Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận 20.500 tỷ đồng

Trần Anh - 10:54, 18/04/2019

TheLEADERSau khi đạt lợi nhuận kỷ lục trong ngành ngân hàng Việt Nam trong năm ngoái, Vietcombank tiếp tục hướng tới mức lợi nhuận tỷ USD trong năm 2019.

Vietcombank vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên với kế hoạch lợi nhuận năm 2019 đạt 20.500 tỷ đồng, cao hơn 12% so với năm trước và dự kiến trả cổ tức 8% cho các cổ đông.

Ngân hàng cho biết, trọng tâm kinh doanh của Vietcombank năm 2019 tiếp tục hướng vào 3 trụ cột: Bán lẻ, Dịch vụ, Đầu tư (kinh doanh vốn).

Tổng tài sản của ngân hàng dự kiến tăng 12%, đạt 1,2 triệu tỷ đồng; dư nợ tín dụng tăng 15%, đạt 735 nghìn tỷ đồng; huy động vốn tăng từ 11 – 13%, đạt khoảng 925 nghìn tỷ đồng.

Vietcombank định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 15% gắn với hiệu quả và chất lượng, chú trọng tăng trưởng cao ngay từ đầu năm để tăng hiệu quả và tạo dư địa cơ cấu danh mục trong năm. Chủ động thanh khoản và tăng trưởng tín dụng cao hơn mức 15% nếu được NHNN giao.

Đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng bán lẻ và tín dụng thông qua phòng giao dịch. Điều hành ổn định tín dụng bán buôn tập trung vào các doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả; tái cấu trúc hiệu quả danh mục tín dụng bán buôn.

Tăng tỷ trọng dư nợ theo định hướng tín dụng ngành; tín dụng FDI; dư nợ các lĩnh vực sản xuất, nhất là các dư nợ các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ;

Tăng tỷ trọng cho vay bán lẻ vào các sản phẩm chuẩn, các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, mua xe ô tô... có hiệu quả cao. Hạn chế cho vay cầm cố giấy tờ có giá, cho vay lĩnh vực tạo NIM thấp. Tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng thể nhân, nhất là dư nợ tại các phòng giao dịch.

Ngân hàng cũng đặt mục tiêu đảm bảo tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 1%, tỷ lệ nợ nhóm 2 dưới 1,5%; đồng thời thu hồi nợ ngoại bảng trên 3.000 tỷ đồng.

Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận 20.500 tỷ đồng
Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận 20.500 tỷ đồng

Tiếp nối thành công trong quá trình tăng vốn từ giai đoạn 2017 – 2018, Vietcombank tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu, đảm bảo nguồn vốn cho phát triển kinh doanh và tuân thủ các tỷ lệ an toàn theo chuẩn mực Basel II.

Ngân hàng đã xây dựng kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua nguồn vốn chủ sở hữu và kế hoạch phát hành mới, đã trình các cấp thẩm quyền xem xét phê duyệt.

Đầu năm 2019, ngân hàng đã phát hành riêng lẻ thành công 111,1 triệu cổ phiếu mới cho GIC Private Limited (GIC), quỹ đầu tư quốc gia của Singapore và Mizuho Bank Ltd (Mizuho), một trong những định chế tài chính lớn nhất của Nhật Bản.

Thương vụ giúp Vietcombank thu về khoảng 6,2 nghìn tỷ đồng (tương đương với khoảng 265 triệu đô la Mỹ), đồng nghĩa định giá Vietcombank khoảng 10 tỷ USD.

Cụ thể, GIC đã mua 94,4 triệu cổ phần mới, tương đương với việc sở hữu 2,55% cổ phần Vietcombank. Ước tính số tiền GIC bỏ ra khoảng 220 triệu USD. Còn Mizuho đã mua thêm 16,6 triệu cổ phần mới để duy trì tỷ lệ sở hữu 15% tại Vietcombank.

Khoản đầu tư của GIC và Mizuho đã làm tăng vốn điều lệ của Vietcombank lên 37,1 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 1,6 tỷ đô la Mỹ). Sau thương vụ này, tỷ lệ sở hữu của NHNN tại Vietcombank giảm về 74,9%.

Vietcombank cho biết, giao dịch tạo nền tảng vốn vững chắc cho việc đáp ứng yêu cầu về an toàn vốn theo Chuẩn mực Basel II cũng như khẳng định vị thế dẫn đầu trong ngành ngân hàng tại Việt Nam.

Năm ngoái, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 18.016 tỷ đồng, tăng 63,5% so với năm 2017, là mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam.