Đăng ký vốn FDI tháng 11: Tăng cũ, giảm mới

Nhật Hạ - 11:17, 29/11/2022

TheLEADERTrong cơ cấu dòng vốn FDI vào Việt Nam tháng này, vốn đăng ký tăng thêm từ các dự án FDI ‘cũ’ tăng gấp 2 lần so với tháng trước. Tuy nhiên, đà tăng của vốn đăng ký từ các dự án mới trước đó không được duy trì trong tháng 11.

Tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 25,1 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước, tăng 0,4 điểm phần trăm so với 10 tháng và tăng 10,3 điểm phần trăm so với 9 tháng, theo báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và đầu tư tính đến ngày 20/11/2022.

Cụ thể, 1.812 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đăng ký của các dự án mới đạt hơn 11,5 tỷ USD, giảm 18%.

Đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư có 994 lượt dự án, tăng 13% so với cùng kỳ. Trong đó, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 9,54 tỷ USD, tăng 23%.

Góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư ngoại có 3.298 lượt, giảm 4,8% so với cùng kỳ. Tổng giá trị vốn góp đạt hơn 4,08 tỷ USD, giảm 7%.

Cơ quan này cho rằng, tuy vốn đăng ký mới chưa hồi phục hoàn toàn sau sự gián đoạn của các biện pháp chống dịch năm 2021 và biến động địa chính trị toàn cầu song cũng đang dần được cải thiện, vốn điều chỉnh tiếp tục tăng.

Vốn đăng ký tăng thêm từ các dự án FDI ‘cũ’ tăng gấp 2 lần trong tháng 11
Cơ cấu đầu tư nước ngoài 11 tháng năm 2022 theo tháng và theo thành phần vốn đầu tư

Xu hướng tăng mạnh vốn đăng ký cấp mới trong tháng 10 không thể tiếp tục trong tháng 11. Tuy nhiên, phần vốn đăng ký tăng thêm từ các dự án FDI ‘cũ’ đã tăng gấp 2 lần so với tháng trước.

Trong 11 tháng đầu năm nay, theo lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư ngoại đã đầu tư vào 19/21 ngành lĩnh vực, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu. Kinh doanh bất động sản đứng thứ hai. Tiếp theo lần lượt là ngành sản xuất, phân phối điện.

Vốn đăng ký tăng thêm từ các dự án FDI ‘cũ’ tăng gấp 2 lần trong tháng 11 1

Xét về số lượng dự án mới, các ngành bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt 30%, 24,5% và 16,5% tổng số dự án.

Theo đối tác đầu tư, 107 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư tại Việt Nam, với Singapore dẫn đầu. Theo sau là Nhật Bản, Hàn Quốc.

Vốn đăng ký tăng thêm từ các dự án FDI ‘cũ’ tăng gấp 2 lần trong tháng 11 2

Theo số lượng dự án, Hàn Quốc vẫn là đối tác có nhà đầu tư quan tâm và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng dự án đầu tư và góp vốn mua cổ phần nhiều nhất trong 11 tháng qua, cụ thể chiếm 21% số dự án mới, 33% số lượt điều chỉnh và 34% số lượt góp vốn mua cổ phần.

Trong đó, bên cạnh lĩnh vực sản xuất, bất động sản đang thu hút nguồn vốn FDI đáng kể từ Hàn Quốc trong những năm gần đây. Nổi bật trong đầu năm nay là khoản đầu tư 900 triệu USD của Lotte E&C để phát triển khu đô thị thông minh mang tên “Lotte Eco Smart City Thủ Thiêm”.

Theo địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư ngoại đã rót vốn vào 54 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó TP.HCM vươn lên vị trí dẫn đầu. Tiếp theo là Bình Dương (số tăng 45% so với cùng kỳ năm trước), Quảng Ninh (tăng 89% so với cùng kỳ).

Vốn đăng ký tăng thêm từ các dự án FDI ‘cũ’ tăng gấp 2 lần trong tháng 11 3

Về số dự án mới, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TP.HCM, Hà Nội. Trong đó, TP.HCM dẫn đầu về số dự án mới (45%), số lượt góp vốn mua cổ phần (67%) và đứng thứ hai về số lượt dự án điều chỉnh vốn (16,5% sau Hà Nội là 18%).

Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 19,68 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu (kể cả dầu thô) ước đạt hơn 255 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ, chiếm 74% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt hơn 252,9 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ, chiếm 74% kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Kim ngạch nhập khẩu của khu vực này ước đạt hơn 217,5 tỷ USD, tăng 10,2% so cùng kỳ và chiếm 65% kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Do đó, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu gần 37,6 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu gần 35,4 tỷ USD không kể dầu thô. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu gần 28,5 tỷ USD.

Báo cáo Quốc hội mới đây, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, giải ngân vốn FDI năm nay có thể đạt 21 - 22 tỷ USD, tăng khoảng 6,4 - 11,5% so với năm 2021.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian qua, để thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài, Chính phủ Việt Nam đã có một loạt động thái quan trọng.

Chẳng hạn, ban hành các quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt, phê duyệt bộ tiêu chí thu hút FDI có chọn lọc, thành lập tổ công tác đặc biệt để tiếp cận, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn lớn, có công nghệ nguồn, đứng đầu chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu…

“Thời gian tới, Bộ Kế hoạch và đầu tư sẽ cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tham mưu, xây dựng kế hoạch và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá để thu hút FDI đạt được hiệu quả, bền vững, trở thành kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, thúc đẩy đà phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.