Việt Nam không nên chủ quan dù tăng trưởng mạnh mẽ

Linh Lan - 11:36, 16/10/2017

TheLEADERTheo Nikkei Asia, tốc độ tăng trưởng kinh tế đánh bại Trung Quốc và vượt xa các nước láng giềng của Việt Nam không có nghĩa rằng Việt Nam có thể chủ quan.

Việt Nam không nên chủ quan dù tăng trưởng mạnh mẽ
Các nhà quan sát nhiều kinh nghiệm nhanh chóng nhận ra vấn đề đối với nền kinh tế tăng trưởng tín dụng đạt 220 tỷ USD. Ảnh: Getty Images

Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đạt hơn 7,4% vào quý III/2017, vượt cả Ấn Độ, Indonesia và Philippines. Xuất khẩu tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái trong cả tháng 9 và tháng 8, trong khi hoạt động sản xuất tăng gần 13% trong 9 tháng đầu năm 2017. Tuy nhiên, nền kinh tế ẩn chứa nhiều vấn đề. Tốc độ tăng trưởng tín dụng tăng vọt 20% so với năm trước và cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 34% trong 9 tháng đầu năm.

Các nhà quan sát nhiều kinh nghiệm nhanh chóng nhận ra vấn đề đối với nền kinh tế tăng trưởng tín dụng đạt 220 tỷ USD. Quan điểm của các nhà đầu tư có khuynh hướng biến động mạnh bởi Việt Nam có xu hướng tăng trưởng bùng nổ rồi khủng hoảng kinh tế 5 năm một lần – vào các năm 2013, 2007, 2001, 1997. Vấn đề đặt ra là mọi thứ liệu có thể thay đổi ở thời điểm hiện tại hay các nhà đầu tư sẽ phải chuẩn bị cho chu kỳ sắp tới.

“Tốc độ tăng trưởng tín dụng trên quy mô của nền kinh tế Việt Nam sẽ không bền vững trong dài hạn”.

Gareth Leather - Chuyên gia kinh tế của Capital Economic

Một dấu hiệu đáng lo ngại: Vào tháng 9, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo Ngân hàng Trung ương hạ lãi suất cho vay của các ngân hàng để tăng cường hoạt động kinh doanh. Theo đó, một tháng sau, Ngân hàng Nhà nước đã có một quyết định gây sốc: cắt giảm lãi suất chính thức đầu tiên trong vòng 3 năm. Việc cắt giảm lãi suất tái cấp vốn - xuống còn 6,25% và lãi suất chiết khấu - xuống còn 4,25% là những rủi ro tín dụng đối với một quốc gia có tình trạng nợ công nặng nề như Việt Nam. Lạm phát cũng có thể tăng lên. Chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 3,4% trong tháng 9 từ mức 2,52% vào tháng 8.

“Tốc độ tăng trưởng tín dụng trên quy mô của nền kinh tế Việt Nam sẽ không bền vững trong dài hạn”, chuyên gia kinh tế Gareth Leather của Capital Economic cho biết. Do đó gây ra nhiều rủi ro và “chúng tôi đang để mắt đến sự gia tăng nợ nhanh”.

Chính phủ có thể tránh được những rủi ro tài chính bằng việc tiến hành một số cải cách. Ví dụ, Hà Nội nên dừng việc chỉ tập trung vào thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào các nhà máy sản xuất mà nên củng cố các tổ chức tài chính, giúp tự do hóa luồng vốn, tăng tính minh bạch, đẩy mạnh cạnh tranh trong ngành công nghiệp. Những cải cách cơ cấu là cần thiết để sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư.

Quyết định cắt giảm lãi suất gần đây làm giảm tính cấp thiết của quá trình hiện đại hóa nền kinh tế, bao gồm việc phát triển thị trường vốn. Các công ty Việt Nam vẫn dựa nhiều vào các khoản vay từ ngân hàng. Do đó, chính sách tiền tệ thuận lợi hơn sẽ làm cho các doanh nghiệp và cá nhân vay mượn dễ dàng hơn, từ đó làm trầm trọng thêm rủi ro nợ xấu.

Quyết định cắt giảm lãi suất gần đây làm giảm tính cấp thiết của quá trình hiện đại hóa nền kinh tế, bao gồm việc phát triển thị trường vốn.

Việt Nam, trong thời gian qua, đã thực hiện một số cải cách trong ngành ngân hàng. Vào năm 2013, Ngân hàng trung ương đã thành lập Công ty quản lý tài sản (VAMC) để mua lại các khoản nợ xấu cho các ngân hàng. Vào thời điểm đó, có tới 17% dư nợ được phân vào loại nợ xấu mặc dù con số công bố là khoảng 3%. Trong tháng 5, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s cho biết các ngân hàng Việt Nam “sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu vốn trong 12-18 tháng tới, và tình hình như vậy vẫn sẽ tiếp tục là gánh nặng tín dụng chính cho ngành này”.

Bà Jennifer Isern, Chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Thế giới, nói: "Quản lý rủi ro nợ xấu ở Việt Nam là điều thiết yếu trong việc tăng cường các hoạt động cho vay và giám sát khu vực tài chính để ngăn ngừa tích tụ nợ xấu”.

Giống như Trung Quốc, Việt Nam thường được xem là nền kinh tế thuận lợi đối với các nhà đầu tư. Với 21% dân số có độ tuổi dưới 15, chi phí lao động và cho thuê đất thấp, viễn cảnh công nghệ sáng sủa và gần với thị trường Trung Quốc về mặt địa lý, không ai nghi ngờ về sự tăng trưởng vượt bậc của Việt Nam. 

Điều mọi người đang tranh luận là “khi nào", chứ không phải "bằng cách nào" Việt Nam sẽ trở nên giàu có. Việt Nam hiện đang theo mô hình hướng tới xuất khẩu của Trung Quốc, với sự phụ thuộc nặng nề vào các dự án cơ sở hạ tầng của nhà nước. Mặc dù vậy, đã đến lúc Việt Nam nên thử một chiến lược khác.

Tại sao không nuôi dưỡng năng lực của các nhà kinh doanh trẻ? Hà Nội nên hiện đại hoá hệ thống thuế, tăng cường đầu tư cho giáo dục để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và đẩy mạnh các nỗ lực chống tham nhũng. Nếu không có những nỗ lực kịp thời, Việt Nam có thể sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, cái bẫy đang ảnh hưởng đến tất cả các nước đang phát triển khi mức thu nhập ở mức dưới 10.000 USD/người/năm trên cơ sở sức mua tương đương (thu nhập của người Việt hiện rơi vào khoảng 6.000 USD).

Chính phủ Việt Nam cũng cần tận dụng lợi thế dân số trẻ. Ưu tiên hàng đầu là giảm vai trò của Nhà nước để phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Điều này sẽ giúp mở rộng tầng lớp trung lưu, gia tăng nguồn thu về thuế, đồng thời giúp ổn định xã hội và tăng cường sự linh hoạt của nền kinh tế.

Đồng thời, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện nay là đòn bẩy để mở rộng sở hữu nước ngoài, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, hợp tác với Nhật Bản và các nước khác để tiến tới ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhằm đối phó với các thách thức về chiến tranh thương mại.

Chỉ khi có được nền tảng tăng trưởng đúng đắn thì Việt Nam mới hy vọng giữ chân được các tập đoàn lớn như Intel, Samsung, Unilever và lôi kéo các công ty đa quốc gia khác đầu tư cũng như tham gia vào nền kinh tế Việt Nam, để ngăn chặn chu kỳ tăng trưởng bùng nổ - khủng hoảng kinh tế quay trở lại.