Vietinbank được dự báo lỗ 765 tỷ trong quý 4

Trần Anh - 08:00, 19/12/2018

TheLEADERChỉ 3 tuần trước khi kết thúc năm tài chính, Vietinbank tổ chức Đại hội cổ đông thông qua kế hoạch lợi nhuận cả năm thấp hơn con số đã đạt được trong 9 tháng đầu năm.

Đầu tháng 12, Vietinbank đã tổ chức đại hội cổ đông bất thường để điều chỉnh lại khá nhiều chỉ tiêu kinh doanh của năm 2018 đã được đưa ra hồi đầu năm.

Theo đó, các cổ đông đã thông qua chỉ tiêu tổng tài sản tăng trưởng 6 – 8%, dư nợ tín dụng tăng trưởng 8 – 9%, nguồn vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng 8 – 10%, lợi nhuận hợp nhất 6.700 tỷ đồng.

Điều ngạc nhiên là trong 9 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng của Vietinbank đã đạt 12,8%, tiền gửi khách hàng tăng 9,7%, còn lợi nhuận trước thuế đã đạt gần 7.600 tỷ đồng. 

Trong khi chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là kết thúc năm tài chính, việc Vietinbank thông qua một "kế hoạch kinh doanh" thấp hơn những gì đã đạt được khiến nhà đầu tư nghi ngờ về một kết quả kinh doanh quý IV kém khả quan của ngân hàng.

Sau ĐHCĐ của Vietinbank, một công ty chứng khoán dự báo ngân hàng sẽ ghi nhận lỗ 765 tỷ đồng trong quý cuối năm do chi phí dự phòng tăng mạnh hoặc do thoái lãi dự thu. Theo đó ngân hàng sẽ tái cấu trúc dư nợ và hạn chế tăng trưởng cho vay trong quý IV nhằm cải thiện hiệu quả và duy trì hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định.

Tổng chi phí dự phòng của Vietinbank được dự báo sẽ tăng mạnh 36% so với năm ngoái lên trên 11.300 tỷ đồng trong năm nay. Trong đó riêng quý cuối năm sẽ dự phòng khoảng 4.000 tỷ đồng.

Việc Vietinbank phải giảm mục tiêu trưởng tín dụng của mình cho thấy ngân hàng đang gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn trong bối cảnh sắp phải thực hiện Basel 2, một hệ thống quy chuẩn với cách tính tài sản rủi ro nghiêm ngặt và toàn diện hơn.

Đây cũng là lý do các ngân hàng liên tục tìm cách tăng vốn điều lệ thời gian qua. Tuy nhiên, BIDV và Vietcombank đều đang phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược nước ngoài, Vietinbank duy trì vốn điều lệ hơn 37.000 tỷ đồng trong nhiều năm qua.

Trước đó, Vietinbank cũng đã đề xuất các phương án tăng vốn như chia cổ tức bằng cổ phiếu được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận song vẫn không thể thực hiện do Bộ Tài Chính không đồng ý phương án này. Ngay cả phương án chia cổ tức năm 2017 với hơn 4.000 tỷ lợi nhuận còn lại đến nay cũng chưa được thông qua.

Thực tế, ngân hàng vẫn có thể huy động vốn cấp 2 thông qua việc phát hành trái phiếu nhưng việc này đang trở nên khó khăn hơn do lãi suất tăng và sự cạnh tranh giữa các ngân hàng. Từ đầu năm Vietinbank đã thực hiện 4 đợt phát hành trái phiếu huy động khoảng 6.000 tỷ đồng.

Với việc tăng vốn cấp 1 từ các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, Vietinbank đang gặp khó do tỷ lệ sở hữu của khối ngoại đã được lấp đầy 30% còn tỷ lệ sở hữu của Nhà nước đã xuống dưới 65%. Do đó, ngân hàng khó có thể phát hành riêng lẻ cổ phần để tăng vốn. 

Việc tăng vốn gặp khó khăn cũng đã ảnh hưởng đến việc đầu tư vào tài sản cố định của ngân hàng. Theo đó, Vietinbank đang ưu tiện thực hiện phương án chuyển nhượng toàn bộ tài sản của dự án Vietinbank Tower, và thuê lại tháp 68 tầng để làm trụ sở. Đây là dự án quy mô hơn 10.000 tỷ đồng được thông qua năm 2013 nhưng do khó khăn về nguồn vốn nên sau 5 năm vẫn chỉ đang trong giai đoạn đầu xây dựng. 

Trong khi tăng trưởng tín dụng bị hạn chế, Vietinbank vẫn phải đối mặt với việc xử lý nợ xấu dù các khoản nợ bán cho VAMC đều đã được trích lập dự phòng đầy đủ. Ngân hàng hiện có quy mô lãi dự thu trên 15.300 tỷ đồng và đã tăng thêm hơn 5% trong 9 tháng qua. Tỷ trọng lãi dự thu trên tổng cho vay của Vietinbank cao hơn đáng kể so với Vietcombank và BIDV.