Việt Nam hiện chưa cần gói cứu trợ kinh tế như Trung Quốc, Thái Lan

Nhật Hạ - 09:15, 06/02/2020

TheLEADERNhìn một cách tổng thể, Việt Nam hiện chưa tới mức phải đưa ra các gói cứu trợ kinh tế như một số nước, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết.

Việt Nam hiện chưa cần gói cứu trợ kinh tế như Trung Quốc, Thái Lan
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: VGP.

Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều ngày 5/2, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, kịch bản tăng trưởng đã được Bộ này xây dựng và báo cáo trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1.

"Các kịch bản tính toán cho thấy tác động của dịch bệnh này tới tăng trưởng kinh tế năm nay là rất nghiêm trọng", ông Phương cho biết.

Theo đó, hai kịch bản tăng trưởng được đưa ra. Kịch bản 1, nếu dịch bệnh được kiểm soát trong quý I/2020 thì tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay khoảng 6,27%. Kịch bản 2, nếu dịch Corona (nCoV) kéo dài sang quý II/2020 thì tăng trưởng quý II là 5,81%, dẫn tới ước tính GDP năm nay tăng 6,09% (thấp hơn 0,71 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra).

Tuy nhiên, đây là con số ước tính, còn tuỳ thuộc thực tế dịch được kiểm soát ở thời điểm nào cũng như những chính sách, điều hành của Chính phủ với nền kinh tế. Bộ Kế hoạch và đầu tư sẽ thường xuyên cập nhật thông tin, rà soát thường xuyên phương án kịch bản, báo cáo Chính phủ.

Trong khi đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh dù dịch Corona có những tác động tiêu cực tới chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay nhưng Chính phủ nhất quán tinh thần bàn tiến không bàn lùi, không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2020.

Ông Dũng cho biết Chính phủ hướng tới điều hành, vận dụng linh hoạt các chính sách kinh tế vĩ mô để ứng phó kịp thời với những diễn biến bất lợi từ dịch Corona. Đồng thời, lạm phát phải được kiểm soát chặt theo kịch bản đã đề ra từ đầu năm, trong đó tập trung giảm giá thịt lợn về mức bình thường.

Theo dõi chặt chẽ sự biến động của giá cả thị trường nhằm có những giải pháp phù hợp hạn chế sự tăng bất thường của giá cả; xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, nâng giá. Với tình hình phức tạp như hiện nay, yêu cầu giảm giá xăng dầu theo giá thị trường; không tăng giá điện và các dịch vụ công trong thời gian tới. Đẩy mạnh công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, xuất xứ.

Trước những diễn biến khó lường của dịch Corona, hiện nay nhiều nước đã tung ra các gói hỗ trợ kinh phí cho những ngành, lĩnh vực chịu thiệt hại do sự bùng phát của dịch bệnh.

Trong đó, Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã vào cuộc để hỗ trợ các doanh nghiệp Trung Quốc thông qua cắt giảm lãi suất cho vay.

Thái Lan đưa ra Chương trình tổng thể để hỗ trợ khẩn cấp cho các công ty lữ hành của họ (cho vay ưu đãi, hoãn trả vốn và lãi trong 6 tháng, tạm hoãn đóng thuế thu nhập...), đồng thời giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhiên liệu bay và giảm phí sân bay để trợ giúp cho ngành hàng không.

Liên quan đến gói cứu trợ kinh tế, Bộ trưởng Dũng cho biết, "cần cân nhắc và phải đảm bảm các chỉ số, làm sao để không bị ảnh hưởng". Và "hiện Việt Nam chưa tới mức độ nghiêm trọng như vậy, nên lúc này chưa tính tới việc này, trừ phi tình hình dịch nCoV diễn biến xấu hơn”.

Cụ thể hơn, theo ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, gói giải cứu kinh tế cũng là một trong số chính sách mà bộ đã kiến nghị. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch nCoV đang diễn ra thì cần ưu tiên hàng đầu lúc này là dành nguồn lực phòng chống, kiểm soát dịch. Khi dịch đã được kiểm soát, sẽ xem xét áp dụng giải pháp phục hồi tăng trưởng kinh tế.

"Các gói hỗ trợ cũng là những phương án cần phải tính đến, tuy nhiên còn tùy thuộc vào một số yếu tố như nguồn lực Việt Nam có bao nhiêu và hỗ trợ đối tượng nào, đây là giải pháp cũng cần tính toán", ông Phương cho biết.

Trước mắt, có một số đối tượng đang chịu thiệt hại như người nông dân trồng thanh long, dưa hấu… Do vậy cũng giống như hỗ trợ đối với dịch tả lợn châu Phi, đối tượng hỗ trợ như thế nào, mức độ hỗ trợ bao nhiêu và phương thức hỗ trợ như thế nào đều cần có những tính toán cụ thể. Ông Phương chia sẻ, "Đây là những cái mà bộ dự kiến trong gói giải pháp sau khi dịch bệnh đi qua và khẩn trương phục hồi sản xuất kinh doanh".

Ngoài ra còn một số giải pháp khác như đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Thứ trưởng Phương nhận định, năm nay có nhiều đổi mới về mặt thủ tục, quy định; do vậy khả năng giải ngân có tốt hay không phụ thuộc vào việc thực hiện của các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời các địa phương cũng cần khẩn trương hoàn thành các thủ tục đưa các dự án chuẩn bị cấp phép, các dự án mới sớm đi vào hoạt động để thúc đẩy tăng trưởng.