung cấp dịch vụ số tại Việt Nam đang có bất cập. Chẳng hạn, theo Ban Nghiên cứu, trong khi các đơn vị cung cấp dịch vụ qua biên giới chỉ phải trả thuế nhà thầu là 5% thì doanh nghiệp Việt Nam cung cấp dịch vụ tương tự không những phải trả thuế VAT, thuế người dùng mà còn phải trả 25% thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều này dẫn đến tình trạng doanh nghiệp Việt mở công ty ở ngoài Việt Nam để tối ưu thuế.

Cũng theo Ban IV, chủ trương thúc đẩy giao dịch điện tử hiện không đi kèm với phát triển hạ tầng số. Chẳng hạn khi doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet, theo quy định, các khách hàng phải kí và nhận 1 biên lai giấy và bộ hợp đồng. Chứng từ giấy này thực tế rất ít giá trị sử dụng sau đó nhưng đơn vị cung ứng dịch vụ phải lưu hàng triệu bản giấy và chi phí thuê kho lưu giấy rất cao trong 10 năm.

Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) được thành lập theo Quyết định số 842/QĐ-HĐTV ngày 3/10/2017 của Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng.

Ban Nghiên cứu gồm có 6 thành viên, do Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam Trương Gia Bình làm Trưởng ban.

Ban chủ trì nghiên cứu và tư vấn, đề xuất việc cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân gắn với các mục tiêu kinh tế quốc gia; chủ động thiết lập bộ máy giúp việc, huy động nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ được giao.