Vietcombank giảm hơn 7.000 tỷ đồng thu nhập do hạ lãi suất cho vay

Trần Anh - 08:51, 26/08/2021

TheLEADERCác biện pháp giãn cách xã hội kéo dài tại các tỉnh miền Nam khiến khả năng trả nợ của khách hàng sẽ suy giảm và tỷ lệ hình thành nợ xấu mới sẽ tăng nhanh.

Vietcombank gần đây đã thông báo ngân hàng sẽ thực hiện đợt giảm lãi suất thứ 8 bắt đầu từ ngày 18/8 kéo dài đến cuối năm. Chương trình này áp dụng cho tất cả các khách hàng tín dụng doanh nghiệp và cá nhân tại 19 tỉnh, thành phố miền Nam đang áp dụng Chỉ thị 16 thực hiện giãn cách xã hội.

Cụ thể, ngân hàng cắt giảm lãi suất lên đến 0,5% mỗi năm cho tất cả các khoản dư nợ tại TP.HCM và tỉnh Bình Dương; cắt giảm lãi suất lên đến 0,3% mỗi năm đối với tất cả các khoản dư nợ tại 17 tỉnh miền Nam còn lại đang áp dụng Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội.

Những khách hàng đã được hưởng lợi từ đợt cắt giảm lãi suất lần thứ 7 bắt đầu từ ngày 15/7/2021 cũng đủ điều kiện tham gia chương trình này nếu họ đáp ứng các tiêu chí đã nêu để xác định xem một cá nhân hoặc doanh nghiệp có bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 hay không. 

Vietcombank ước tính thu nhập lãi sẽ giảm khoảng 1.000 tỷ đồng trong năm 2021, nâng tổng số thiệt hại về thu nhập lãi lên hơn 7.000 tỷ đồng. Bộ phận phân tích của Công ty Chứng khoán SSI dự báo, lợi nhuận của Vietcombank có thể ảnh hưởng tiêu cực từ quyết định cắt giảm lãi suất trên.

Các biện pháp giãn cách xã hội kéo dài tại các tỉnh miền Nam khiến khả năng trả nợ của khách hàng sẽ suy giảm và tỷ lệ hình thành nợ xấu mới sẽ tăng nhanh. SSI dự báo thu nhập lãi thuần sẽ chịu áp lực và tỷ lệ NIM của Vietcombank có thể giảm xuống 2,81%.

Những ảnh hưởng này có thể khiến lợi nhuận trước thuế của Vietcombank năm 2021 và 2022 lần lượt đạt khoảng 24,3 nghìn tỷ đồng (tăng 5,4% so với cùng kỳ) và 31,7 nghìn tỷ đồng (tăng 30,6% so với cùng kỳ).

Ở chiều ngược lại, những yếu tố tích cực sẽ hỗ trợ đối với hoạt động của Vietcombank bao gồm tỷ lệ nợ xấu và các khoản vay tái cơ cấu thấp hơn dự kiến, kế hoạch phát hành 6,5% vốn điều lệ được tái khởi động trong quý 4/2021 sau khi dịch Covid-19 ở Việt Nam được kiểm soát.

Trước đó, Vietcombank là một trong những ngân hàng sẵn sàng cắt giảm lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro trong dịch Covid-19. Trong quý 2, lợi nhuận của ngân hàng bất ngờ sụt giảm 14% so với cùng kỳ, chủ yếu do tăng trích lập dự phòng. 

Sau 6 tháng đầu năm 2021, chi phí dự phòng rủi ro của ngân hàng đã tăng 37,2% so với cùng kỳ lên 5.500 tỷ đồng. Tỷ lệ bao nợ xấu của Vietcombank lên tới 350%, mức cao nhất toàn hệ thống ngân hàng.

Việc trích lập dự phòng cao khiến lợi nhuận ngân hàng tăng trưởng chậm lại. Lũy kế 6 tháng, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 13.000 tỷ đồng, tăng 22%.

Tại phiên họp thường niên 2021, lãnh đạo Vietcombank từng chia sẻ ngân hàng sẽ chủ động trích lập dự phòng toàn bộ nợ tái cơ cấu trong năm nay mà không cần giãn 3 năm theo Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước.