Việt Nam đề xuất 5 giải pháp ứng phó khủng hoảng lương thực toàn cầu

Hoài An - 08:24, 25/05/2022

TheLEADERĐể giải quyết vấn đề an ninh lương thực, một trong những trụ cột quan trọng là đổi mới tư duy, kiến tạo động lực mới để thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp và sản xuất lương thực.

Phát biểu khai mạc phiên họp về chủ đề “Chuyển hướng khủng hoảng lương thực toàn cầu” trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) mới đây, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh tác động của khủng hoảng "kép" của đại dịch Covid-19 và căng thẳng địa chính trị đang gây ra những tác động cộng hưởng chưa từng có lên nguồn cung, giá cả và chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, Phó thủ tướng nêu năm đề xuất quan trọng.

Thứ nhất, cần có cách tiếp cận tổng thể, đa mục tiêu, hướng tới một hệ thống lương thực toàn cầu tự cường, bao trùm và bền vững.

Vấn đề cấp bách là hỗ trợ nhân đạo các nước thiếu lương thực, khôi phục chuỗi cung ứng và kiềm chế áp lực tăng giá nông sản. Về dài hạn, theo Phó thủ tướng, cần phải xây dựng nền nông nghiệp xanh, sạch, bao trùm và bền vững.

Thứ hai, tăng cường hợp tác quốc tế, chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy vai trò của tổ chức quốc tế để giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh lương thực toàn cầu.

Trong đó, cần bảo đảm chuỗi cung ứng lương thực thông suốt, loại bỏ hàng rào thương mại đối với lương thực, hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển, thúc đẩy mô hình hợp tác ba bên mà Việt Nam triển khai hiệu quả với các nước châu Phi và châu Mỹ La-tinh.

Thứ ba, đề cao cách tiếp cận toàn dân, bảo đảm quá trình chuyển đổi sản xuất lương thực công bằng, tính đến lợi ích của các nhóm dễ bị tổn thương, nhóm yếu thế.

Thứ tư, xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp có sự tham gia và phối hợp hành động của tất cả các bên liên quan.

Thứ năm, đổi mới tư duy, kiến tạo động lực mới để thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp và sản xuất lương thực, nhất là ứng dụng cách mạng công nghiệp lần thứ tư, liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo.

5 đề xuất giải quyết khủng hoảng lương thực
Phó thủ tướng Lê Minh Khái: Cần có cách tiếp cận tổng thể, đa mục tiêu, hướng tới một hệ thống lương thực toàn cầu tự cường, bao trùm và bền vững. Ảnh: VGP/Trần Mạnh.

Tại diễn đàn, Phó thủ tướng chia sẻ định hướng của Việt Nam xây dựng một nền nông nghiệp carbon thấp, xanh – sinh thái - bền vững, xoay quanh ba trụ cột là “nông nghiệp sinh thái”, “nông thôn hiện đại”, “nông dân thông minh”.

Phó thủ tướng kêu gọi sự đồng hành của quốc tế trong việc củng cố khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu cho Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần củng cố an ninh lương thực quốc gia và khu vực.

Phó tổng thống Tanzania, Giám đốc Chương trình lương thực thế giới cùng Chủ tịch Tập đoàn Syngenta đã chia sẻ những đánh giá và đề xuất của đoàn Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh tình trạng lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng, biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường và thực trạng đô thị hóa tràn lan đang tác động nghiêm trọng đến an ninh lương thực toàn cầu.

Các đại biểu kêu gọi tăng cường hợp tác công – tư nhằm giải quyết tình trạng thiếu lương thực, và thúc đẩy xây dựng hệ thống lương thực toàn cầu bền vững và bao trùm.

Sau khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra, thế giới ghi nhận mức giá lương thực cao nhất mọi thời đại vào tháng 3/2022, ảnh hưởng nặng nề đến một số quốc gia đang bị mất an ninh lương thực.

Chỉ số giá lương thực của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hợp quốc (FFPI) đạt trung bình gần 160 điểm trong tháng 3/2022, tăng tới gần 13% so với tháng 2, thiết lập ngưỡng cao kỷ lục.

Theo Uỷ ban quốc tế Các chuyên gia về lương thực bền vững (IPES-Food), sự phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực là một trong những nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng an ninh lương thực đang gia tăng.

Theo đó, sự đa dạng trong chế độ ăn uống trên toàn cầu đã giảm trong nhiều thập kỷ, các loại cây trồng chuyên để xuất khẩu được phát triển rộng rãi, và một số quốc gia hiện phụ thuộc 100% vào nhập khẩu lương thực chính.

Hệ thống sản xuất khó đổi mới cũng là yếu tố đáng chú ý. Sự chuyên biệt hóa quá mức về mặt địa lý, sự ưu đãi của thương nhân và chính phủ đối với cây lương thực hàng hoá và nhiên liệu sinh học, cũng như sự phụ thuộc vào phân bón tổng hợp đều kìm hãm khả năng đa dạng hóa sản xuất lương thực và chuyển đổi phương thức sản xuất lương thực của người nông dân.

Ngoài ra, thị trường suy giảm và đầu cơ, cùng với vòng luẩn quẩn của xung đột, biến đổi khí hậu, đói nghèo và mất an ninh lương thực cũng góp phần gia tăng khủng hoảng.

Các chuyên gia cảnh báo những phản ứng thiển cận đối với cuộc khủng hoảng – như đình chỉ các quy định về môi trường, tăng cường sản xuất lương thực hướng công nghiệp, và thúc đẩy hơn nữa nền nông nghiệp phụ thuộc vào phân bón theo định hướng xuất khẩu – sẽ khiến xu hướng hiện nay trầm trọng thêm.

Thay vào đó, nhóm chuyên gia kêu gọi cần hành động khẩn cấp nhằm cung cấp hỗ trợ tài chính và xóa nợ cho các quốc gia dễ bị tổn thương, ngăn chặn tình trạng đầu cơ hàng hóa quá mức và nâng cao tính minh bạch của thị trường.

Sáng ngày 23/5, theo giờ địa phương, Hội nghị thường niên lần thứ 52 Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) với chủ đề "Lịch sử ở giai đoạn bước ngoặt: Chính sách của Chính phủ, Chiến lược của doanh nghiệp" đã khai mạc tại Davos, Thụy Sỹ.

Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị.

Tham dự hội nghị có trên 2.500 đại biểu quốc tế, gồm lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế, lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới.